| Hotline: 0983.970.780

Lúa thuần - “hầm trú ẩn” an toàn

Thứ Tư 16/11/2011 , 10:33 (GMT+7)

Những năm lãi suất cao như năm 2011 này, nhập khẩu giống lúa lai Trung Quốc không khác nào làm xiếc trên dây, có thể lộn gãy cổ bất kỳ lúc nào.

Lúa thuần bỗng dưng... có giá!
Kinh doanh giống lúa lai ngày càng gặp nhiều bất trắc. Nhất là những năm lãi suất cao như năm 2011 này, nhập khẩu giống lúa lai Trung Quốc không khác nào làm xiếc trên dây, có thể lộn gãy cổ bất kỳ lúc nào.

>> Đua nhau mua bản quyền giống lúa thuần

Hiện nay phổ biến các giống lúa lai giá bán tại gốc bên Trung Quốc đã rơi vào 22- 24 NDT/kg, tương đương 75.000-80.000 đồng. Đa số các DN lại nhập giống ở các tỉnh miền Tây và miền Trung Trung Quốc như Tứ Xuyên, Giang Tô, Trùng Khánh… chuyển về đến Việt Nam mất cả ngàn cây số nên chi phí vận chuyển rất cao, tới 6.000-7.000 đồng/kg giống. Cộng với phí kiểm dịch, lãi suất ngân hàng thì mỗi cân giống lúa lai giá có thể đến 90.000 đồng.

Lãi suất cao nhưng vay được tiền ngân hàng không hề dễ. Ông Ngô Văn Dương - GĐ Cty TNHH Nam Dương (Duy Tiên, Hà Nam) cho hay để NK được 100 tấn lúa lai cần vay 7-7,5 tỷ đồng với lãi suất 1,8-2%/tháng. Vay tiền bây giờ đâu có dễ, ngân hàng nào cũng túm hầu bao nên cho vay rất nhỏ giọt. Lúa nhập về bán cho nông dân đến sau tết mới lấy được tiền đã gánh thêm 5,5- 6% tiền lãi, Cty nào cho chịu đến tháng 4 tháng 5 thì lãi đội lên cả chục %. Như vậy giá một cân giống từ 90.000 đồng lúc đó đã đội lên 100.000 đồng, quá sức chịu đựng của nông dân.

Một Cty giống giấu tên nói thẳng: “Các Cty giống miền Nam, Trung ương cổ phần hóa sớm, làm ăn có lãi nên có cả trăm tỷ đồng gửi ngoài ngân hàng. Đương nhiên nhập giống họ không phải đi vay nếu không nói họ còn dư tiền cho ngân hàng vay lại, chỉ riêng tiền lãi ngân hàng đã tiêu mệt nghỉ. Chúng tôi làm cò con, vốn liếng không có nhập cân lúa nào vay tiền cân ấy. Với lãi suất như vậy cạnh tranh với các Cty ấy sao nổi”. Xuất phát từ nhiều lý do cộng lại, giờ là lúc các Cty quay trở về với giống lúa thuần vừa cần ít vốn lại chắc ăn. Đó là một trong nhiều lý do lúa thuần bỗng dưng… có giá.

GĐ Cty CP Giống Nông nghiệp Việt Nam, vốn trước đây làm cho Phòng Kinh doanh của một Cty giống tầm cỡ thú thật: “Bọn em mới ra, làm ăn nhỏ, vốn liếng chưa có. Cty nào lớn có dăm ba tỷ, Cty bé chỉ đôi tỷ. Số vốn còm cõi ấy nhập khẩu lúa lai được vài chục tấn. Hàng đưa về tốt không sao, lỡ độ nảy mầm thấp, đi đền nông dân thì ốm đòn. Suy nghĩ nát óc, bọn em quyết định làm lúa thuần cho chắc ăn. Nhưng kinh doanh lúa thuần cũng phải có cách. Mình đi sau lại bán Khang Dân, Q5 thì làm sao trụ được về giá với Cty CP Giống cây trồng TƯ. Cuối cùng Cty quyết định mua bản quyền 2 giống lúa thuần PC6 và giống lúa Nếp vàng 1. Giống độc quyền thì mình mới quyết định được về lượng bán và quan trọng nhất là giá”.

Có thể nói đó là tâm lý chung của GĐ nhiều Cty giống hiện nay. Với những Cty tư nhân có vài ba anh em chung vốn, nắm được 1-2 giống độc quyền, mỗi vụ bán từ 200-300 tấn lúa giống là đã đủ sống. Khai thác đến vụ thứ tư, thứ năm nếu giống vào dân được cố gắng nâng sản lượng lên 600-700 tấn là đã sống khá, nếu chưa nói là giàu. Tóm lại nếu giống độc quyền thực sự tốt, khâu sản xuất F1 làm bài bản, tiếp thị ráo riết chắc chắn sẽ thành công.

Chẳng thế mà thời gian gần đây hàng loạt Cty cùng chạy marathon mua giống lúa thuần độc quyền. Có DN tự chọn tạo giống độc quyền cho riêng mình như giống lúa thuần DT34, giống nếp DT52 của Cty CP Giống Cây trồng Quảng Ninh; Cty CP Giống cây trồng Nam Định có giống Nam Định 5.

