| Hotline: 0983.970.780

Lực lượng kiểm ngư địa phương đối mặt với nhiệm vụ nặng nề

Thứ Bảy 12/11/2022 , 06:15 (GMT+7)

Vi phạm có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên vùng biển rộng hơn 4.000km2, do đó, lực lượng Kiểm ngư Bình Định đang phải đối mặt với trách nhiệm nặng nề.

Khác nhau giữa Thanh tra và Kiểm ngư

Theo phân tích của ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, Phòng Kiểm ngư-Thanh tra hiện nay được thành lập dựa trên sự sắp xếp lại các phòng chuyên môn của Chi cục Thủy sản Bình Định, trước đây là Phòng Thanh tra-Pháp chế. Phòng Kiểm ngư-Thanh tra tuy là “2 trong 1”, nhưng giữa Thanh tra và Kiểm ngư có sự khác biệt.

Theo ông Dương, thanh tra chỉ thi hành nhiệm vụ khi sự việc đã xảy ra rồi mới tổ chức thanh tra, kiểm tra lại. Thanh tra phải có quy trình, muốn kiểm tra phương tiện hoạt động trên biển, cán bộ thực thi nhiệm vụ phải cầm được trong tay Quyết định do cấp có thẩm quyền ban hành. Nếu phát hiện bên bị thanh tra có vi phạm thì mới tiến hành thủ tục xử lý, còn nếu sai sót ấy xuất phát từ cơ chế, chính sách thì sau đó đề nghị ngành chức năng sửa đổi cho phù hợp.

Kiểm ngư Bình Định phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuần tra trên biển. Ảnh: V.Đ.T.

Kiểm ngư Bình Định phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuần tra trên biển. Ảnh: V.Đ.T.

Đối với nhiệm vụ kiểm ngư thì phải thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá trên biển để ngăn chặn vi phạm. Nếu thấy tàu cá có dấu hiệu vi phạm thì đủ thẩm quyền yêu cầu tàu cá ấy dừng hoạt động, phát hiện ra vi phạm thì dủ thẩm quyền xử lý ngay. Rạch ròi nhiệm vụ của kiểm ngư là ngăn chặn vi phạm, không để hậu quả xảy ra. Với quyền hạn được quy định, lực lượng kiểm ngư tiếp cận với những tàu cá có dấu hiệu vi phạm dễ dàng hơn lực lượng thanh tra, lại còn được dùng công cụ hỗ trợ để khống chế nếu gặp đối tượng chống đối.

Cũng theo ông Dương, ngăn chặn vi phạm trên biển thì lực lượng kiểm ngư thực hiện hiệu quả hơn lực lượng thanh tra. Bởi, thanh tra chỉ thi hành nhiệm vụ khi chuyện đã xảy ra, trong khi trên biển mà không bắt quả tang vi phạm thì sẽ rất khó xử lý. Ví như có tàu cá đánh chất nổ bắt cá, đánh chất nổ xong, cá nổi lên họ vớt rồi chạy mất, khi lực lượng thanh tra tiếp cận hiện trường thì không còn vật chứng, tang chứng lẫn đối tượng vi phạm nên không thể xử lý. Thế nhưng để lực lượng kiểm ngư thực thi nhiệm vụ trên biển có hiệu quả thì phải có cơ chế hoạt động, cần thiết nhất là quy trình tuần tra, kiểm soát.

Lực lượng Kiểm ngư Bình Định tiếp cận tàu cá của ngư dân để kiểm tra. Ảnh: V.Đ.T.

Lực lượng Kiểm ngư Bình Định tiếp cận tàu cá của ngư dân để kiểm tra. Ảnh: V.Đ.T.

“Kiểm ngư địa phương đang rất cần Dự thảo, Thông tư hướng dẫn về quy trình tuần tra, kiểm soát để anh em tổ chức thực hiện. Từ quy trình này, lực lượng kiểm ngư khi đi tuần tra gặp đối tượng vi phạm biết phải tiếp cận như thế nào để bảo đảm nhiệm vụ. Khi ấy, cán bộ kiểm ngư đi làm đã hành lang pháp lý để thực thi nhiệm vụ trên biển”, ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định.

Đối mặt với thách thức

Bình Định là 1 trong những tỉnh có lực lượng tàu cá nhiều nhất cả nước với hơn 6.000 phương tiện. Theo phân vùng khai thác, vùng biển ven bờ có 1.600 tàu cá hoạt động, vùng lộng có 1.200 tàu, vùng khơi có hơn 3.200 tàu.

Theo phân cấp, từ vùng lộng vào đến vùng biển ven bờ do ngành chức năng địa phương quản lý. Ông Trần Kim Dương tính toán, với chiều dài bờ biển 134km, bề rộng từ vùng ven bờ ra đến vùng lộng khoảng 30km, như vậy vùng hoạt động của lực lượng kiểm ngư tỉnh Bình Định rộng đến 4.000km2 mặt biển.

Kiểm ngư Bình Định phối hợp với Bộ đội Biên phòng kiểm tra tàu cá hoạt động trên biển. Ảnh: V.Đ.T.

Kiểm ngư Bình Định phối hợp với Bộ đội Biên phòng kiểm tra tàu cá hoạt động trên biển. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Trần Kim Dương, những phương tiện tàu cá tùy theo chiều dài thân tàu sẽ được hoạt động ở vùng biển nào. Tất cả những nhóm tàu hoạt động tại các vùng biển đều có những vi phạm khác nhau. Ví như tàu hoạt động ven bờ vi phạm chủ yếu là hoạt động không có giấy phép khai thác, làm những nghề cấm, nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản như xung điện xiếc máy, lưới lồng, đánh chất nổ…

Những tàu hoạt động vùng lộng thường vi phạm nhất là đánh bắt không đúng tuyến. Dù phạm vi được phép đánh bắt là vùng lộng, nhưng nhóm tàu này hay vào vùng ven bờ khai thác. Vi phạm của những tàu đánh bắt vùng khơi thường là thuyền viên đi trên tàu không đăng ký danh sách; tàu có đăng ký thuyền trưởng, máy trưởng, nhưng thực tế thuyền viên đi trên tàu không đúng chức danh như đăng ký.

Lực lượng Kiểm ngư Bình Định thường xuyên có mặt trên biển. Ảnh: V.Đ.T.

Lực lượng Kiểm ngư Bình Định thường xuyên có mặt trên biển. Ảnh: V.Đ.T.

Tất cả những nhóm tàu hoạt động trên các vùng biển đều có vi phạm. Vi phạm có thể xảy ra bất cứ ở đâu trên diện tích mặt biển hơn 4.000km2, cả ngày lẫn đêm. Áp lực lớn là vậy mà nhân lực thực tế thực thi nhiệm vụ trên biển của Phòng Kiểm ngư-Thanh tra thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định chỉ có 5 người, phương tiện phục vụ công tác không thể đi xa, công cụ hỗ trợ được trang bị cũng chưa có; cơ chế, chính sách và kinh phí hoạt động cũng hạn hẹp, khó khăn bủa vây.

“Trong khi chức năng của ngành kiểm ngư là quản lý Nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chú trọng đến việc ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trên biển, hướng đến nghề cá bền vững, 1 nhiệm rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định để gỡ “thẻ vàng” IUU như hiện nay”, ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định.

Xem thêm
Một xã thu gần 540 tấn cá lồng bè mỗi năm, doanh thu 30 tỷ đồng

HÒA BÌNH Xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) nuôi 609 lồng cá trên sông Đà, mỗi năm cho thu hoạch gần 540 tấn cá, doanh thu ước đạt 30 tỷ đồng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.