"Cuộc cách mạng" giảm lúa giống
Trong sản xuất lúa, gieo sạ là một trong những khâu quan trọng, quyết định sự phát triển và năng suất của cây lúa. Đây cũng là khâu nặng nhọc, tốn nhiều công lao động.
Tỉnh Bạc Liêu có diện tích canh tác lúa lên đến trên 98.000ha, diện tích gieo trồng hàng năm đạt gần 189.000ha. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa, đặc biệt trong khâu gieo sạ của tỉnh còn thấp.
Từ tồn tại trên, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng, một doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng máy sạ theo khóm trong sản xuất lúa”. Địa điểm triển khai dự án tại Tổ hợp tác (THT) Sản xuất và Tiêu thụ sản phẩm Hữu Phước ở xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long với quy mô 25ha, có sự tham gia của 31 hộ dân và Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Giồng Bướm thuộc địa bàn xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi cũng với quy mô 25ha, với 13 hộ nông dân cùng tham gia dự án.
Việc triển khai dự án ứng dụng máy sạ lúa theo khóm (còn gọi là sạ cụm) với chi phí dịch vụ phù hợp đã giải quyết cơ bản được những tồn tại hiện hữu trong sản xuất lúa tại tỉnh Bạc Liêu.
Theo đánh giá của bà con nông dân nằm trong vùng dự án hỗ trợ, quá trình từ thời điểm gieo sạ đến ngày thu hoạch, máy sạ cụm giúp tiết giảm lượng phân bón, giảm sâu bệnh gây hại. Đặc biệt, máy sạ cụm giúp nông dân đạt 3 yếu tố chính cấu thành năng suất lúa là số bông trên mét vuông, số hạt chắc trên bông và trọng lượng hạt.
Ông Đặng Văn Triều, nông dân ở ấp Bình Lễ, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long đã trải qua 2 vụ lúa thực hiện mô hình sạ cụm. So với phương pháp sạ truyền thống, ông Triều đánh giá máy sạ cụm mang nhiều ưu điểm nổi trội. Điển hình, máy sạ cụm giúp ruộng nhà ông giảm khoảng 60% lượng giống gieo sạ, tương đương khoảng 50kg/ha, lúa ít bị sâu bệnh.
Ông Triều tính nhẩm, mô hình sạ cụm giúp ông giảm được 50% chi phí sản xuất vì vừa giảm được lúa giống và phân bón, lúa lại cho năng suất cao, chất lượng hơn vì ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đặc biệt nhất là khi gieo sạ tỷ lệ rủi ro như lúa sập, đổ ngã cũng rất hạn chế.
Ông Trần Văn Phước, Tổ trưởng THT Hữu Phước thuộc ấp Bĩnh Lễ, xã Vĩnh Phú Tây cho biết, hiện tại 25ha lúa của THT đều thực hiện theo mô hình sạ cụm. Ông Phước bộc bạch, trước đây khi thực hiện sạ cụm, các thành viên trong THT rất lo ngại, chỉ gieo sạ một phần diện tích nhỏ. Trải qua 2 mùa vụ thử nghiệm, bà con thấy được hiệu quả mô hình máy sạ cụm mang lại nên tự tin hơn, đồng loạt gieo sạ bằng máy sạ cụm trên toàn bộ diện tích.
Theo lời ông Phước, so với mô hình gieo sạ truyền thống, việc gieo sạ bằng máy sạ cụm cho hiệu quả cao, giảm chi phí sản xuất, nhất là trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp ở mức cao như hiện nay. Phấn khởi hơn, nhận thấy hiệu quả mô hình mang lại, nông dân ngoài THT và nông dân ở các xã lân cận cũng mạnh dạn đăng ký tham gia gieo sạ trong mùa vụ hè thu 2022 vừa qua, năng suất đạt được khá cao nên bà con rất phấn khởi.
Đến với HTX Vĩnh Tiến ở ấp Cây Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, từ năm 2012, phương pháp sạ hàng là cách làm được đa số bà con xã viên lựa chọn. Tuy nhiên sau nhiều năm thực hiện, mô hình này dần trở nên “lạc hậu” so với các tiến bộ cơ giới hóa hiện nay. Ông Lâm Quốc Tuấn, Giám đốc HTX Vĩnh Tiến cho hay, sau nhiều chuyến tham quan, tìm hiểu thực tế, ông nhận thấy mô hình sạ cụm có nhiều ưu điểm hơn.
