| Hotline: 0983.970.780

Lúa lai Thụy Hương 308 và hướng những cánh đồng ‘không dấu chân’

Thứ Ba 06/02/2024 , 11:26 (GMT+7)

Giống lúa lai Thụy Hương 308 đã được bà con xứ Thanh tin tưởng lựa chọn để đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, hướng đến những cánh đồng 'không dấu chân'.

Nông dân “mê” Thụy Hương 308

Ông Vũ Hải Đăng, lão nông hơn 70 tuổi ở thôn Quý Tiến, xã Hải Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa, nói: “Tôi ngại lên truyền hình lắm vì con cái nhìn thấy lại biết mình đang lén lút làm nông. Chúng sợ tôi vất vả vì có tuổi rồi, nhưng bây giờ trồng lúa nhàn lắm, không cần bước chân xuống ruộng, có máy móc cả rồi”.

Cây mạ gieo trên khay từ giống lúa lai Thụy Hương 308 có bộ rễ khỏe, cứng cây, đanh dảnh nên khi cấy xuống ruộng nhanh bén rễ, hồi xanh và khả năng đẻ nhánh khỏe. Ảnh: Hồng Thắm.

Cây mạ gieo trên khay từ giống lúa lai Thụy Hương 308 có bộ rễ khỏe, cứng cây, đanh dảnh nên khi cấy xuống ruộng nhanh bén rễ, hồi xanh và khả năng đẻ nhánh khỏe. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Đăng tâm sự, hiện tuổi lao động đã hết, sức khỏe yếu đi nhiều so với trước nhưng nhờ có máy móc làm thay nên rất mừng là vẫn còn có thể gắn bó với cây lúa. Trước kia gia đình cấy thủ công phải mất 2 ngày cho hơn 3 sào ruộng (1.600m2) nhưng bây giờ sử dụng mạ khay - máy cấy với giống lúa Thụy Hương 308, chỉ chưa đầy 60 phút là xong.

“Giống lúa Thụy Hương 308 phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương, cơm ngon, chất lượng tốt, giá bán cao, cứng cây phù hợp cho cơ giới hóa. Ở cái tuổi gần đất xa trời như tôi, phải sử dụng cơ giới hóa thì mới còn làm nông nghiệp được. Gia đình tôi đã thuê máy cày, máy cấy, từ đó giảm sức lao động, chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế”, ông Đăng khẳng định.

Ông Vũ Hải Đăng, thôn Quý Tiến, xã Hải Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa cho biết, sử dụng mạ khay - máy cấy với giống lúa Thụy Hương 308, chỉ chưa đầy 60 phút là xong hơn 3 sào ruộng. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Vũ Hải Đăng, thôn Quý Tiến, xã Hải Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa cho biết, sử dụng mạ khay - máy cấy với giống lúa Thụy Hương 308, chỉ chưa đầy 60 phút là xong hơn 3 sào ruộng. Ảnh: Hồng Thắm.

Bà Hoàng Thị Phương, thôn Hạ Vũ 2, xã Hoàng Đạt, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa chia sẻ, hiện nay gia đình bà đang canh tác 8 sào với giống lúa lai Thụy Hương 308. Giống lúa lai này cho năng suất lên đến 4-4,5 tạ/sào (500m2), kháng sâu bệnh tốt, cơm mềm, thơm ngon.

“Cách đây 3 năm gia đình tôi thường cấy tay nhưng 2 năm trở lại đây đã sử dụng máy cấy. Máy cấy đã về đến tận làng quê, đem đến nhiều hiệu quả, tiết kiệm được thời gian và chi phí, bà con như chúng tôi nhàn hạ hơn nhiều”, bà Phương cho hay.

Phù hợp với cơ giới hóa đồng bộ

Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Đồng thời cũng tích cực đưa các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp cho cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Nhờ vậy, đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, quy mô tập trung, góp phần tăng hiệu quả trong sản xuất, nâng cao đời sống cho người nông dân.

Hợp tác xã Thống Nhất, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa được thành lập năm 2001 và thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2016, có tổng diện tích 115 ha đất cấy lúa. Việc ứng dụng mô hình mạ khay - máy cấy trong sản xuất lúa là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, tích cực thực hiện chủ trương cơ giới hóa trong sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản của ngành nông nghiệp.

Cấy máy sử dụng mạ khay tại xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Ảnh: Hồng Thắm.

Cấy máy sử dụng mạ khay tại xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thống Nhất cho biết, trước đây bà con xã Hà Sơn chủ yếu sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống, cấy tay và cấy quá dày, dễ nhiễm sâu bệnh, năng suất kém.

Khắc phục những hạn chế trên, từ năm 2014, HTX bắt đầu ứng dụng cơ giới hóa, hiện nay hơn 80% diện tích lúa đã được cấy máy với giống lúa lai Thụy Hương 308 của Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), chỉ còn một số diện tích trũng bà con phải tự cấy tay. Đồng thời HTX cũng sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) để bón phân đại trà, đồng loạt.

Ông Quân cho biết thêm, cấy máy có những ưu điểm như: Đảm bảo được mật độ, cây lúa đầy đủ ánh sáng, phát huy được hiệu ứng hàng biên, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, lúa cấy máy nhanh bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh khỏe. Ngoài ra, còn giúp giảm chi phí, nhân công lao động và thời gian gieo cấy, đồng thời nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân…

“Cấy thủ công phải mất 2-3 công/sào, nhưng cấy máy chỉ khoảng 15 phút/sào. Hiện HTX cho thuê máy cấy với giá 560.000 đồng/sào, trong khi đó chi phí bà con tự gieo cấy lên đến 1.500.000 đồng/sào”, ông Quân nêu bật những con số cụ thể.

Giống lúa lai Thụy Hương 308 phù hợp với cơ giới hóa đồng bộ. Ảnh: Tùng Đinh.

Giống lúa lai Thụy Hương 308 phù hợp với cơ giới hóa đồng bộ. Ảnh: Tùng Đinh.

Vụ đông xuân năm 2024, HTX Thống Nhất triển khai áp dụng mô hình mạ khay - máy cấy với 2 giống lúa lai chủ đạo, trong đó có Thụy Hương 308. Với Thụy Hương 308, HTX bắt đầu đưa vào sản xuất từ vụ đông xuân năm 2020 và đưa vào cơ cấu đại trà từ vụ đông xuân năm 2023.

Theo ông Quân, giống lúa lai Thụy Hương 308 có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống lúa khác như: Chống chịu sâu bệnh tốt; năng suất, chất lượng cao; giá cả, thị trường ổn định; bà con dễ dàng chăm sóc; cơm thơm dẻo…, đặc biệt giống lúa này chống chịu rét tốt, có khả năng kháng bệnh bạc lá.

Những ưu điểm vượt trội mà giống lúa lai Thụy Hương 308 chứng minh trong suốt thời gian qua trên các cánh đồng khẳng định đây sẽ là giống lúa chính để đưa vào sản xuất tập trung, phù hợp với cơ giới hóa đồng bộ, hướng đến những cánh đồng “không dấu chân” tại Thanh Hóa cùng các tỉnh, thành trên khắp cả nước.

“Bà con nông dân HTX Thống nhất nói riêng và xã Hà Sơn nói chung đánh giá cao và rất tin tưởng vào giống lúa lai Thụy Hương 308. HTX đã đưa giống lúa này vào cơ cấu sản xuất đại trà trong vụ đông xuân năm 2024”, Giám đốc HTX Thống Nhất Đỗ Hồng Quân cho biết.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.