| Hotline: 0983.970.780

Nam Trung bộ làm đường băng cản lửa chống cháy rừng

Thứ Sáu 08/03/2024 , 09:34 (GMT+7)

Hiện bước vào mùa khô nguy cơ cháy rừng rất cao, các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang làm đường băng cản lửa để chủ động phòng, chống cháy rừng.

Hiện nay tại Khánh Hòa bước vào mùa khô, nguy cơ cháy rừng rất cao. Ảnh: KS.

Hiện nay tại Khánh Hòa bước vào mùa khô, nguy cơ cháy rừng rất cao. Ảnh: KS.

Hơn 61.000 ha rừng có nguy cơ cháy cao

Thời gian gần đây, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xảy ra nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng rất cao. Hiện tại địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã xảy ra 1 vụ cháy cây trồng chưa thành rừng với diện tích 1,07 ha tại tiểu khu 112 và 129 xã Khánh Trung.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa, hiện toàn tỉnh có trên 61.000 ha rừng có nguy cơ cháy cao. Trong đó, hơn 32.000 ha rừng trồng và gần 29.000 ha rừng tự nhiên, tập trung hầu hết tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Để chủ động, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng. Ảnh: KS.

Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng. Ảnh: KS.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa phận quản lý.

Cùng với đó, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện có hiệu quả phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt. Cũng như bổ sung, chỉnh lý kịp thời phương án phòng cháy, chữa cháy rừng khi có những thay đổi về tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy rừng.

Trong mùa khô, các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, trực phòng cháy và chữa cháy rừng. Khi xảy ra cháy rừng khẩn trương phối hợp, huy động các lực lượng, phương tiện để xử lý, không để cháy rừng lan rộng, đảm bảo an toàn và phối hợp điều tra xác định nguyên nhân, xử lý theo quy định.

Về phía Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng sẽ thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng tại Website: http://kiemlam.org.vn để kiểm tra, phát hiện sớm các điểm cháy rừng, phân công, bố trí lực lượng trực phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 giờ trong thời gian từ đầu tháng 3 đến hết tháng 8.

Làm đường băng cản lửa

Ghi nhận của chúng tôi tại huyện Khánh Vĩnh, nơi có diện tích rừng lớn nhất trong tỉnh Khánh Hòa với trên 88.000 ha, cũng là nơi hiện trên 25.000 ha rừng có nguy cơ cháy cao.

Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa triển khai làm đường băng cản lửa. Ảnh: KS.

Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa triển khai làm đường băng cản lửa. Ảnh: KS.

Hiện nay, diện tích rừng trên địa bàn Khánh Vĩnh chủ yếu thuộc lâm phận của 2 công ty lâm nghiệp gồm: Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương. Đối với Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa được giao quản lý gần 41.000 ha rừng và đất rừng. Trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, ban Giám đốc công ty luôn quan tâm và xác định là nhiệm vụ hàng đầu.

Ông Lê Xuân Lý, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cho biết, bước vào mùa khô năm nay, các đội phòng cháy, chữa cháy rừng của công ty đã phối hợp các xã tuyên truyền, dán quy ước phòng cháy, chữa cháy rừng tại nơi công cộng, trường học và những nơi đông người qua lại.

Đơn vị cũng đã phối hợp các địa phương và kiểm lâm tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về luật phòng cháy, chữa cháy rừng. Đến nay, đơn vị đã tổ chức ký 44 cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đối với người dân có hoạt động sản xuất, canh tác gần rừng. Cũng như vận động nhắc nhở các hộ nhận khoán và đơn vị nhận khoán thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đối với bà con phát nương làm rẫy, đội bảo vệ rừng và phát triển của công ty đã vận động bà con làm ranh cản lửa, làm cam kết trước khi đốt, báo cáo cho thôn và công ty để lên lịch cùng tham gia đốt rẫy. Từ đó tránh gây ra thiệt hại về tài sản, hoa màu của bà con cũng như rừng trồng và rừng tự nhiên của công ty quản lý.

Theo ông Lê Xuân Lý, đến nay công ty đã kiểm tra, rà soát đầu tư đầy đủ thiết bị phục công tác phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp. Ngay từ đầu năm, công ty đã lập hồ sơ bảo dưỡng đường ranh cản lửa hơn 26km, dọn dẹp thực bì khô tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.

Vào mùa khô, lực lượng quản lý bảo vệ rừng tăng cường tuần tra rừng và phòng chống cháy rừng. Ảnh: KS.

Vào mùa khô, lực lượng quản lý bảo vệ rừng tăng cường tuần tra rừng và phòng chống cháy rừng. Ảnh: KS.

“Hiện chúng tôi đã xác định được các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao như địa bàn xã Khánh Phú - Sông Cầu hơn 1.370 ha; xã Khánh Thành - Cầu Bà - Liên Sang hơn 4.200 ha và xã Khánh Thượng - Giang Ly - Sơn Thái hơn 8.000 ha”, ông Lý chia sẻ.

Trên cơ sở đã xác định được các vùng trọng điểm dễ cháy, công ty tiến hành xây dựng bản đồ các vùng trọng điểm dễ cháy, từ đó chỉ huy công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Khi có cháy xảy ra, Ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng của công ty triển khai chỉ huy, điều hành công tác phòng cháy và chữa cháy rừng. Nếu cháy lớn sẽ báo cáo và đề xuất kịp thời lực lượng ứng cứu từ các ngành, các Ban chỉ đạo cấp trên và Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng của tỉnh tham gia chữa cháy. Với những giải pháp trên nên từ đầu năm đến nay tại lâm phận của công ty quản lý chưa xảy ra cháy rừng.

Đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương hiện cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Đến nay, công ty xác định hơn 6.100 ha rừng có nguy cơ cháy cao.

Ông Triệu Văn Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương cho biết, hiện đơn vị đã và đang cho triển khai thi công bảo dưỡng các đường băng cản lửa (khoảng 50km). Bước vào mùa khô năm 2024, công ty đã hoàn thành rà soát, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo đó, công ty đã phân thành 4 đội phòng cháy, chữa cháy rừng, bố trí khoảng 40 chốt trực ở những điểm có nguy cơ cháy cao.

“Hàng ngày, chúng tôi yêu cầu anh em về thời gian trực, canh phòng cháy và thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng từ 7 giờ 30 đến 17 giờ 30 phút. Riêng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách làm việc luôn cả ngày chủ nhật, chúng tôi sẽ bố trí nghỉ bù khi thời tiết có mưa”, ông Triệu Văn Minh chia sẻ và cho biết thêm, những ngày nắng nóng này, tất cả người dân vào rừng hàng ngày đều được các đội quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng ghi chép nhật ký đẩy đủ, cùng với đó tuyên truyền người dân vào nương rẫy mùa này nắng nóng không nên dùng củi lửa. Còn khi dùng củi lửa để nấu ăn trong rừng thì sau khi xong phải dập tắt hoàn toàn

Theo ông Nguyễn Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa, trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Chi cục yêu cầu các đơn vị chủ rừng tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, phát hiện lửa rừng và tổ chức dập tắt kịp thời đám cháy khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.

Cùng với đó bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Trong những ngày nắng nóng, cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, V nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong, gần rừng và đốt, xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương làm rẫy.

 Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy (tăng 1 vụ so với năm ngoái). Vụ cháy xảy ra tại lô 1 khoảnh 8 và lô 1 khoảnh 5 tiểu khu 60 xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) với tổng diện tích hơn 15 ha.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm