| Hotline: 0983.970.780

Phòng bệnh bạch hầu

Mang khẩu trang, giữ vệ sinh, tiêm vacxin đủ liều

Thứ Sáu 10/07/2020 , 14:26 (GMT+7)

Không thể có chuyện lây dịch bệnh bạch hầu từ tỉnh này sang tỉnh khác với một hệ thống y tế dự phòng và độ phủ tiêm chủng như hiện nay.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Chuyên gia bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Chuyên gia bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Dịch bệnh bạch hầu xuất hiện nhiều ca mắc mới tại các tỉnh Tây Nguyên khiến nhiều người lo ngại, PV NNVN đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, Chuyên gia bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) về vấn đề này.

Đến nay Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có 25 ca không có biểu hiện triệu chứng mà phải qua xét nghiệm sàng lọc phát hiện ra. Bác sĩ giải thích vấn đề này như thế nào? Bệnh bạch hầu có khả năng lây lan ra cộng đồng?

Bạch hầu cũng giống một số loại vi khuẩn khác, nó có nhiều thể biểu hiện khác nhau, đó là biểu hiện có triệu chứng và không có triệu chứng, có triệu chứng nhẹ, nặng, rất nặng. Trong đó, nó còn phụ thuộc lượng kháng thể và sức đề kháng của người đó.

Cho nên, có khả năng trong nhà đó có một số người mang vi khuẩn bạch hầu nhưng sức đề kháng tốt nên họ không phát hiện bị bệnh, trong khi đó bản thân họ vẫn phát tán vi khuẩn ra bên ngoài. Khi đó, trẻ hoặc một người khác hít phải vi khuẩn đó nhiều lần, miễn dịch giảm thì lúc đó sẽ mắc bệnh.

Bệnh bạch hầu xảy ra rải rác quanh năm, đặc biệt là mùa mưa, thời tiết ẩm thấp. Không phải năm nay mới có những ca bệnh bạch hầu, mà từ năm 2018 - 2019 cũng đã xảy ra rải rác các ca bệnh tại các tỉnh Quảng Nam, Đăk Lăk, Đăk Nông. Đặc biệt ở những vùng cao nguyên khi độ phủ chích ngừa bệnh bạch hầu thấp sẽ có các ca bệnh xuất hiện rải rác.

Tuy nhiên năm nay, xuất hiện ba ca nặng dẫn đến tử vong từ khu vực Tây Nguyên và một nam thanh niên ở TP.HCM (cũng đi từ khu vực Tây Nguyên về) thì sau đó hệ thống y tế khoanh vùng, giám sát, kiểm tra, sàng lọc và phát hiện nhiều ca hơn là như vậy.

Đường lây của bệnh bạch hầu rất kinh điển. Cái chính là khi hai người chung nhà, chung phòng, trong đó có một người mang vi khuẩn bạch hầu sẽ lây sang cho người kia. Khi số người tiếp xúc càng đông thì mức độ di chuyển và nhân lên của vi khuẩn bạch hầu càng nhiều.

Khi đó, vi khuẩn bạch hầu gặp đối tượng không được chích ngừa đủ liều thì lượng kháng thể sẽ giảm xuống và kháng thể đó sẽ không giúp cho người đó chống lại độc tố bạch hầu và phát bệnh ra.

Về vấn đề chích ngừa bạch hầu, chúng ta đã có chương trình tiêm chủng mở rộng từ khá lâu. Sau này, chương trình tiêm chủng mở rộng đã được đưa xuống nhiều địa phương, cộng với việc trẻ em đã chích đủ bốn mũi cơ bản, cùng với việc đường lây của vi khuẩn chậm hơn thì chỉ có thể xảy ra ở một số cá thể.

Điều thứ hai, chúng ta không để cho dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, bởi khi phát hiện ra một ca bệnh, chúng ta đã tiến hành cách ly, giám sát người lành, đưa xuống chủng ngừa những đối tượng còn chích thiếu.

Vì vậy, không thể có chuyện lây từ tỉnh này sang tỉnh khác. Không thể có chuyện đó với một hệ thống y tế dự phòng và độ phủ tiêm chủng rộng như hiện nay.

Khi một người xác định là dương tính với vi khuẩn bạch hầu, không tiếp xúc với người bị bệnh, vậy nguồn lây ở đâu?

Bạch hầu không cần xác định nguồn lây (F0) vì nó còn lưu hành. Trong một cộng đồng những người không chích ngừa đủ thì chắc chắn sẽ có một vài người nào đó mang vi khuẩn bạch hầu sẽ lây qua cho nhau.

Trong cơ thể, khi vi khuẩn nhân lên nhiều thì tới một lúc nào đó người bị lây có miễn dịch thấp sẽ phát bệnh ra. Do đó việc tìm được nguồn lây cũng không giải quyết được hết vấn đề.

Chúng ta chỉ cần biết có một người bị bệnh bạch hầu ở khu vực đó thì khu trú lại để xét nghiệm và cho uống thuốc dự phòng là đủ, không cần thiết phải tìm ra F0.

Việc ngừa vacxin bạch hầu cần như thế nào? Người lớn không có lịch sử tiêm chủng thì phải tiêm như thế nào?

Tiêm ngừa bạch hầu là tiêm kháng nguyên độc tố để tạo ra kháng thể chặn độc tố đó khi nhiễm vi khuẩn.

Nếu một bệnh nhân bị bệnh bạch hầu không có kháng thể chống độc tố thì vi khuẩn sẽ nhân lên rất nhanh, làm giả mạc nhanh, khi đó giả mạc phát tán vi khuẩn ra nơi khác, nếu trong người có kháng thể kháng độc tố chặn vi khuẩn lại không để sinh sôi nảy nở được.

Chính cái kháng độc tố làm cho ngoại độc tố không tấn công vào tim, nên người đó sẽ tự hết bệnh. Đó là lý do vì sao phải chích nhiều mũi vacxin phòng bạch hầu.

Để việc chích ngừa vacxin bạch hầu đạt hiệu quả, không có ca bệnh trong cộng đồng thì cần phải thực hiện đủ hai điều. Thứ nhất, bản thân từng người phải tiêm đủ liều.

Hiện nay, trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chúng ta cần tiêm lúc trẻ ở 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi, 4 tháng tuổi và nhắc lại lúc 18 tháng tuổi. Thứ hai, cộng đồng đó phải được chích ngừa rất tốt.

Lúc đó, mới thanh toán được hết bệnh bạch hầu ở trong cộng đồng đó. Nếu như trẻ chích ngừa đủ mà cộng đồng đó tỉ lệ chích ngừa thấp thì chỉ trong khoảng thời gian trẻ từ 4 tuổi trở đi sẽ giảm kháng thể chống lại bệnh bạch hầu. Chính vì vậy, vi khuẩn bạch hầu còn lưu hành trong cộng đồng sẽ tấn công trẻ.

Nếu chúng ta sống trong cộng đồng tiêm chủng tốt với 4 mũi tiêm cơ bản thì khá yên tâm. Tuy nhiên, nếu cộng đồng đó không an toàn thì tới 4 - 5 tuổi chích lại một mũi, đến 7 - 10 tuổi nhắc lại thêm một mũi và sau đó cứ 10 năm chích lại một mũi.

Xin cảm ơn ông!

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh bạch hầu?

Chủ động mang khẩu trang và rửa tay, chứ không hẳn chỉ tiêm vacxin. Vi khuẩn bạch hầu có thể lây từ người này qua người khác, hoặc là người đó ho, hắt hơi làm văng vi khuẩn bạch hầu ra môi trường xung quanh, rồi người khác dùng tay và đưa lên mặt.

Hoặc có vết trầy xước ở da, khi người mang vi khuẩn bạch hầu ho làm văng vào vết trầy xước đó, tuy nhiên việc lây từ da là rất hiếm.

Nguồn lây chính vẫn là khuôn mặt, bàn tay, vật dụng trong gia đình nên phải mang khẩu trang, rửa tay, vệ sinh nhà cửa khi trong nhà có người bệnh.

Cách phân biệt bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu có biểu hiện sốt nhẹ, không sốt cao, thỉnh thoảng mới có ca nhiễm độc tố nặng thì sốt cao.

Ngoài ra, bệnh có hai biểu hiện sớm mà chúng ta có thể bỏ sót là đau họng hoặc loét mũi có chảy máu (nhất là đối với trẻ nhỏ thường bỏ sót biểu hiện này - PV).

Hai biểu hiện này chỉ phát hiện ra khi đi khám, há họng bác sĩ sẽ phát hiện giả mạc trắng, xám, khó tróc và khi phết thấy dai không tan trong nước.

Tất cả những yếu tố đó sẽ giúp bác sĩ hình dung ra bệnh bạch hầu và phải làm xét nghiệm mới xác định chính xác. Còn những trường hợp nặng hơn là khi trẻ ho nhiều, khàn tiếng.

Phu huynh cần lưu ý, không đợi trẻ sốt cao mới đưa đi khám, như vậy là quá trễ.

Xem thêm
8 dấu hiệu nhận biết sớm ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt ở nữ giới. Dưới đây là 8 dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến giáp bạn nên lưu ý.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Những loại trái cây giúp giải rượu nhanh chóng và hiệu quả

Những loại trái cây giúp giải rượu nhanh chóng và hiệu quả không chỉ hỗ trợ đào thải độc tố mà còn cung cấp dưỡng chất cần thiết để cơ thể nhanh chóng phục hồi.