| Hotline: 0983.970.780

Lúa ma lấn át lúa thường

Thứ Sáu 01/04/2022 , 09:05 (GMT+7)

THÁI BÌNH Tại Thái Bình, lúa ma (lúa cỏ) lây lan ngày càng nhiều, khiến nông dân phải khốn đốn mất công nhổ bỏ. Một số diện tích phải gieo cấy lại do lúa ma dày đặc.

Lây lan ngày càng rộng

Lúa cỏ còn gọi là lúa ma, lúa trời, lúa hoang. Tại tỉnh Thái Bình, huyện Kiến Xương là địa phương đầu tiên xuất hiện lúa ma.

Bà Phạm Thị Sửu, thôn Cao Trung, xã Đình Phùng (Kiến Xương) lo lắng khi mật độ lúa ma xuất hiện tại ruộng lúa nhà mình ngày một nhiều hơn. Ảnh: Trung Quân.

Bà Phạm Thị Sửu, thôn Cao Trung, xã Đình Phùng (Kiến Xương) lo lắng khi mật độ lúa ma xuất hiện tại ruộng lúa nhà mình ngày một nhiều hơn. Ảnh: Trung Quân.

Ông Lương Văn Định, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Kiến Xương thông tin: Từ vụ mùa 2020, trên đồng ruộng bắt đầu xuất hiện một số dạng hình lúa dại (lúa cỏ, lúa ma). Đến vụ xuân năm 2021, lúa ma xuất hiện ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Nắm bắt thực tế này, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Kiến Xương, Phòng NN-PTNT đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức tập huấn biện pháp phòng trừ cho các xã có nhiều diện tích xuất hiện lúa ma.

Tuy nhiên, người dân ở nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện tốt biện pháp phòng trừ, dẫn tới việc lúa ma tiếp tục phát sinh gây hại ở vụ mùa năm 2021. Theo thống kê, trong vụ mùa năm 2021, lúa ma đã xuất hiện tại 10 xã trên địa bàn huyện với diện tích 29ha, trong đó có hơn 10ha phải gieo cấy lại hoàn toàn (bằng máy cấy, cấy tay).

Cũng theo ông Định, hiện tại, chưa có thống kê chính xác về diện tích xuất hiện lúa ma trong vụ xuân 2022. Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ ban đầu, ngoài 29ha thống kê từ vụ mùa 2021, số diện tích mới bị nhiễm đang có chiều hướng tăng lên, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa vụ xuân là rất cao.

Khốn khổ vì lúa ma

Cánh đồng thôn Cao Bạt Đông là nơi xuất hiện lúa ma nhiều nhất xã Nam Cao (huyện Kiến Xương), Trưởng thôn Đoàn Văn Lưu cho biết: Lúa ma xuất hiện tại cánh đồng của thôn từ vụ mùa 2021, trên diện tích 1,3 mẫu của 4 hộ gia đình. Đến vụ xuân 2022, lúa ma tiếp tục xuất hiện tại những diện tích đã bị nhiễm từ vụ mùa năm 2021 và tiếp tục lan ra và rải rác ở ruộng của một số hộ xung quanh với 3 loại khác nhau: Loại cây cao, hạt thóc có râu dài; cây lùm (cây thấp) hạt thóc có râu; cây lùm hạt thóc không có râu.

“Loại cây cao còn dễ nhận biết, nhưng loại cây lùm rất khó phân biệt với lúa thường nên khó khăn trong công tác phát hiện, phòng trừ”, ông Lưu cho hay.

Vụ xuân 2022, lúa ma tiếp tục có xu hướng lây lan rộng tại huyện Kiến Xương (Thái Bình). Ảnh: Trung Quân.

Vụ xuân 2022, lúa ma tiếp tục có xu hướng lây lan rộng tại huyện Kiến Xương (Thái Bình). Ảnh: Trung Quân.

Tại các xã Đình Phùng, Vũ Công (huyện Kiến Xương), theo ghi nhận từ nhiều hộ dân, số diện tích và mật độ lúa ma trong vụ xuân 2022 tăng lên so với các vụ trước.

Bà Phạm Thị Sửu, thôn Cao Trung, xã Đình Phùng cho biết: Gia đình bà hiện có 1 sào lúa xuất hiện lúa ma. Ban đầu mật độ chỉ rải rác nên chỉ nghĩ là giống lúa khác lẫn vào, thế nhưng qua mỗi vụ, mật độ lúa ma ngày càng nhiều hơn.

Cũng theo bà Sửu, trước đây, với 1 sào trồng lúa này, gia đình bà thu được trung bình từ 1,7 - 1,8 tạ, những vụ tốt thu được 2 tạ, từ khi lúa ma bùng phát với mật độ cao thì chỉ thu được 70 - 80kg. Tuy nhiên, số thóc này chỉ sử dụng làm thức ăn cho gà, vịt chứ không do chất lượng hạt quá kém.

“Vụ mùa 2021, gia đình đã cẩn thận ngắt bỏ từng bông lúa ma, những tưởng đã hết, vậy mà đến vụ xuân này lại xuất hiện nhiều hơn. Giờ không biết phải làm thế nào, chỉ chăm ra đồng để thường xuyên phát hiện lúa ma và nhổ bỏ. Mặc dù tốn thêm nhiều công lao động, nhưng không làm thế thì xác định chỉ có mất ăn”, bà Sửu bộc bạch.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Vũ Công, xã Vũ Công (Kiến Xương) cho biết: Hiện, diện tích gieo cấy lúa toàn xã hơn 312ha, trong đó có 7ha xuất hiện lúa ma. Theo thống kê của HTX, diện tích nhiễm lúa ma tăng lên trung bình khoảng 2%/vụ.

