| Hotline: 0983.970.780

Lục Khu hết khát

Thứ Năm 25/09/2014 , 13:10 (GMT+7)

Từ lâu, chuyện nước sinh hoạt vùng Lục Khu vào mùa đông luôn là bài toán khó đối với chính quyền tỉnh Cao Bằng.

Chương trình Mục tiêu quốc gia về Nước sạch - VSMTNT của tỉnh Cao Bằng đã xây dựng hơn 30 hồ chứa nước bằng vải địa kỹ thuật, trong đó 21 hồ đã đưa vào sử dụng, cùng 155 bể chứa nước lớn và cung cấp hàng trăm lu nước, bể nước nhỏ lẻ tại các gia đình trong 6 xã vùng cao Lục Khu, huyện Hà Quảng.

Chương trình đã góp phần nâng năng lực cấp nước sinh hoạt ở đây từ 15 lít/người/ngày trước năm 2009, lên 24 lít/người/ngày từ năm 2010, giúp hàng nghìn hộ thoát khỏi cơn khát trong 8 tháng mùa khô.

Từ lâu, chuyện nước sinh hoạt vùng Lục Khu vào mùa đông luôn là bài toán khó đối với chính quyền tỉnh Cao Bằng. Vì nơi đây núi cao, nhiều đá, hàng năm thời tiết hanh khô, 8 tháng ít mưa. Khí hậu khắc nghiệt, thổ nhưỡng luôn khô cằn, sau mỗi cơn mưa lớn, nước chảy xuống hệ thống đá vôi ngầm rồi dẫn vào khe suối ở các xã vùng thấp của huyện.

Còn 6 xã vùng cao, người dân quen gọi là Lục Khu, mỗi khi vào mùa đông, các khe núi không còn nước chảy, nên họ không chỉ đối mặt với cơm no áo ấm, mà còn lo cho có đủ nước sinh hoạt, nhất là những ngày đông giá.

Do đó, cứ vào mùa khô lại xuất hiện từng đoàn xe téc chở nước sạch lên các xã vùng Lục Khu. Xe chỉ chở đến các cụm và trung tâm cụm xã, cụm dân cư. Từ đó, các gia đình cho người, ngựa đến điểm nhận nước sạch theo danh sách cấp phát, rồi đem về cho vào bể nước và phải sử dụng thật tiết kiệm theo phương thức: Nước rửa mặt xong được dùng để rửa rau, rửa chân rồi mới đổ vào bể để lắng, sau đó phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Trước những cơn khát nước sinh hoạt triền miên của người dân, từ năm 2009 tỉnh Cao Bằng đã triển khai dự án làm hồ vải địa kỹ thuật trên núi đá để tích giữ nước cho 6 xã vùng Lục Khu. Khi các hồ nước sạch hoàn thành đã tăng thêm sức dự trữ nước lên gần 40.000 m3, góp phần quyết định trong việc xóa đứt cơn khát cho Lục Khu.

Ông Bế Nhật Thành, GĐ Trung tâm Nước sinh hoạt - VSMTNT Cao Bằng: "Các dự án cấp nước sinh hoạt vùng Lục Khu đang phát huy hiệu quả, người dân rất phấn khởi. Với kết quả này, trung tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2015 sẽ nâng mức cấp nước sinh hoạt từ 24 lít/người/ngày lên 45 lít/người/ngày cho dân cư trong vùng hưởng lợi. Chúng tôi đang tập trung cho rà soát, nghiên cứu địa điểm phù hợp, để dự kiến triển khai xây dựng thêm các hồ vải địa kỹ thuật...".

Việc thi công các hồ nước theo từng cụm dân cư và điều kiện thu nước mưa tại mỗi địa hình, các cơ quan chức năng lựa chọn nơi làm hồ đón nước phải vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tiện lợi cho người dân đến lấy nước.

Ông Hoàng Văn Cọ, xóm Cô Phầy, xã Vân An vui vẻ cho biết: "Từ khi xã làm xong hồ nước ăn ở xóm Pác Có, đã qua mấy mùa đông, mọi người trong xóm tôi không còn phải dậy từ 3 giờ sáng, đi vào các khe núi xếp hàng để chờ hứng từng giọt nữa. Dân chúng tôi thấy phấn khởi lắm, mong sao nhà nước xây dựng thêm ở mỗi xóm có một hồ nước như thế này thì dân được dùng thoải mái hơn...".

Mặc dù Vân An là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 43%, xã có 10 xóm thì hơn 80% số thôn, xóm đường giao thông đi lại rất khó khăn, phải vượt qua những khe đá cuội, đường mòn mới đến nhà từng dân.

Từ khi hồ vải địa của xã (sức chứa 2.400 m3 nước sạch) đưa vào sử dụng, bà con không còn bị thiếu nước sinh hoạt, kể cả vào những tháng cao điểm mùa khô, đã góp phần cắt đứt cơn khát truyền kiếp.

Hiện các hồ vải địa được xây dựng tại vùng Lục Khu phát huy tốt hiệu quả. Ông Hoàng Văn Khánh, Bí thư Chi bộ xóm Pắc Táng, xã Hồng Sỹ vui vẻ: "Từ năm 2011, hồ vải địa đưa vào sử dụng thì mùa khô nhiều người đem can ra lấy nước về sinh hoạt nênrất yên tâm". 

Để bảo vệ nguồn nước sạch tại các hồ vải địa, người dân sống gần các hồ nước đã có ý thức tự quản, bằng hình thức nghiêm cấm việc chăn thả gia súc quanh khu vực đón và dẫn nước mưa vào hồ, rào cây bảo vệ, phát cỏ, thu gom rác... Hồ vải địa đã cắt đứt cơn khát cho vùng cao Lục Khu, giúp người dân ổn định cuộc sống, yên tâm bám đất, giữ làng, góp phần bảo vệ, giữ gìn biên cương Tổ quốc.

Xem thêm
Ứng dụng ruồi lính đen trong chăn nuôi: [Bài 2] Sản phẩm sẽ xuất khẩu

Entobel hiện đang có 2 nhà máy sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn nhất châu Á tại Việt Nam, sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành nông nghiệp.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.