Hội đồng duyệt phim quốc gia vừa chính thức yêu cầu đơn vị sản xuất phim “Bụi đời Chợ Lớn” phải cắt bớt những cảnh bạo lực và chỉnh sửa lại để phù hợp hơn với văn hóa phương Đông.
Lịch hẹn ra rạp ngày 19/4 của bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn” đành thất hứa với khán giả hâm mộ. Tuy nhiên, sự cố này ít nhiều giúp phim Việt một lần nữa nhìn nhận thấu đáo về đề tài võ thuật vốn phơi bày sự lúng túng trên màn ảnh suốt nhiều thập niên qua.
Theo quảng cáo của những người thực hiện, chuyện phim “Bụi đời Chợ Lớn” xoay quanh những mâu thuẫn, ân oán giữa bốn người đàn ông là Hùng Chợ Lớn, Lâm, Phong Bụi và Tài Nhớt. Sống trong một thế giới mà ranh giới giữa thiện và ác rất mong manh, cả bốn nhân vật đều phải tìm mọi cách để có thể tồn tại cũng như khẳng định vị trí của mình. Đối đầu, tranh quyền đoạt vị hay những mưu mô, thủ đoạn đều là những thứ họ buộc phải song hành trong suốt cuộc đời. Điểm độc đáo mà ê-kíp làm phim “Bụi đời Chợ Lớn” mang đến cho công chúng một bộ phim võ thuật vừa có những pha hành động ác liệt vừa có những cảnh huống trữ tình.
Một cảnh quay “Bụi đời Chợ Lớn”
Trước khi làm phim “Bụi đời Chợ Lớn”, đạo diễn Charlie Nguyễn từng có bộ phim “Dòng máu anh hùng” khá vang dội. So với mặt bằng phim Việt, thì những màn đánh đấm của Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân tương đối hấp dẫn. Thế nhưng, mọi lời khen nồng nàn nhất dành cho “Dòng máu anh hùng” như một bộ phim võ thuật đích thực đều mang tinh thần ủng hộ phim Việt. Chỉ những ai chưa bao giờ xem phim võ thuật của Hồng Kông, của Trung Quốc hoặc của Mỹ thì mới trầm trồ trước những đòn thế trong phim “Dòng máu anh hùng”. Bởi lẽ, thứ võ thuật mà “Dòng máu anh hùng” phô diễn đều là những đòn dứt điểm, nghĩa là thứ phim võ thuật cách đây… nửa thế kỷ, theo kiểu của Lý Tiểu Long. Còn những phim võ thuật hôm nay, với Mel Gibson, Thành Long hoặc Lý Liên Kiệt thì đã hoa mỹ và đẹp mắt hơn rất nhiều.
Nền điện ảnh Việt đang nỗ lực tiến lên chuyên nghiệp, riêng thể loại phim võ thuật thì vẫn nằm ở mức nghiệp dư. Tìm đỏ mắt khắp làng nghệ thuật thứ bảy của nước ta cũng không thấy nhân vật nào xứng danh đạo diễn võ thuật. Thời phim tư nhân manh nha phát triển, hãng phim gia đình Lý Huỳnh đầu tư phim võ thuật để phát triển thương hiệu. Đáng tiếc, dù có lòng nhưng không có sức, những màn đánh đấm được hãng phim Lý Huỳnh chăm chút kỹ lưỡng trong “Thăng Long đệ nhất kiếm”, “Lửa cháy thành Đại La” hoặc “Tây Sơn hào kiệt” đều có xu hướng múa may rộn ràng.
Từ khí thế “Dòng máu anh hùng” vượt trội so với các phim võ thuật khác, đạo diễn Charlie Nguyễn kỳ vọng vào “Bụi đời Chợ Lớn” cũng là điều dễ hiểu. Một bộ phim võ thuật thuyết phục được người xem khi kết hợp hoàn hảo ba yếu tố: Thứ nhất, diễn viên có khả năng biểu diễn công phu. Thứ hai, kỹ xảo điện ảnh nhuẫn nhuyễn từ dàn dựng cho đến góc quay. Thứ ba, kịch bản phải có sức khái quát vấn đề, để những gì hiện ra trên màn ảnh không chỉ phục vụ tính hiếu kỳ về những kẻ ưa thích thượng cẳng chân hạ cẳng ba.
Cả ba yếu tố nói trên, phim Việt vừa thiếu vừa yếu. Để che lấp bớt khuyết điểm của một bộ phim võ thuật lúng túng, cách chọn lựa khôn ngoan nhất nhưng cũng ngây ngô nhất là… thêm thắt nhiều cận cảnh máu me ghê rợn. Tất nhiên, cách gây ấn tượng như vậy rất gần với sự kích động bạo lực. Và bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn” bị Hội đồng duyệt phim quốc gia đề nghị chỉnh sửa không có gì khó hiểu!
Phim Việt rất lúng túng về thể loại võ thuật. Thực tế ấy không thể phủ nhận. Ai làm được phim võ thuật cũng đáng hoan nghênh và đáng ủng hộ. Thế nhưng, thà chầm chậm vừa học vừa làm, còn hơn vội vàng tung ra thị trường sản phẩm đâm chém rẻ tiền một cách ngớ ngẩn!