| Hotline: 0983.970.780

Lúa VietGAP lợi ích kép

Thứ Năm 09/04/2015 , 09:49 (GMT+7)

Chỉ mới qua 1 vụ làm lúa VietGAP mà nông dân xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn-Bình Định) đã “rành sáu câu” về các biện pháp kỹ thuật, lại còn “mê” làm lúa kiểu này vì nhận ra nhiều lợi ích.

Trước đây nông dân xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn-Bình Định) chỉ biết đến cụm từ “làm lúa VietGAP” qua các phương tiện thông tin đại chúng, hình dung còn chẳng ra, nói gì đến chuyện làm.

Vậy mà bây giờ, dù chỉ mới qua 1 vụ làm lúa VietGAP (SX nông nghiệp tốt) mà họ đã “rành sáu câu” về các biện pháp kỹ thuật, lại còn “mê” làm lúa kiểu này vì nhận ra nhiều lợi ích.

Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa VietGAP rộng 20 ha tại thôn Mỹ Thọ, xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn), ông Trần Khánh Dư, Phó Chủ nhiệm HTXNN Hoài Mỹ không khỏi tự hào khi nói về “cánh đồng sạch” của quê mình.

Ông Dư cho biết, được sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), xã Hoài Mỹ xây dựng cánh đồng mẫu lớn rộng 50 ha với giống lúa OM 4900, phương pháp canh tác áp dụng theo hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI. Với cách làm này, nông dân được tăng thu nhập nhờ tăng từ 25 - 30% năng suất, giảm chi phí vật tư đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra còn làm giảm từ 25 - 30% nước tưới, giảm tối đa việc sử dụng thuốc BVTV hóa học. Phương pháp tưới ướt khô xen kẽ còn làm giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

“Vụ ĐX vừa qua, Cty Hưng Trung Việt đề xuất với chính quyền xã Hoài Mỹ đưa 50 ha lúa canh tác theo hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI tiến thêm 1 bước nữa lên SX lúa VietGAP thì Cty này sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao.

Chúng tôi gật đầu ngay, nhưng vẫn cứ lo nông dân không đồng thuận. Không ngờ khi tổ chức tập huấn, đại đa số nông dân đều ủng hộ, vậy là mô hình SX lúa VietGAP đạt được thành công”, ông Dư cho biết.

Nông dân Lê Văn Duyên ở thôn Mỹ Thọ, xã Hoài Mỹ cho biết: “SX lúa VietGAP nông dân được giảm chi phí đầu vào nhờ bón phân cân đối, không bón tràn lan như trước đây nên lúa ít dịch bệnh, do đó chẳng cần dùng thuốc BVTV mà lúa vẫn phát triển tốt. Đó là cái lợi trước mắt, cái lợi về lâu dài là đồng ruộng sạch sẽ, ít sử dụng thuốc BVTV hóa học nên sức khỏe người làm nông được an toàn hơn”.

Ông Trần Khánh Dư, Phó Chủ nhiệm HTXNN Hoài Mỹ cho biết thêm, làm lúa VietGAP nông dân phải tuân thủ nghiêm cẩn trên 60 tiêu chí, trong đó tiêu chí khó nhất là về môi trường đồng ruộng. Tiêu chí này buộc nông dân hạn chế tối đa sử dụng thuốc BVTV hóa học, khuyến khích dùng thuốc BVTV sinh học.

Trường hợp đặc biệt nảy sinh dịch rầy nâu, đạo ôn thì mới sử dụng thuốc BVTV hóa học theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Do đó, địa phương hình thành 3 nhóm, mỗi nhóm 4 thành viên đứng chân trên địa bàn 3 thôn SX lúa VietGAP là Khánh Trạch, Vân Khánh và Mỹ Thọ để trực tiếp theo dõi, hướng dẫn cách áp dụng cho đúng quy chuẩn lúa VietGAP yêu cầu.

Theo ông Dư, 350 hộ dân tham gia SX trên cánh đồng lúa VietGAP ở xã Hoài Mỹ đều được tập huấn bài bản về những tiêu chí phải tuân thủ nghiêm cẩn. Đồng thời mỗi tổ đều được cấp sổ nhật ký để ghi chép từng chi tiết trong suốt quá trình SX.

“Tuy nhiên, vấn đề cấp chứng chỉ lúa VietGAP hiện đang còn nhiều nhiêu khê, chúng tôi mong ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để bà con nông dân yên tâm SX”, ông Trần Khánh Dư, Phó Chủ nhiệm HTXNN Hoài Mỹ đề xuất.

HTXNN Hoài Mỹ thường xuyên tổ chức kiểm tra sổ nhật ký của các tổ quản lý, đánh giá những mặt đã làm được và chưa làm được để đề ra hướng khắc phục.

“Hộ nông dân tham gia SX lúa VietGAP được doanh nghiệp hỗ trợ 50% chi phí mua giống, đồng thời hỗ trợ chi phí phân bón lót với mức 19.000 đ/sào, sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu cao hơn nhiều so với giá thị trường” ông Dư cho hay.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, nông dân làm 5 sào lúa VietGAP tại thôn Mỹ Thọ bộc bạch: “Lúa trên thị trường hiện đang đứng giá 5.000 đ/kg, nhưng lúa VietGAP của chúng tôi được DN Hưng Trung Việt bao tiêu với giá 8.000 đ/kg. Năng suất đạt cao, giá bán cũng cao, sức khỏe nông dân được bảo đảm thì không còn gì bằng”.

Bà Nguyễn Thị Tố Trân, GĐ Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Bình Định cho rằng, mô hình SX lúa VietGAP ở xã Hoài Mỹ giúp nông dân tiếp cận với phương pháp canh tác lúa tiên tiến, sản phẩm được bao tiêu nên nông dân yên tâm SX.

Ngoài ra, chứng chỉ lúa VietGAP còn tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm lúa sạch. Đáng nói nhất là mô hình này tạo được mối gắn kết giữa nông dân với các DN SX, bao tiêu sản phẩm, một hình thức kết nối sản phẩm với thị trường rất hiệu quả.

Ông Nguyễn Thế Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ khẳng định: “Đến giờ này, nông dân xã Hoài Mỹ đã thật sự nhận ra nhiều cái lợi trong làm lúa VietGAP nên chúng tôi quả quyết có thể nhân rộng mô hình này ra toàn bộ diện tích canh tác lúa trên địa bàn với 760 ha”.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.