Giống như nhiều người dân địa phương, Matthana Abhaimoon rời vùng nông thôn Thái Lan để lên thành phố học tập. Không giống như hầu hết mọi người, cô chọn quay trở lại - và chiến đấu để giành lấy quyền làm trang trại trong rừng như tổ tiên của mình.
Sau chiến dịch kéo dài 20 năm, cư dân của Mae Tha, một khu vực miền núi phía bắc Thái Lan, nằm gần Chiang Mai, đã giành được danh hiệu rừng cộng đồng cho cụm bảy ngôi làng của họ. Một phong trào trở lại với đất đai đang thu hút những người nông dân trẻ, thân thiện với môi trường rời khỏi thành phố.
Theo quy định, Matthana và khoảng 5.000 dân làng có thể canh tác khoảng 1.416 ha bên trong một khu rừng được bảo vệ ở huyện Mae Tha.
Đó là một thắng lợi không nhỏ ở một quốc gia đầy rẫy những tranh chấp cũ về việc ai có quyền đối với đất đai và tài nguyên thiên nhiên.
“Những người trẻ tuổi có những ý tưởng mới về môi trường, tính bền vững và an ninh lương thực, và họ muốn cống hiến. Vì vậy, họ cũng tham gia vào việc đưa ra quyết định”, Matthana nói.
Người dân và các nhà nghiên cứu cho biết danh hiệu rừng cộng đồng, với hợp đồng thuê 30 năm kết thúc vào năm 2045 (sau đó được xem xét gia hạn) đã thúc đẩy việc bảo tồn và việc làm.
Nó cũng khuyến khích nhiều thanh niên ở lại và bắt tay vào công việc đồng áng hơn là quay lại thành phố.
Matthana, 41 tuổi, một lãnh đạo cộng đồng thanh niên cho biết: “Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, nhiều người trẻ tuổi ở thành phố bị mất việc làm hoặc sợ ở lại, họ chuyển về làng và bắt đầu làm nông nghiệp.
"Nó cho thấy đây có thể là một lựa chọn khả thi", cô khẳng định.
Trong rừng
Theo số liệu của chính phủ, khoảng 20.000 ngôi làng và cộng đồng ở Thái Lan nằm một phần hoặc toàn bộ trong các khu vực rừng.
Các khu rừng cộng đồng của quốc gia - nơi người dân địa phương đưa ra các quyết định về quản lý và sử dụng đất chung - mang lại lợi ích cho khoảng 3 triệu người, các nhà chức trách cho biết.
Dự luật Rừng cộng đồng năm 2007 đã làm dấy lên hy vọng trao quyền cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, nhưng các cơ quan chức năng lại chậm cấp giấy chứng nhận, theo các nhóm quyền về đất đai.
Dự luật Lâm nghiệp Cộng đồng được đưa ra vào năm 2019 nhằm mục đích mang lại cho dân làng nhiều tiếng nói hơn trong việc quản lý tài nguyên, nhưng lại hạn chế các quyền này trong một thời gian cố định và không trao quyền sở hữu.
Các nhà chức trách đã cam kết giải quyết xung đột và cấp thêm đất cộng đồng cũng như các quyền sử dụng đất lâm nghiệp nếu khả thi.
Tiếng nói chung
Quyền đối với đất rừng đang gây tranh cãi trên toàn thế giới, với các cộng đồng bản địa và địa phương từ Brazil đến Ấn Độ đấu tranh với các quan chức chính phủ và các nhà bảo tồn theo đường lối cứng rắn.
Khoảng 2 tỷ người bản địa và nông thôn sống trong các khu bảo tồn trên toàn thế giới, theo Viện Quyền và Tài nguyên (RRI), một nhóm vận động có trụ sở tại Washington DC.
Nhưng trong khi các cộng đồng bản địa và địa phương sở hữu hơn một nửa diện tích đất theo quyền tập quán, họ chỉ có các quyền hợp pháp với khoảng 10% diện tích, RRI ước tính .
