Vụ việc bé gái 2 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư ở Hà Nội thoát chết hy hữu đang được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu xảy ra sự cố với trẻ nhỏ ở chung cư cao tầng.
Dưới đây là những biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, tránh hậu hoạ khôn lường do các chuyên gia đã gợi ý.
1. Thiết kế ban công và lan can đảm bảo an toàn cho trẻ
Hãy lưu ý các số đo khi thiết kế ban công: đó là chiều cao của ban công và các khoảng trống giữa các lan can.
Các chuyên gia, bao gồm cả kiến trúc sư, kỹ sư và thậm chí cả bác sĩ nhi khoa, đề xuất rằng ban công nên cao ít nhất một mét trở lên, để đảm bảo rằng ban công sẽ khó trèo qua.
Khoảng cách giữa các lan can không được quá 4 inch (khoảng 10cm). Bằng cách này, ngay cả đứa trẻ nhỏ nhất cũng sẽ không thể chui qua lan can. Nếu bạn thấy các lan can trong căn hộ của bạn cách quá xa nhau, hãy lắp đặt các tấm lưới an toàn.
2. Lắp đặt lưới an toàn trên cửa sổ và ban công
Hãy cân nhắc việc lắp đặt lưới an toàn trên cửa sổ và ban công như một biện pháp an toàn bổ sung.
Nếu chủ nhà hoặc người quản lý tòa nhà của bạn không cho phép điều này, hãy đảm bảo rằng cửa ban công và cửa sổ của bạn được khóa mỗi khi bạn ra ngoài và con em bạn được trông nom cẩn thận.
3. Để ghế, bàn và đồ đạc khác xa lan can ban công
Trẻ em có bản tính tò mò, và có xu hướng trèo lên đồ đạc xung quanh nhà. Để tránh tai nạn, hãy giữ cho ban công của bạn không có bàn ghế và chỉ mang ra một số ghế khi bạn định tiếp đãi khách (người lớn) ở đó.
Tương tự đối với các cửa sổ; bạn nên tránh đặt các đồ đạc, bàn ghế gần với chúng.
4. Khóa ban công khi bạn ra ngoài
Khi bạn vắng nhà, hãy chắc chắn rằng cửa ban công và cửa sổ đã được khóa lại. Bạn thậm chí nên lắp hai loại khoá khác nhau trên cửa để đảm bảo an toàn tuyệt đối!
5. Giáo dục con về những nơi nguy hiểm và quy tắc an toàn
Hãy dạy con bạn về sự an toàn và đặt ra các quy tắc đơn giản nhưng nghiêm ngặt. Ví dụ: Đừng đi ra ban công mà không có người lớn. Đừng trèo lên lan can. Không trèo lên đồ đạc gần cửa sổ.
Bằng cách tạo lập những thói quen này, trẻ em trở nên có trách nhiệm với sự an toàn của bản thân và học cách đề phòng những nơi nguy hiểm.
6. Nhắc nhở bảo mẫu, người giúp việc về sự an toàn
Bảo mẫu hoặc người chăm sóc có thể được coi là cha mẹ thứ hai của con bạn. Do đó, bạn nên nói chuyện với họ thật nghiêm túc để nhắc nhở họ luôn trông chừng con bạn, đặc biệt là khi bạn vắng mặt.
7. Đừng bao giờ để con bạn một mình
Chỉ cần vài giây là có thể xảy ra tai nạn, vì vậy đừng bao giờ để con bạn một mình.
Nếu bạn phải ra ngoài, bạn phải đảm bảo có một người lớn có trách nhiệm có thể trông chừng trẻ khi bạn ra ngoài.
Hy vọng với những mẹo nhỏ này, gia đình bạn sẽ tránh được vụ việc tương tự như việc bé gái 2 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư xuống.