“Nếu sạ truyền thống, lượng giống từ 150 – 200kg/ha, còn sạ hàng thì khoảng 80kg/ha, nhưng đối với mô hình sạ cụm thì chỉ mất khoảng 50kg/ha lúa giống. Hiện nay, lực lượng lao động phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm, vì vậy việc ứng dụng máy sạ cụm rất thuận tiện, vừa tiết kiệm được lúa giống, rút ngắn thời gian gieo, giảm chi phí nhân công. Sạ cụm có khoảng cách hàng với nhau, do đó tiết kiệm được vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu…”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, sau khu tham quan mô hình sạ cụm tại huyện Phước Long, ông đã mạnh dạn vận động bà con xã viên trong HTX ứng dụng mô hình sạ theo khóm trong vụ đông xuân 2022 – 2023.
Khép kín cơ giới hóa cho cây lúa
Theo ông Lê Hữu Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu, từ năm 2020 đến nay, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ngành nông nghiệp Bạc Liêu có nhiều cơ hội ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Riêng đối với dự án xây dựng mô hình ứng dụng máy sạ cụm trong sản xuất lúa, đã giúp nông dân Bạc Liêu làm lúa “nhàn” hơn rất nhiều.
Theo ông Ân, ngành nông nghiệp đang khuyến cáo bà con nông dân trong tỉnh gieo sạ với lượng giống từ 100 – 150kg/ha, tuy nhiên với máy sạ cụm, nông dân có thể giảm được lượng giống gieo sạ đáng kể, chỉ còn khoảng 50 – 100 kg/ha.
Ông Ân dẫn chứng, khi sạ theo khóm với mật độ 50kg/ha, số lượng bông vẫn đạt 500 bông/m2, số lượng hạt chắc trên bông đạt từ 80 – 120 hạt. Đối với trọng lượng hạt, hạt lúa sẽ chắc và to. Đặc biệt, qua thực tế ứng dụng, mô hình sạ cụm cho năng suất đạt từ 8 – 9 tấn/ha.
Hệ thống khuyến nông tỉnh Bạc Liêu xác định, mô hình sạ cụm sẽ là một trong những dự án trọng tâm được địa phương tiếp tục khuyến cáo áp dụng và nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Theo nguồn kinh phí phát triển cây lúa nước, trong năm 2022, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục được hỗ trợ 4 thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV, 2 máy sạ cụm. Qua đó, góp phần giúp tỉnh Bạc Liêu mạnh dạn ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên diện rộng, giảm chi phí sản xuất, gia tăng năng suất, nâng cao giá trị hạt gạo.
Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình cánh đồng lớn gắn với ứng dụng cơ giới hóa bằng máy sạ cụm sẽ tạo mối liên kết bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo cho nông dân tỉnh Bạc Liêu nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Đây là vấn đề cần thiết và cấp bách của địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Ngành nông nghiệp Bạc Liêu kỳ vọng thông qua ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ bằng máy sạ cụm, sẽ tăng 50% năng suất lao động, giảm 50% lượng hạt giống so với phương pháp sạ lan truyền thống, tăng 20% hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa cho nông dân, góp phần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.
Bà Đào Thị Như Hè (trong ảnh), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp này đã kết hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai hàng loạt các mô hình sạ cụm tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Trong đó, Bạc Liêu là địa phương nằm trong dự án hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và đang triển khai thực hiện rất tốt mô hình này, bà con nông dân ứng dụng, tiếp cận tích cực.
Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp triển khai mô hình máy sạ cụm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, đặc biệt là tại vùng lúa - tôm của huyện Hồng Dân và Phước Long. Ngoài ứng dụng thiết bị máy sạ cụm "3 trong 1", hiện doanh nghiệp này đã nhập khẩu từ Hàn Quốc thiết bị máy bay không người lái thực hiện phun thuốc BVTV. Máy bay không người lái sẽ kết hợp đồng bộ với máy sạ cụm trong gieo sạ, tạo thành mô hình canh tác lúa ứng dụng cơ giới hóa mang lại hiệu quả cao cho nông dân ĐBSCL.