Ăn chay không chỉ là sở thích, mà còn là một thói quen lành mạnh, giúp nâng cao sức khỏe, đặc biệt trong mùa Vu Lan. Thế nhưng, việc lựa chọn thực phẩm chay sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm từ khâu lựa chọn sản phẩm đến khâu chế biến, bảo quản và sử dụng như thế nào không phải ai cũng biết.
Nếu dạo một vòng quanh các tiệm thực phẩm chay, quán cơm chay ở các thành phố, thị xã, thị trấn, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chay đóng hộp, thực phẩm đông lạnh, đồ khô, thực phẩm chay nhà làm... Nào là đùi gà chay, chả giò chay, tôm chay, chả cá chay… có thể ăn ngay hoặc hâm nóng lại. Do đó, người tiêu dùng rất khó để xác định được mức độ an toàn của những món ăn chay này.
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, để bảo đảm độ dai và có hương vị tương tự như các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thủy sản, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chay thường bổ sung phụ gia, hương liệu thực phẩm tạo mùi, màu, chất định hình và chất chống ẩm mốc...
Từng loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm như thực phẩm bị ôi thiu, thực phẩm nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh, nhiễm hóa chất độc hại. Việc không kiểm soát được nguyên liệu, khi chế biến không đảm bảo quy trình về vệ sinh làm cho sản phẩm dễ bị ô nhiễm có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn tiêu chảy... ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
“Không chỉ thực phẩm chay tươi mới tiềm ẩn nguy cơ, thực phẩm chay đóng hộp cũng có nguy cơ nếu quá trình đóng hộp có sự xâm nhập của vi khuẩn Clostridium botulinium. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử, vi khuẩn này tiết ra chất cực độc tác động lên thần kinh gây liệt cơ, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, trong thời dan dài dễ dẫn đến tử vong”, bà Phong Lan cho biết.
Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, để sản xuất thực phẩm chay an toàn, các cơ sở kinh doanh, sản xuất phải đáp ứng được các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc một trong các giấy chứng nhận: GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương còn hiệu lực.
Ngoài các điều kiện về nhà xưởng sản xuất, các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm chay cần lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục được cho phép của Bộ Y tế và phải thực hiện việc tự công bố chất lượng sản phẩm và tuân thủ các quy định về việc ghi nhãn hàng hóa, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng… Đối với sản phẩm nhập khẩu phải có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt rõ ràng, đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định.
“Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình, khi mua thực phẩm, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ tất cả những thông tin xung quanh sản phẩm. Tuyệt đối không mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng không nhãn mác, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm bị biến dạng. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử lý kịp thời”, bà Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo.
Trong quá trình chế thực phẩm chay nếu sử dụng phẩm màu tổng hợp trong thời gian lâu dài, vượt mức cho phép sẽ có hại cho sức khỏe. Mặt khác, đối với các loại thực phẩm chay tươi, nấm, theo quy trình phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 1-50 độ C để giữ được dưỡng chất, ngăn vi khuẩn phát triển, hạn sử dụng từ 5 - 7 ngày. Nếu để ở nhiệt độ thường hoặc quá hạn sử dụng, vi khuẩn, vi sinh vật sẽ sinh sôi, phát triển. Một khi ăn vào có thể gây ngộ độc với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, buồn nôn, nôn, choáng váng… thậm chí tử vong.