| Hotline: 0983.970.780

Mang con chữ lên bản Vều

Chủ Nhật 29/05/2016 , 06:30 (GMT+7)

Nằm giữa bốn bề núi non, Vều được coi là một trong những bản vùng biên còn gặp nhiều khó khăn nhất của huyện miền núi Anh Sơn với trên 51% hộ nghèo. Cái nghèo của bản Vều cũng khiến cho sự nghiệp trồng người và cuộc sống của những giáo viên cắm bản ở đây gặp rất nhiều khó khăn.

Bản Vều thuộc xã Phúc Sơn, cách thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) gần 20 km.

Trường tiểu học, trung học cơ sở Cao Vều có 33 cán bộ giáo viên; 162 học sinh (90% học sinh là người dân tộc Thái). Những giáo viên cắm bản ở đây cho biết, dù cuộc sống đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng lũ trẻ rất ham học, chúng chỉ nghỉ học lên rẫy khi trong nhà không còn cái ăn.

Thầy Hoàng Ngọc Yêng, Hiệu trường Trường tiểu học, trung học cơ sở Cao Vều đã có hàng chục năm gắn bó với nghề dạy học. Hình ảnh học trò nhỏ quần áo cũ sờn, nhiều em còn mặc cả áo rách đến lớp nhưng ánh mắt vẫn tròn xoe say sưa tập viết, đánh vần luôn là động lực thôi thúc thầy gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi miền biên viễn này. Thầy đã về và ở lại với ngôi trường này khi tuổi còn thanh xuân cho đến nay, đầu đã mang hai thứ tóc.

Thầy Yêng cho biết, nếu không có tình yêu nghề, mến trẻ thì không giáo viên nào có thể trụ lại ở đây được lâu. Ở vùng biên viễn này, đủ ăn đã khó nên việc vận động con em đồng bào đến trường gặp rất nhiều khó khăn. Lớp nhiều nhất có 29 em học sinh, ít nhất có 10 học sinh. Nhưng như thế đã là cả một sự cố gắng lớn của thầy và trò nơi đây.

Phần lớn các em lớn lên, ngoài thời gian đến trường còn phải theo bố mẹ đi làm nương làm rẫy. Nhiều em, do hoàn cảnh quá khó khăn đã phải ở nhà làm lụng tự nuôi sống mình, phụ giúp gia đình. Nhiều em đã học đến lớp cuối cấp rồi nhưng vẫn nhỏ xíu...

“Những năm gần đây, đường sá đã được đầu tư xây dựng nên việc đến trường của các em không còn khó khăn như trước. Hai bản Bọp và Châu Tam xa nhất, cách trường 7-8 km, không có giáo viên cắm bản như các bản vùng cao khác nhưng khi học sinh ốm đau, bỏ học không đến lớp..., nhà trường sẽ cử giáo viên đến tận nhà các em để hỏi thăm và vận động.

nh2090727866
Bữa cơm đạm bạc của học sinh trường Trường tiểu học, trung học cơ sở Cao Vều

Vì thế, số học sinh bỏ học giảm nhiều so với những năm trước. Sau  nhiều năm bám bản gieo chữ, giờ đây những người thầy, người cô đã thuộc làu từng con đường, từng khúc cua, con suối, từng nóc nhà của các bản làng”- thầy Yêng chia sẻ.

Sự học ở vùng biên đã có nhiều đổi thay khi các Chương trình 134, 135 của Chính phủ đến được với vùng cao, trường lớp đã được kiên cố hóa, đường sá đi lại thuận lợi hơn…

Tuy nhiên, cuộc sống vẫn còn những khó khăn, gian khổ, trường lớp tuy đã được kiên cố hóa nhưng bàn ghế học sinh đã xuống cấp vẫn phải sử dụng chung cho nhiều lứa tuổi; đồ dùng, dụng cụ dạy học của giáo viên thiếu thốn. Nhiều giáo viên hợp đồng còn hưởng mức lương thấp chỉ đủ trang trải cho bản thân... nhưng vì tình yêu nghề, niềm vui được truyền con chữ cho những đứa trẻ nơi đây đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho họ.

Năm 2000, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, thầy Nguyễn Cảnh Thành được nhận làm giáo viên hợp đồng dạy thể dục của trường tiểu học, trung học cơ sở Cao Vều. Mười sáu năm dạy hợp đồng là chừng ấy năm chật vật với đồng lương vỏn vẹn 2 triệu đồng/tháng.

“Nhà lại cách trường hơn 20 km, cứ sáng đi chiều về, nhiều lúc muốn bỏ cuộc bởi đời sống quá khó khăn nhưng lúc lên lớp nhìn những ánh mắt ngây thơ, trong sáng của các em cùng với tình yêu nghề làm tôi lại có thêm động lực để bám trường bám lớp. Các trò ở đây ham học lắm, mình không nỡ xa trò, bỏ nghề dạy học” – thầy Thành trải lòng.

bnveu090711589
Ngoài việc học, các em còn phải đi kiếm củi phụ giúp bố mẹ

Hôm chúng tôi đến, trường học cả ngày nên nhiều em học sinh phải mang cơm, xôi ăn với muối vừng. Có em mang mì tôm… ăn qua bữa. Nhìn các em vui vẻ, ăn ngon lành những đùm cơm trắng với muối vừng, muối trắng, khiến người viết không khỏi chạnh lòng. Với các em, mỗi ngày đến trường, được học con chữ, được gặp thầy cô, bè bạn thực sự là một ngày vui...

Nhờ nỗ lực trong sự nghiệp trồng người, năm học 2015-2015, Trường tiểu học, trung học cơ sở Cao Vều có 14 học sinh đạt khá trở lên, 5 em học sinh giỏi cấp huyện, số lượng giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp huyện 6 người, tập thể nhà trường được công nhận là tập thể lao động tiên tiến...

“Điều mà giờ đây nhiều giáo viên cũng như phụ huynh còn băn khoăn, trăn trở là cơ sở vật chất còn yếu và thiếu, các phòng chức năng như thư viện, phòng thí nghiệm thực hành, sân chơi bãi tập đều chưa có, bàn ghế, lớp học đều đã xuống cấp. Tuy vậy, công tác xã hội hóa giáo dục ở vùng đất nghèo khó này chỉ là cụm từ “xa xỉ”. Mong rằng thời gian tới các cấp các ngành quan tâm giúp đỡ để cuộc sống cũng như việc học hành của giáo viên đỡ vất vả hơn….” – thầy Yêng tâm sự.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.