Cư dân mạng đã gọi điều này là khoảnh khắc "giấc mơ thành hiện thực" nhằm tưởng nhớ "cha đẻ lúa lai", giáo sư, viện sĩ Viên Long Bình, người vừa qua đời hồi tháng 5 năm nay tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, hưởng thọ 91 tuổi.
Theo đó, giống lúa khổng lồ độc đáo này đang được trồng thử nghiệm ở Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc với diện tích 15 mu (khoảng 10.000 mét vuông) và dự kiến sẽ cho thu hoạch vào tháng 9 tới.
Truyền thông Trung Quốc dẫn lời ông Chen Yangpiao, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Lúa lai Quốc gia Trung Quốc, chi nhánh Trùng Khánh cho biết, giống lúa khổng lồ được các nhà khoa học gieo mạ ở làng Changhong, vào tháng 4 năm nay và sau đó nhổ lên xuống giống vào tháng 5. Năng suất mỗi mu ước tính có thể đạt 750-900 kg (666 mét vuông).
Theo ông Chen, chiều cao trung bình của mỗi cây lúa khổng lồ này là từ 1,8m đến 2,25m, cao hơn nhiều so với các giống lúa thông thường.
Ngoài ra, đây là giống lúa có thân cuống rất cứng cáp và có khả năng chống chịu được ngập úng và phát triển tốt trên đất phèn mặn. Đặc biệt giống lúa khổng lồ này cũng có thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho hệ thực vật ở xung quanh và là môi trường tốt cho các loài thủy sinh và động vật trú ẩn bên dưới.
“Khi những chân ruộng cấy “lúa khổng lồ” có độ sâu từ 60–80 cm nước, sẽ rất thuận lợi để nông dân kết hợp nuôi thả cá, tôm hoặc cua. Dự kiến sắp tới, hàng nghìn cánh đồng sẽ tiến hành sản xuất giống lúa này”, theo ông Chen.
Ngay sau khi truyền thông đưa tin về giống lúa khổng lồ ở Trung Khánh, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã chia sẻ lên các mạng xã hôi để bày tỏ sự kính trọng đối với nhà nông học Viên Long Bình, và nói rằng "ước mơ của ông đang dần trở thành hiện thực".
Trước khi qua đời, ông Viên Long Bình có lần đã nói: "Tôi có một giấc mơ rằng một ngày nào đó cây lúa sẽ cao như cây cao lương, bông dài như cái chổi, và hạt to như đậu phộng, trong khi tôi và trợ lý của tôi thì có thể ngồi dưới tán lúa để tận hưởng sự mát mẻ".
Nhà khoa học lúa gạo hàng đầu thế giới Viên Long Bình, người đã dành cả cuộc đời lai tạo ra nhiều dòng lúa lai năng suất cao đầu tiên, có công lớn giúp Trung Quốc thoát khỏi cuộc khủng hoảng lương thực trong thế kỷ 20.