Bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng (đối với miền Bắc) và bánh tét (đối với miền Trung và miền Nam) là 2 món bánh không thể thiếu trong dịp đầu xuân như thế này. Lớp nếp dẻo, xanh ăn cùng với nhân đậu xanh, thịt mỡ của 2 món bánh là đặc trưng của ngày Tết truyền thống Việt Nam và sẽ khó có thể có một cái Tết trọn vẹn nếu thiếu đi bánh chưng và bánh tét.
Gà luộc
Với cách chế biến đơn giản thể hiện sự dân giã và bình dị, gà luộc là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ trong những dịp lễ cúng. Đối với Tết Nguyên đán, gà được cắt tiết và làm sạch từ đêm 30 (do tránh sát sinh vào dịp năm mới) để chuẩn bị cho mâm cúng các mùng.
Canh miến
Canh miến là đặc sản của miền Bắc vào dịp năm mới. Trong tiết trời se lạnh, được ăn 1 bát canh miến nóng hổi thì còn gì tuyệt hơn chứ! Canh có thể thể được nấu cùng các nguyên liệu khác nhau tùy vào mỗi gia đình.
Tuy nhiên, các nguyên liệu chính trong món canh miến thường sẽ là miến dong, măng và nấm nấu cùng với thịt. Lưu ý là không nên nấu canh miến với thịt vịt, do theo quan niệm xưa rằng mùng 1 đầu tháng ăn thịt vịt sẽ gặp điều xui.
Canh khổ qua
Nếu canh miến là đặc sản của Tết miền Bắc thì canh khổ qua nhồi thịt là đặc sản của miền Trung và miền Nam. Người dân 2 miền cứ đến dịp cuối năm sẽ lại làm món canh với vị đắng đặc trưng này với niềm tin rằng, khi ăn xong thì "mọi nỗi khổ đau của năm cũ sẽ qua đi", chào đón một năm mới tốt lành hơn.
Mâm ngũ quả
Chưng mâm ngũ quả vào ngày Tết Nguyên đán đã là truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam. Mỗi loại quả trên mâm mang ý nghĩa gửi gắm những nguyện vọng của gia đình cho năm mới và mong sao có thể đạt được những nguyện vọng đó.
Ngoài mâm ngũ quả, các gia đình còn chưng thêm 1 cặp dưa hấu hoặc bưởi, cũng mang ý nghĩ cầu mong tài lộc và may mắn cho thời gian tới.
Ngoài ra, nếu gia chủ hóa vàng vào mùng 3 Tết hôm nay, quý độc giả có thể tham khảo bài viết Mâm cúng hóa vàng Tết Nguyên đán 2021 gồm những gì? Cần lưu ý gì?