Từng đưa hệ thống máy cấy mạ khay vào nhiều địa phương ở miền Bắc, vừa qua Công ty Sài Gòn Kim Hồng (TP Hồ Chí Minh) bắt đầu trình diễn thí điểm hệ thống sạ cụm và máy bay không người lái phun chất lỏng tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Được biết, đây là địa phương có truyền thống gieo thẳng trong sản xuất lúa thay vì cấy như nhiều nơi khác ở miền Bắc.
Tiết kiệm nhân công, giảm chi phí
Máy sạ cụm được Sài Gòn Kim Hồng trình diễn tại huyện Cẩm Giang là loại máy 4 bánh tự vận hành có công suất từ 5 - 8ha/ngày, tùy điều kiện ruộng. Máy có 10 hộp đựng hạt giống, tương đương với 10 hàng gieo, khoảng cách là 25x14cm.
Số lượng hạt giống có thể điều chỉnh từ 2 đến 30 hạt/khóm. Lợi thế của máy gieo thẳng theo khóm là có thể gắn với bất kỳ máy nào đang có trên thị trường và không cần gieo mạ.
Chia sẻ về hoạt động này, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) khẳng định việc cơ giới hóa, đưa máy móc vào đồng ruộng, đặc biệt là trong sản xuất lúa đang được xem là ưu tiên trong giai đoạn hiện nay.
“Trong bối cảnh chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, không chỉ tập trung vào sản lượng mà còn nâng cao giá trị sản phẩm thì việc cơ giới hóa sẽ giúp giảm chi phí, đem lại hiệu quả cao hơn cho người nông dân trồng lúa”, ông Lê Quốc Thanh khẳng định.
Cụ thể, việc gieo thẳng trong sản xuất lúa sẽ giảm chi phí so với cấy hay sạ tay do sử dụng ít giống hơn nhưng vẫn đảm bảo được mật độ, sự đồng đều trên ruộng đồng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo TTKNQG cũng nhấn mạnh khả năng giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong ở nông thôn của các hệ thống máy móc này. Nếu tận dụng tốt lợi thế của cơ giới hóa, những lao động chính của các gia đình có thể chuyển đổi sang những ngành nghề khác để tối ưu thu nhập.
Đồng quan điểm với ông Lê Quốc Thanh, ông Lê Thái Nghiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp, phần lớn thanh niên trẻ đã chuyển sang làm dịch vụ hoặc các công việc khác.
Do đó, lao động còn lại có độ tuổi khá cao nên khâu sản xuất gặp không ít khó khăn nên việc mở rộng cơ giới hóa trong sản xuất để hạ thấp giá thành và nâng cao giá trị đóng vai trò quan trọng.
Theo ông Nghiệp, hiện nay tại Hải Dương, cơ giới hóa trong làm đất đã đạt 100%, gặt lúa 95%, mạ khay cấy máy mới đạt 10%. Do đó, việc Công ty Sài Gòn Kim Hồng giới thiệu những loại máy này sẽ góp phần thay đổi đáng kể trong sản xuất lúa vì máy gieo hạt trên một diện tích rất nhanh và giảm chi phí.
"Hải Dương hiện có 35% diện tích gieo thẳng và bà con đang gieo cấy thủ công. Khi đưa máy gieo hạt theo khóm gieo nhanh, theo hàng… rất thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển”, ông Lê Thái Nghiệp nhận định.
Bên cạnh đó, việc phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái là công nghệ mới, đang thí điểm tại một số địa phương và cũng được bà con tiếp nhận.
Liên kết để tăng hiệu quả
Thấy rõ hiệu quả từ mô hình trình diễn của Công ty Sài Gòn Kim Hồng, ông Lê Thái Nghiệp cho biết trong thời gian tới, thông qua các chương trình, chính sách, địa phương sẽ cùng công ty giúp bà con nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất.
Tuy nhiên, ông cũng đề nghị phía công ty cần thông qua các cơ quan chuyên môn của địa phương để chuyển giao các tiến bộ đến bà con tốt nhất.
“Xây dựng các mô hình trình diễn, đưa ra các công thức, mật độ gieo cấy, phương pháp phòng trừ sâu bệnh để đạt hiệu quả cao nhất”, đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương đề xuất.
Lắng nghe ý kiến từ phía địa phương, bà Đào Thị Như Hè, Giám đốc Công ty Sài Gòn Kim Hồng khẳng định, khi triển khai ở bất cứ địa phương nào, công ty cũng liên kết với cơ quan quản lý và đặc biệt là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để tiếp cận với bà con một cách rộng rãi và nhanh nhất.
Ngoài ra, do người dân khó có khả năng tài chính để sở hữu riêng những máy móc này, Sài Gòn Kim Hồng sẽ phối hợp với khuyến nông của các địa phương để tạo các đơn vị cung cấp dịch vụ, phục vụ bà con theo từng giai đoạn.
“Điều này không chỉ giúp bà con tiếp cận công nghệ mới dễ dàng hơn mà còn giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp, tăng thu nhập cho cơ quan khuyến nông và giảm nhẹ chi phí đầu tư cho người nông dân”, bà Đào Thị Như Hè khẳng định.