| Hotline: 0983.970.780

Lúa - tôm góp phần xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai 26/12/2016 , 08:16 (GMT+7)

Vĩnh Thuận là 1 trong 3 huyện điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Kiên Giang.

Theo kế hoạch thì đến cuối năm 2018, địa phương này sẽ cơ bản đạt chuẩn các tiêu chí của huyện NTM, với mức thu nhập bình quân đầu người 57,5 triệu đồng/năm.
 

Lợi thế lúa - tôm

Vĩnh Thuận thuộc các huyện vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang, có thế mạnh về phát triển lúa, rau màu và thủy sản nước lợ. Đặc biệt là mô hình kết hợp lúa - tôm (luân canh một vụ lúa - vụ tôm) mang lại thu nhập cao hơn hẳn so với độc canh cây lúa. Trong quá trình làm mô hình, nông dân đã sáng tạo nuôi kết hợp tôm sú, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng, cua biển... giúp nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

12-54-01_1-mo-hinh-nuoi-tom-cng-xnh-tom-su-tren-ruong-lu-mng-li-hieu-qu-kinh-te-co-o-huyen-vinh-thun
Mô hình nuôi tôm càng xanh, tôm sú trên ruộng lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao ở huyện Vĩnh Thuận
 

Ông Trịnh Tài Mon, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thuận cho biết, thế mạnh của huyện là sản xuất lúa và nuôi thủy sản, nhất là tôm nuôi nước nước lợ. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm vừa qua đạt 44.837ha, tổng sản lượng 19.566 tấn. Trong đó, thả nuôi tôm 22.837ha, sản lượng thu hoạch 10.500 tấn, gồm tôm càng xanh 4.107 tấn, tôm sú 5.088 tấn, tôm thẻ chân trắng 1.305 tấn.

“Năm nay hạn, mặn diễn ra gay gắt, đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất lúa của huyện, nhưng bù lại diện tích nuôi tôm tăng thêm trên 7.000ha nên sản lượng thu hoạch tôm tăng theo, đã vượt dự kiến 900 tấn. Sản lượng này sẽ bù vào tương đương 50% giá trị lượng lúa bị hụt.

Riêng tôm thu tháng 11 - 12 sẽ được tính cho sản lượng của năm sau, phần này sẽ tiếp tục bù sản lượng lúa có thể giảm đi của năm 2017. Nhờ vậy, mà thu nhập của người dân vẫn được đảm bảo, góp phần duy trì nguồn lực đóng góp xây dựng NTM tại địa phương”, ông Mon nói.

Theo quy hoạch phát triển giai đoạn 2016 - 2020, huyện sẽ giữ vững diện tích lúa 2 vụ/năm từ 6.500 - 7.000ha, trong đó lúa chất lượng cao đạt 3.200ha, kết hợp với xây dựng cánh đồng lớn; vùng luân canh trồng rau, màu trên đất lúa hàng năm từ 1.000ha trở lên; diện tích nuôi tôm từ 21.000 - 2.4000ha, trong đó tôm - lúa 20.000ha, phấn đấu tổng sản lượng lúa cả huyện đạt 960.000 tấn, sản lượng tôm nuôi 46.000 tấn.

Mỗi xã thành lập mới 1 HTX nông nghiệp, riêng năm 2016 thành lập 2 HTX tại xã Tân Thuận và Bình Minh, chuẩn bị thành lập thêm ở xã Vĩnh Phong. Như vậy, đến nay Vĩnh Thuận đã có 3 HTX nông nghiệp, 101 tổ hợp tác với 1.132 hộ nông dân tham gia, diện tích canh tác 943,6ha, chủ yếu trong các lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, tôm - lúa, trồng màu, nuôi thuỷ đặc sản như tôm càng xanh, cá sấu, cá bống tượng...

Bên cạnh cây lúa và thủy sản, phong trào trồng rau màu cũng phát triển mạnh ở các xã Vĩnh Bình Bắc, Bình Minh, Tân Thuận, chủ yếu trồng màu trên nền đất lúa 2 vụ. Diện tích trồng rau màu của huyện trong năm đạt 1.145ha, sản lượng ước trên 27.300 tấn, gồm dưa leo, dưa hấu, dưa hoàng kim, bí xanh, bí đỏ…

Để tiến lên đạt chuẩn huyện NTM, UBND huyện chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển kết cấu hạ tầng  kinh tế - xã hội, phát triển nền nông nghiệp toàn diện bền vững gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản.

“Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phải đảm bảo đạt chuẩn xây dựng NTM và theo hướng hiện đại. Chú trọng, ưu tiên đầu tư các công trình phát huy tác dụng thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch lao động nông thôn như các công trình thủy lợi, cống đập, trạm bơm, hệ thống lưới điện, giao thông thủy, bộ...

Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đa dạng, có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Có cơ chế khuyến kích phát triển mạnh các loại hình kinh tế tập thể và hợp tác sản xuất đa dạng từ thấp đến cao.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, gắn sản xuất nông sản hàng hóa với chuyển giao công nghệ, chế biến và bảo quản...”, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận chỉ đạo.
 

Phấn đấu về đích sớm

Nằm trong kế hoạch xây dựng huyện NTM giai đoạn 2016 - 2020, nhưng Nghị quyết của Huyện ủy Vĩnh Thuận phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí của một huyện NTM vào cuối năm 2018. Đây là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương.

Đến nay, huyện Vĩnh Thuận mới chỉ có duy nhất xã Vĩnh Phong được công nhận đạt chuẩn NTM. Cuối năm 2016, có thêm xã Tân Thuận đạt 19/19 tiêu chí, các xã còn lại là Bình Minh và Vĩnh Bình Nam đạt 16 tiêu chí, Vĩnh Thuận và Phong Đông đạt 14 tiêu chí, Vĩnh Bình Bắc đạt 12 tiêu chí. Phần lớn các xã đều không đạt tiêu chí số 11 (hộ nghèo) do đánh giá lại hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều.

Theo phân kỳ, năm 2017 xã Vĩnh Bình Nam và Bình Minh đạt chuẩn NTM, năm 2018 xã Vĩnh Bình Bắc và Đông Phong đạt chuẩn. Trên cơ sở đó, đến cuối năm 2018 sẽ cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện NTM. Để hoàn thành mục tiêu to lớn này, huyện chỉ đạo cấp ủy và chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức cho cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng NTM, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Phát động phong trào xây dựng NTM gắn với thi đua, khen thưởng hằng năm từ huyện đến cơ sở như phong trào thi đua xây dựng NTM giữa các hộ gia đình, xóm ấp, giữa các địa phương, đơn vị với nhau…

Tuyên truyền, vận động người dân tích cực đóng góp sức người, sức của trong giải phóng mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng, thay đổi nếp sống, bảo vệ môi trường, tham gia hợp tác xã, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

“Tranh thủ mọi nguồn lực xã hội từ Trung ương đến địa phương và huy động tốt các nguồn lực nội tại của nhân dân để xây dựng NTM. Tích cực vận động người dân, hộ gia đình, các tổ nhân dân tự quản, ấp… phát huy vai trò làm chủ, chủ động tham gia chương trình, thực hiện các phần việc trong phạm vi trách nhiệm, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng góp phần xây dựng gia đình, xóm, ấp đạt tiêu chí NTM. Từ đó, sẽ lan tỏa thành xã NTM, huyện NTM…”, Phó Chủ tịch Phạm Văn Hậu yêu cầu.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.