Theo đó Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cáo buộc việc Bắc Kinh áp tới 80,5% mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp nhắm vào mặt hàng lúa mạch của nước này là "thiếu cơ sở và không có bằng chứng thực tế".
Ông Birmingham cho biết, Canberra đã nhiều lần đề cập với Trung Quốc về vấn đề này nhưng không đạt được thỏa thuận và nay buộc phải đưa vấn đề lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) can thiệp, cho dù quy trình phân xử tranh chấp của WTO có thể phải mất nhiều năm.
Ước tính hàng năm, lượng lúa mạch của Úc xuất khẩu sang Trung Quốc đạt tổng trị giá khoảng 1 USD, chủ yếu phục vụ cho ngành sản xuất bia của Trung Quốc.
Theo tính toán của hãng nông sản GrainGrowers Australia, mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mới của Trung Quốc nhắm vào lúa mì Úc có thể khiến ngành sản xuất lương thực của nước này thiệt hại khoảng 1,9 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Theo AFP, đây là hành động pháp lý đầu tiên của Canberra phản ứng lại với Bắc Kinh, sau khi hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc bị Trung Quốc gây khó dễ cách nay gần một năm, từ thịt bò, rượu vang, gỗ, than đá, bông vải, giáo dục, du lịch, tôm hùm đến lúa mạch…
Quan hệ Úc - Trung Quốc trở nên căng thẳng sau khi Canberra hồi đầu năm nay “vào hùa” với phương Tây yêu cầu tiến hành cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của coronavirus, khiến Bắc Kinh nổi giận.
Giới phân tích cho hay, sở dĩ Úc chần trừ đưa vấn đề tranh chấp thương mại với Trung Quốc lên WTO, một mặt vì tốn nhiều thời gian và mặt khác e ngại sẽ chỉ “đổ thêm dầu vào lửa” là Bắc Kinh sẽ trả đũa làm xấu thêm quan hệ song phương.
Tờ Bloomberg cho hay, những tuyên bố gây sốc đi cùng với các quyết định trừng phạt Úc của Trung Quốc được cho là nhằm phục vụ các mục đích địa chính trị bởi Bắc Kinh luôn coi những hành động của Canberra là “gây hấn” và được phía Mỹ hậu thuẫn.
Do đó, Australia đã trở thành nước lớn đầu tiên phải trả giá cho cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung và việc trừng phạt này còn là một tín hiệu mà Bắc Kinh gửi đến bất kỳ quốc gia nào đi theo mô hình “lựa chọn kép”, có nghĩa là dựa vào Mỹ về an ninh, nhưng lại thâm nhập vào thị trường Trung Quốc và chỉ trích Bắc Kinh.
Hành động trừng phạt thương mại mới nhất của Bắc Kinh đối với Canberra là vào hôm 8/12 khi giới chức nước này đã ban hành thêm lệnh các lệnh cấm nhập khẩu đối với thịt bò và gỗ từ Australia, với cáo buộc phát hiện ra các nguy cơ về chất lượng.
Theo thống kê của Trend Economy, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Australia sang Trung Quốc đạt trị giá khoảng 1,08 tỷ USD vào năm 2019, chiếm 66,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu thịt bò Úc của Trung Quốc cũng đã giảm mạnh, từ 14.000 tấn trong tháng 9 xuống 11.932 tấn vào tháng 10 và dự tính sẽ còn giảm tiếp.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 11, tổng kim ngạch thương mại song phương Úc- Trung đạt 153,15 tỷ USD, trong đó việc nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc từ Úc giảm 4,9%, và xuất khẩu tăng 9,4%.