Ông Lê Văn Tâm ở ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Phước trồng 2 ha lúa bị chết khô đành bán non cho bò ăn để lấy lại tiền giống.
Ông Tâm cho biết: “Gắn bó với việc SX lúa mùa nổi gần 35 năm nay, trước đó đời ba tôi và ông nội đã trồng giống lúa này trong mùa lũ đều có lúa để ăn. Năm nay là năm đầu tiên không có nước vào ruộng nên lúa không thể phát triển, lũ chuột đến phá hại”. Vụ lúa này gia đình ông Tâm mất 60 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phước cho biết, hơn 50 năm qua vùng rốn lũ của tứ giác Long Xuyên mới xảy ra tình trạng không có nước lũ, lúa không thể phát triển, chuột xuất hiện hại mùa màng.
Ước tổng thiệt hại vụ lúa mùa nổi này ở 2 xã gần 3 tỷ đồng. Địa phương đang đề nghị xin tỉnh để hỗ trợ tiền giống cho người dân sang năm canh tác.
TS. Nguyễn Văn Kiền, GĐ Trung tâm Nghiên cứu & phát triển nông nghiệp, Trường ĐH An Giang, Chủ nhiệm đề án phát triển lúa mùa nổi cho biết, lúa mùa nổi là giống sắp có nguy cơ tuyệt chủng nguồn gen quý ở ĐBSCL.
Đây là loại lúa thích ứng biến đổi khí hậu, có thể trồng trong vùng ngập lũ sâu, nước dâng đến đâu cây lúa phát triển đến đó (lúa cao 2,5-3m).
Đa phần người dân trồng lúa mùa nổi không dùng phân, thuốc BVTV, chủ yếu dựa vào thiên nhiên, nên hạt gạo đạt độ dinh dưỡng rất cao và an toàn cho người tiêu dùng.
Từ khi gieo sạ đến thu hoạch 6 tháng. Tuy năng suất rất thấp từ 2 – 2,5 tấn/ha nhưng lợi nhuận khá cao so với SX lúa cao sản.
Nhiều năm qua diện tích trồng lúa mùa nổi ở Tri Tôn được Cty Ecofarm đứng ra bao tiêu sản phẩm giá từ 12.000 - 13.000 đ/kg (tùy loại), giá gạo từ 25.000 - 26.000 đ/kg.
Ông Nguyễn Sỹ Lâm, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, năm nay không có lũ là một tai hại lớn đến người SX nông nghiệp, riêng vùng chuyên trồng lúa mùa nổi ở Tri Tôn bị thiệt hại 100%.
Lúa mùa nổi của người dân kêu bán cho bò ăn
Tỉnh đang tích cực hỗ trợ giống cho nông dân nhằm bảo tồn giống lúa quý của tỉnh tiếp tục phát triển. Chính vì lúa sạch nên hạt gạo đạt độ dinh dưỡng rất cao và an toàn cho người tiêu dùng, SX bao nhiêu cũng không đủ đáp ứng cho thị trường.
Theo dự kiến năm 2016 diện tích lúa mùa nổi tăng 200 ha, đến năm 2030 trên 500 ha. Ngành nông nghiệp tỉnh kết hợp với viện, trường và các ban ngành để bảo tồn, duy trì và cải thiện giống lúa đang canh tác tại địa phương. Nhằm hướng tới thương mại hóa lúa mùa nổi và cải thiện thu nhập cho nông dân.
Ngoài phát triển giống lúa mùa nổi, tỉnh còn lồng ghép phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp nhằm nâng giá trị kinh tế đối với đất vùng sâu khắc nghiệt.