Theo ông Thành, hệ lụy của lúa ma rất lớn do chúng cạnh tranh trực tiếp dinh dưỡng, nước, ánh sáng... với cây lúa chính, nên những diện tích mật độ nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất. Bên cạnh đó, lúa ma rất giống lúa thường, ở giai đoạn đầu sinh trưởng nhanh, lúa trỗ bông sớm hơn lúa chính, tỉ lệ lép cao.

Đặc biệt, lúa ma rất dễ rụng hạt, chỉ cần một cơn gió thoảng qua hoặc khi lúa chín dùng tay gạt nhẹ là hạt lúa đã rụng tơi tả. Với tác động cơ giới khi thu hoạch thì hầu như chỉ còn lại cọng rơm. Vì thế, lúa ma có khả năng tồn tại lâu và rất dễ lây lan sang vụ kế tiếp.

Nông dân phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để nhổ bỏ lúa ma, nhưng rất khó kiểm soát sự lây lan của loại lúa này. Ảnh: Trung Quân.

Nông dân phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để nhổ bỏ lúa ma, nhưng rất khó kiểm soát sự lây lan của loại lúa này. Ảnh: Trung Quân.

"Lúa ma có sức sống rất mãnh liệt, khi rụng xuống hạt bị vùi trong đất có thể duy trì sức nảy mầm trong vài năm. Do đó, mật độ cứ thế tích tụ dần qua các vụ khiến tỷ lệ lúa ma trong ruộng tăng dần theo cấp số nhân, nhiều diện tích lúa ma sinh trưởng mạnh, át cả lúa trồng. Không những vậy, lúa ma dễ dàng nổi trên mặt nước rồi lan truyền đi nơi khác qua các kênh tưới, tiêu. Hạt thóc có râu dài nên chim, chuột khó ăn…

Cộng hưởng tất cả các đặc điểm đó khiến lúa ma tiềm ẩn nguy cơ phát triển và lan rộng, gây hại không kém bất cứ loại dịch hại nào”, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc  HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Vũ CôngThành chia sẻ.

Không nên gieo sạ để hạn chế lây lan

Ông Lương Văn Định, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Kiến Xương cho biết: Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều lúa ma, để hạn chế việc lây lan, gây hại của loại lúa này ở vụ xuân 2022 và các vụ tiếp theo, UBND huyện Kiến Xương, Phòng NN-PTNT đã có văn bản đề nghị UBND, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp các xã, thị trấn quyết liệt thực hiện các biện pháp:

- Khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện lúa ma và xử lý kịp thời theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, không để lúa ma phát triển gây hại, đặc biệt chú ý đến những diện tích lúa gieo sạ.

- Kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích xuất hiện lúa ma, khẩn trương áp dụng các biện pháp phòng trừ. Đối với những diện tích nhiễm nặng, cần khẩn trương phá bỏ, bừa đất tiến hành cấy lại (cấy tay, cấy máy) trong khung thời vụ cho phép.

Để xử lý lúa ma, không còn cách nào khác là nông dân phải dò tìm và nhổ bỏ. Ảnh: Trung Quân.

Để xử lý lúa ma, không còn cách nào khác là nông dân phải dò tìm và nhổ bỏ. Ảnh: Trung Quân.

Đối với những diện tích khác, thực hiện nhổ bỏ và tiêu hủy ngay các cây lúa có dạng hình khác. Tiếp tục thực hiện việc loại bỏ lúa ma trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của lúa mùa theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

- Các HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp chủ động liên hệ mua mạ và thóc giống ngắn ngày phục vụ nhân dân gieo cấy lại. Tăng cường công tác tuyên truyền để người nông dân hiểu được mức độ, nguy cơ gây hại của lúa ma, từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ.

- Vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất từ gieo sạ sang cấy bằng tay hoặc bằng máy để giữ mực nước trên mặt ruộng, hạn chế tỷ lệ nảy mầm của lúa ma. Tiến hành cấy thành hàng để dễ dàng phát hiện và nhổ bỏ triệt để lúa ma. Sử dụng bộ giống có thương hiệu, đã được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành, tại các cơ sở uy tín trên thị trường...

Bà Lều Thị Thiếp, thôn Thái Công Nam, xã Vũ Công chia sẻ: Gia đình bà trồng 1,2 mẫu lúa, trong đó có 7 sào xuất hiện lúa ma. Từ ngày loại lúa này xuất hiện, việc đồng áng vốn đã vất vả lại càng vất vả hơn. Trước đây, với diện tích 7 sào lúa, nếu tiến hành dọn cỏ, dặm, tỉa chỉ mất mấy ngày, vậy mà vụ xuân năm nay, hai vợ chồng làm quần quật 14 ngày rồi mà vẫn chưa xong, do mất quá nhiều thời gian để nhổ bỏ lúa ma.

“Nhà mình diện tích không lớn còn nhổ được, chứ nhà nào diện tích lớn, nhổ không xuể thì phải bừa, cấy lại hết. Hiện tại, chi phí thuê máy cày, mua giống, phân bón, máy gặt... đều tăng, gia đình nào nhổ bỏ kịp thời, khi thu hoạch còn gỡ được chi phí, không thì chỉ có bù lỗ, thậm chí mất trắng”, bà Thiếp than thở.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.