Lệnh cải tạo rừng của Thái Lan vào năm 2014 nhằm chấm dứt các vụ xâm lấn và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Chính phủ cũng cam kết sẽ tăng độ che phủ rừng từ khoảng 33% lên 40% tổng diện tích đất.
Mục tiêu đó đe dọa hàng trăm nghìn người sống trong hoặc gần các khu rừng, với hàng nghìn người bị bỏ tù mỗi năm vì xâm phạm.
Trong bối cảnh đó, cư dân của Mae Tha đã tìm kiếm sự giúp đỡ của các học giả và kiến trúc sư để lập kế hoạch sử dụng đất nhằm bảo vệ cả tài nguyên thiên nhiên và sinh kế.
Họ lập bản đồ việc sử dụng đất hiện tại và chứng minh trong tương lai, kiểm đếm lượng nước tiêu thụ và rủi ro thiên tai, cũng như thành lập các ủy ban để giám sát việc bảo tồn và ghi lại dữ liệu.
Supawut Boonmahathanakorn, một kiến trúc sư đã giúp soạn thảo kế hoạch cho biết: “Quá trình có sự tham gia cho phép các quan chức chính phủ và cộng đồng địa phương tìm thấy tiếng nói chung bằng dữ liệu và thống nhất về các mục tiêu.
Cafe hữu cơ
Rừng ở Thái Lan từ lâu đã trở thành địa điểm tranh chấp giữa chính phủ, các tập đoàn, người dân bản địa và nông dân.
Cộng đồng Mae Tha cho biết tổ tiên của họ đã định cư ở khu vực này hơn 300 năm trước, kiếm tre, nứa, nấm và chặt cây để xây nhà.
Nhiều thập kỷ khai thác gỗ của chính quyền đã dẫn đến nạn phá rừng, và cư dân Mae Tha đôi khi bị bắt vì xâm phạm.
Kể từ khi được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, người dân ghi lại việc sử dụng tài nguyên rừng bao gồm cả gỗ - được cho phép trong một khu vực được chỉ định - và khu vực này hiện đang xanh tốt.
Hợp tác xã Nông nghiệp Mae Tha khuyến khích canh tác hữu cơ rau, trái cây, ngô và thảo mộc. Các quỹ của chính phủ hỗ trợ hệ thống tưới tiêu tốt hơn và một kho chứa sản phẩm của họ.
Sawad Subajan, 67 tuổi, trong ủy ban lãnh đạo thôn, cho biết: “Danh hiệu đã giúp chúng tôi tự tin sử dụng đất theo cách hiệu quả hơn và cho chúng tôi quyền đưa ra quyết định giải quyết các vấn đề và quyết định điều gì là tốt nhất cho chúng tôi”.
“Chúng tôi đã chứng minh rằng có thể bảo tồn rừng đồng thời đảm bảo sự phát triển cho cộng đồng - song hành cùng nhau", ông khẳng định.
Một nhóm gồm hơn 20 cư dân trẻ đang thúc đẩy 100% nông nghiệp hữu cơ và thiết lập giao hàng tận nhà cho sản phẩm của họ trong đại dịch.
Mối quan hệ với một mạng lưới bán lẻ lớn đã đảm bảo nhu cầu cho các sản phẩm hữu cơ của họ và quán cà phê hữu cơ mới của họ đang phát triển mạnh.
“Những người trẻ tuổi có ý tưởng để thúc đẩy Mae Tha - họ cảm thấy có nhiều quyền sở hữu hơn và có nhiều vai trò hơn trong cộng đồng”, Matthana nói khi đi ngang qua quán cà phê sang trọng và nhộn nhịp.
“Tôi hy vọng họ sẽ quay lại - chúng tôi có đủ đất, nước và lương thực cho mọi người nếu chúng tôi làm điều này một cách bền vững”, Matthana lạc quan.