| Hotline: 0983.970.780

Lúa hè thu nơm nớp lo 'mất ăn'

Thứ Tư 14/09/2016 , 15:06 (GMT+7)

43.737ha lúa hè thu (HT) năm 2016 của tỉnh Hà Tĩnh đang vào giai đoạn chính vụ thu hoạch nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 4 khiến hàng trăm ha bị đổ sạp, chìm nghỉm dưới nước, nguy cơ “mất ăn”.

“Trời cho chộ mà chưa cho ăn”

Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh cho biết, đến thời điểm này hầu hết diện tích lúa HT trên địa bàn đang vào giai đoạn chín rộ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng cơn bão số 4 gây mưa to kéo dài hơn 2 ngày qua khiến tiến độ thu hoạch chậm. Hiện mới có 3.870/43.737ha được thu hoạch (đạt 8,85%); trong đó huyện triển khai nhanh nhất là Đức Thọ cũng mới đạt 52,16%.

Sáng 13/9, đoàn cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Cẩm Xuyên do ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện dẫn đầu đội mưa xuống các xã, thị trấn kiểm tra diện tích lúa có nguy cơ thiệt hại, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động ra đồng tháo nước tiêu úng trên đồng ruộng; chỉ đạo các xã chuẩn bị 160 chiếc máy gặt luôn trong tư thế sẵn sàng, chờ trời hửng nắng tập trung thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

“Năm nay “trời cho chộ mà chưa cho ăn”. Qua đánh giá bước đầu năng suất lúa HT của huyện năm nay ước đạt từ 52 - 53 tạ/ha nhưng mấy ngày vừa rồi mưa lớn kèm theo gió đã khiến hơn 350ha bị đổ sạp, con số này có thể tiếp tục tăng trong những ngày tới vì trời Hà Tĩnh vẫn đang mưa ầm ầm”, ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, mặc dù thực hiện nhiều giải pháp để “cứu” lúa nhưng nếu 4 - 5 ngày tới trời vẫn tiếp tục mưa chắc chắn hàng trăm ha sẽ nảy mầm, mất trắng. Huyện Cẩm Xuyên đang tập trung chỉ đạo người dân thu hoạch các diện tích lúa chín trên 75% ngay khi thời tiết hửng nắng.

Được biết, vụ HT 2016 Cẩm Xuyên gieo cấy 9.000ha các giống lúa Khang dân 18, Thiên ưu 8, VT-NA2... Hiện diện tích thu hoạch mới đạt trên dưới 2.000ha.

Chung lo ngại lúa HT không thể “chạy lũ”, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà, Nguyễn Văn Sáu cho hay: “Dù đã chuẩn bị tâm lý gặp mưa giai đoạn thu hoạch từ đầu vụ nhưng nay nhìn lúa chín đổ sạp dưới ruộng chúng tôi rất xót, bà con cũng đứng ngồi không yên, chỉ mong trời hửng nắng một tuần để thu hoạch cho xong”.

Hiện Thạch Hà đã thu hoạch được gần 200/7.513ha. Diện tích lúa bị đổ do mưa thống kê đến ngày sáng 13/9 là 125ha, tập trung ở các xã Thạch Lạc, Thạch Trị, Tượng Sơn, Thạch Khê, Thạch Văn...

Chị Nguyễn Thị Lài, xã Cẩm Nam có 5 sào lúa HT đã chín trên 70%. Ba ngày trước chị dự định ngày 14/9 sẽ thuê máy gặt thu hoạch toàn bộ diện tích, đùng một cái trời mưa tầm tã hơn 2 ngày liền khiến hơn 3 sào lúa đổ sạp, chìm sâu trong nước. Vợ chồng chị tính ra dựng lại lúa nhưng do nước trong ruộng quá lớn nên giờ đành phó mặc ông trời. “Làm ruộng khổ rứa đó chị. Hết hạn lại đến lũ. Mấy hôm rồi nhìn lúa chín cứ tưởng “ăn chắc”, nào ngờ...”, chị Lài sụt sùi.

 

Vụ đông gấp gáp

Theo kế hoạch đặt ra, vụ HT phải thu hoạch xong trước 20/9 nhưng với thời tiết bất thuận hiện nay tiến độ dự kiến sẽ kéo dài đến 25/9, kéo theo thời vụ sản xuất vụ đông cũng hết sức gấp gáp.

13-29-31_3
160 chiếc máy gặt đập liên hợp của huyện Cẩm Xuyên đã sẵn sàng ra quân thu hoạch khi trời hửng nắng

 

Ông Nguyễn Trí Hà thông tin, đặc thù là tỉnh thuần nông, đại bộ phận người dân sinh sống dựa nào nông nghiệp nên ngoài hai vụ sản xuất chính là ĐX và HT, năm nào Hà Tĩnh cũng chú trọng đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, tăng nguồn thu cho bà con. Theo đó, vụ đông 2016 toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 13.305ha. Trong đó, rau các loại 4.205ha; ngô lấy hạt 4.400ha, ngô sinh khối hơn 2.500ha; khoai lang hơn 2.000ha; lạc 110ha...

“Việc đẩy nhanh kế hoạch trồng cây vụ đông phụ thuộc rất lớn tiến độ thu hoạch lúa HT. Tất nhiên, những diện tích đất chuyên màu chúng tôi đã khuyến khích người dân ra đồng làm đất từ sớm để được hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã”, ông Hà nói.

Thạch Hà là một trong những huyện có truyền thống làm cây vụ đông hiệu quả, không chỉ trên đất thịt mà còn cả trên đất cát bạc màu. Năm 2016, toàn huyện đặt mục tiêu gieo trồng 800ha rau các loại (cải, su hào, đậu, cà rốt, dưa chuột, củ cải); 350ha ngô và 400ha khoai lang, chủ yếu ở các xã Thạch Văn, Thạch Trị, Tượng Sơn, Thạch Kênh, Thạch Liên, Thạch Xuân, Thạch Ngọc...

Để khuyến khích người dân tăng gia sản xuất vụ đông, ngoài các chính sách hỗ trợ của tỉnh, năm nay huyện Thạch Hà hỗ trợ các hộ dân trồng khảo nghiệm 5ha giống khoai lang KLC266; hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng 8ha ngô mật độ cao ở xã Thạch Liên. Đồng thời hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển rau củ quả trên cát giai đoạn 2016 - 2020, với diện tích 194,7ha.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển rau an toàn trên cát được hỗ trợ một phần hạ tầng san lấp mặt bằng, đào hồ chứa nước, đường đi nội bộ, hệ thống điện, hệ thống tưới, phân mùn cải tạo đất... Mức hỗ trợ tối đa lên đến 250 triệu đồng/ha.

“Trước mắt, huyện cố gắng duy trì 28,8ha rau trên cát đã sản xuất mấy năm qua. Đồng thời, phấn đấu mở rộng thêm 75ha (năm 2016 - 2017); từ 2018 - 2020 phát triển diện tích còn lại”, ông Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh thêm.

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng qua đánh giá bước đầu, năng suất lúa HT năm 2016 bình quân toàn tỉnh ước đạt 49,5 tạ/ha (cao hơn năm 2015 khoảng 1 tạ/ha). Vùng có năng suất đạt cao là các huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà, Can Lộc..., bình quân từ 50 - 51 tạ/ha.

 

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.