DN nào không chọn tạo được thì bỏ tiền ra mua bản quyền như Cty CP Giống cây trồng TƯ mua giống lúa thuần T10 của Viện CLT-CTP, mua giống VS1 của Viện Di truyền Nông nghiệp, mua giống ĐB6 của TTKKN Giống cây trồng Quốc gia, Khang dân đột biến của Viện DTNN; Cty TNHH MTV Giống cây trồng Hải Dương mua giống DT22 của Viện DTNN; Cty Nam Dương mua giống ĐB5 của TTKKN Giống cây trồng Quốc gia; Cty CP TCty Giống nông nghiệp Quảng Bình và Cty CP Giống Nông nghiệp Việt Nam cùng mua bản quyền giống PC6 của Viện CTL-CTP (mỗi Cty bán ở một số tỉnh)...

Thông thường giá mua bán bản quyền mỗi giống lúa thuần từ 400-600 triệu đồng, rẻ nhất là thương vụ bán bản quyền giống DT22 chỉ có 100 triệu đồng, gần như cho không. Nhưng thành công nhất là Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình mua bản quyền giống lúa BC15 với giá 200 triệu đồng (dĩ nhiên cuộc mua bán đã diễn ra cách đây 5, 6 năm), đến nay vẫn được dân làm giống đánh giá là mức giá quá hời nếu so với lợi nhuận mà Cty này thu được trong mấy năm gần đây nhờ khai thác giống BC15.

Hiện nay, theo nguồn tin không chính thức mỗi vụ Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình bán khoảng 3.000 tấn BC15 với giá thấp nhất 25.000 đồng/kg, cao nhất giá đến tay nông dân gần 30.000 đồng/kg. Lượng giống đó, giá bán đó là niềm mơ ước với các DN giống. BC15 từ chỗ là một giống lúa không tên, một cô thôn nữ qua tay Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình đã được trang điểm (kể cả PR) để biến thành một hoa hậu - một giống lúa thuần có tiếng ở khu vực miền Bắc. BC15 từng một thời gây ra không biết bao nhiêu tranh cãi. Có những đôi vợ chồng nông dân Thái Bình vác cuốc đuổi nhau ngoài đồng vì vợ chê BC15 hết nước thì chồng lại khen hết lời.

Thời gian qua, Viện CLT-CTP là đơn vị bán được nhiều giống lúa thuần nhất. Giống đã công nhận, giống chưa công nhận, kể cả giống đang được các nhà khoa học nghiên cứu trong phòng Lab đã có người hỏi mua. Nghe nói Trung tâm lúa thuần của Viện này đang có giống lúa nếp “cực hay” được một DN giống săn đón hỏi mua với giá cả tỷ đồng mà trung tâm vẫn ngấm nguẩy không thèm gật.

Tuy nhiên việc ồ ạt mua bán bản quyền các giống lúa thuần giữa lúc các giống lúa lai đang chững lại: không có thêm giống mới, giống lúa lai cũ đang bị rơi vào quá trình “xét lại”, giống NK giá khá cao… đã phản ánh một nỗi lo có thực của ngành giống - giống lúa lai đang bị tạm thời lép vế. Trong “thang bảng” giống thì con đường tất yếu của nền nông nghiệp Việt Nam phải đi từ giống thuần đến giống lai, từ giống lai lên giống biến đổi gen. Phải chăng quy chiếu vào thang bảng ấy, ngành giống đang thụt lùi? Vậy nên buồn hay vui đây?

Chẳng bù cho dăm năm trước, DN nào cũng đi săn lùng lúa lai, Trường ĐHNN Hà Nội - nơi ra đời của phần lớn các giống lúa lai nội đuổi khách không hết. Khi ấy giống lúa thuần của Viện CLT-CTP được công nhận xếp cả dãy dài không ai hỏi mua, hệt cảnh nhà có dăm cô con gái đều đã đầu 2, đầu 3 mà không chàng trai nào đến rước đi. Phải chăng giờ là thời lúa thuần, lúa nếp “lên ngôi”?

Tuy nhiên xung quanh chuyện mua bán bản quyền giống lúa thuần cũng không ít chuyện bi hài. Cty Đầu tư – Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) cũng vì sốt sắng chuyện bản quyền, cộng với thiếu tìm hiểu kỹ càng đã mua phải giống Nếp 97 là giống cũ, không còn tính mới nên không đăng ký bảo hộ được. Mua giống độc quyền mà không bảo hộ được thì chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng hợp đồng đã ký, tiền mua đã trao, HADICO chỉ còn biết ngồi thở dài, tự trách mình. Hỏi bên bán - Viện CLT-CTP cũng chỉ nhận được cái “ấm ư ậm ừ”, mà không hề có lời giải thích rõ ràng…

Bản quyền - thời buổi kinh doanh theo pháp luật DN nào cũng cần. Nhất là với ngành giống cây trồng vốn lâu nay lộm nhộm - chuyện vài ba DN cùng khai thác một giống, đơn vị này “cầm nhầm” giống của đơn vị kia, một giống nhưng mang dăm bảy tên khác từng diễn ra phổ biến… Tình trạng bát nháo giờ đang lùi dần lại phía sau. DN nào cũng ý thức việc phải có giống độc quyền. Việc mua bán bản quyền giữa các nhà khoa học với nhà DN, giữa các DN với nhau là đáng khuyến khích.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm