| Hotline: 0983.970.780

Màng phủ Passlite đổi thay nghề trồng rau ăn lá

Thứ Ba 19/11/2019 , 08:46 (GMT+7)

Sau thời gian triển khai áp dụng tại một số vùng rau an toàn trọng điểm của thành phố Hà Nội năm 2019, màng phủ Passlite từ vải không dệt đã thực sự làm đổi thay nhận thức của bà con trồng rau ăn lá...

10-30-35_psslite_htx_vn_con_hoi_duc
Nông dân xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội ưa chuộng màng phủ Passlite.

Tháng 10/2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tiếp tục tổ chức triển khai nhân rộng mô hình màng phủ Passlite trên rau vụ Đông tại HTX Nông nghiệp xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, sau những thí điểm thành công tại một số vùng trồng rau an toàn.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Vân Côn Vũ Văn Hải chia sẻ, gắn bó với nghề trồng rau bao năm qua, ông không ngờ trên thị trường lại có loại vật liệu màng phủ áp dụng trên rau ăn lá phù hợp đến độ hoàn hảo với người nông dân đến vậy.

Ông Hải cho biết, trước đây khi chưa có màng phủ bà con nông dân phải dẫn nước vào các rãnh giữa hai luống rau, sau đó dùng gáo để múc nước tưới vào kẽ các cây. Nay có màng phủ Passlite, bà con chỉ việc dùng vòi từ máy bơm tưới thẳng lên mặt luống, màng phủ Passlite sẽ tự điều tiết để phân tán nước đều trên khắp luống mà rau không bị dập nát, độ ẩm lại luôn đảm bảo.

Điều khiến ông Hải tâm đắc nhất là khi áp dụng màng phủ Passlite việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu hại và bọ nhảy giảm rõ rệt, giá thành sản xuất rau giảm, trong khi năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm lại tăng lên.

Là một trong những hộ trồng rau ở Đội 5, thôn Cát Thuế, xã Vân Côn được tham gia áp dụng màng thí điểm phủ Passlite, ông Nguyễn Thiên Chính đưa ra một câu nhận xét là “tuyệt vời!”.

Ông Chính chia sẻ, với 1,5 sào rau cải áp dụng màng phủ Passlite gia đình ông chỉ phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật duy nhất 1 lần sau khoảng 5 ngày gieo hạt khi rau lên được 2 lá. Sau đó, ông Chính phủ màng Passlite lại cho đến lúc thu hoạch mà không phải dỡ ra để tưới như màng phủ ni lông, cũng không phải phun thuốc bảo vệ thực vật thêm lần nào vì màng phủ đã ngăn được cơ bản sự xâm nhập gây hại của côn trùng từ bên ngoài...

Còn bà Nguyễn Thị Loan ở đội 5, thôn Cát Thuế sau khi thu hoạch sào rau cải đầu tiên áp dụng màng phủ Passlite đã tiến hành ngâm nước ruộng một tuần để vào ngay lứa rau cải vụ Đông thứ hai.

Bà Loan tâm sự, với người trồng rau ăn lá việc xử lý sâu bệnh và đặc biệt là con bọ nhảy là bài toán đau đầu trong hàng thập niên qua. Trước đây, đa phần người trồng rau phải xử lý thuốc bảo vệ thực vật với bọ nhảy 2 lần và 1 lần phòng trừ sâu hại.

Tuy nhiên, do rau ăn lá sinh trưởng ngắn ngày, thời gian cách ly yêu cầu của ngành bảo vệ thực vật rất khắt khe nên bắt buộc phải sử dụng thuốc sinh học nên hiệu quả thực sự không cao, nhất là với loài bọ nhảy sọc cong luôn khiến mẫu mã rau ăn lá bị xấu đi bởi các lỗ thủng chúng gây ra trên mặt lá.

10-30-35_hoi_tho_du_bo_mo_hinh_mng_phu_psslite
Hội thảo đầu bờ mô hình trồng rau áp dụng màng phủ Passlite.

Với việc áp dụng màng phủ Passlite, bà Loan sau khi ngâm đất trong nước 1 tuần để xử lý cơ bản nấm mốc, bọ nhảy trong đất sẽ tiến hành gieo hạt như bình thường. Sau khoảng 5 - 7 ngày khi rau được 2 lá phun thuốc xử lý bọ nhảy duy nhất 1 lần. Sau đó bà Loan chỉ việc kéo màng phủ Passlite che kín lại toàn bộ luống rau và tưới nước bình thường cho đến khi thu hoạch.

Trước thời điểm thu hoạch rau khoảng 3 ngày, bà Loan tiến hành mở màng phủ Passlite ra để cho ánh nắng chiếu vào luống rau ăn lá được nhiều hơn, giúp rau quang hợp tốt hơn, lá đẹp và dầy hơn.

Mặc dù chết mê chết mệt với màng phủ Passlite, nhưng theo chia sẻ của xã viên, hiện giá bộ khung sắt, dây thép và vải không dệt Passlite cho 1 sào rau ăn lá khá cao. Do đó, bà con kiến nghị ngành nông nghiệp tiếp tục có chính sách hỗ trợ để có thể áp dụng đại trà tiến bộ kỹ thuật này. Nếu áp dụng được Passlite vào sản xuất rau an toàn gần như cơ bản sẽ xử lý và quản lý, khống chế được vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Sản phẩm vải không dệt dùng trong nông nghiệp có tên thương mại Passlite do Công ty Unitika LTD của Nhật Bản sản xuất. Vải không dệt Passlite đã được thử nghiệm thành công tại Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh... Năm 2019 ngành nông nghiệp Hà Nội cho triển khai trên nhiều diện tích rau an toàn của thành phố.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.