| Hotline: 0983.970.780

Lúa hữu cơ Quế Lâm cho lợi nhuận 35 triệu đồng/ha

Thứ Sáu 11/09/2020 , 08:11 (GMT+7)

Vụ mùa năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc phối hợp với Cty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm và UBND xã Tân Phong thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ.

Nông dân xã Tân Phong và đại diện Cty Quế Lâm tại mô hình trồng lúa hữu cơ. Ảnh: Quang Dũng.

Nông dân xã Tân Phong và đại diện Cty Quế Lâm tại mô hình trồng lúa hữu cơ. Ảnh: Quang Dũng.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, giống lúa hữu cơ sử dụng ở mô hình này là DT39 Quế Lâm do Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm cung ứng. Lượng giống sử dụng: 50 kg/ha; phân bón sử dụng là phân hữu cơ sinh học Quế Lâm SH03 và phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm. Lúa được bón lót bằng phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm 01.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết vụ mùa năm nay, giai đoạn làm mạ và sau khi cấy thời tiết có nắng nhẹ thuận lợi cho cây mạ và lúa sinh trưởng. Giai đoạn cây lúa đứng cái, làm đòng, thời tiết mưa nhiều ngày làm phát sinh các đối tượng sâu bệnh gây hại như sâu đục thân, sâu cuốn lá. Tuy nhiên, các hộ dân đã rất tích cực và tuân thủ trong vấn đề sử dụng các loại thuốc BVTV thảo mộc để phòng trừ bệnh nên mức độ gây hại không ảnh hưởng tới năng suất. Giai đoạn lúa trỗ và chín điều kiện thời tiết thuận lợi cho quá trình thụ phấn.

“Lúa hữu cơ Quế Lâm cho tỷ lệ thành bông đạt cao hơn so với lúa bón phân hóa học 11,8%. Điều này cho thấy, lúa được sử dụng phân bón hữu cơ trong suốt quá trình sinh trưởng ít nhánh vô hiệu hơn so với bón phân hóa học”, ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc, cho biết.

Xét về góc độ kinh tế, ông Dương cho biết sản xuất lúa hữu cơ chi phí đầu tư cao hơn so với sản xuất lúa sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học 4.692.000 đồng/ha. Tuy nhiên, lúa hữu cơ có giá bán cao hơn 1.200 đồng/kg nên sau khi trừ các chi phí, sản xuất lúa hữu cơ vẫn thu được lợi nhuận là 35.250.000 đồng/ha (cao hơn sản xuất lúa thông thường là 2.564.000 đồng/ha). Quan trọng hơn, sản xuất lúa hữu cơ bảo vệ tốt sức khỏe người sản xuất do không phải tiếp xúc với các chất hóa học, bảo vệ người tiêu dùng bằng sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường, không gây ô nhiễm nguồn đất, nước và không khí.

Lúa hữu cơ Quế Lâm hiện cho nhiều kết quả khả quan, song khó khăn hiện tại là việc sản xuất đòi hòi phải có sự tham gia của đồng loạt các hộ trên cùng một khu ruộng. Tuy nhiên, các thửa ruộng còn manh mún, nhỏ lẻ và là sở hữu của nhiều hộ nên công tác tuyên truyền, vận động người dân giai đoạn đầu còn gặp nhiều khó khăn.

Chi phí đầu tư ban đầu cho sản xuất lúa hữu cơ cao hơn nên đòi hỏi phải có sự đầu tư ngay từ ban đầu. Đồng thời sản phẩm hữu cơ của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu nên người dân còn ngần ngại trong vấn đề đầu tư và băn khoăn về đầu ra.

Dù còn tồn tại một số khó khăn, song ông Dũng cho biết tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá rất cao nỗ lực của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm và tin rằng mô hình này còn tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai.

“Sản xuất lúa hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội rất thiết thực, sức khỏe người dân được cải thiện vì vậy cần được các địa phương triển khai ứng dụng nhân rộng”, ông Dũng nói.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Nhiều thách thức khi xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang Trung Quốc

Trung Quốc có nhu cầu sản phẩm thịt lên tới gần 400 tỷ USD/năm và là thị trường đầy tiềm năng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.