| Hotline: 0983.970.780

Miền núi ngập, chia cắt vì thủy điện

Thứ Sáu 20/09/2013 , 10:14 (GMT+7)

Tại huyện miền núi A Lưới, từ đêm 18/9 đến sáng ngày 19/9, nhiều xã của địa phương này vẫn nằm trong tình trạng chia cắt, ngập lụt nhiều nơi.

* Ngập lớn chưa từng thấy; vỡ đê huyện Phú Vang

Trong khi ở miền xuôi của tỉnh TT-Huế, mưa đã tạnh, có nắng ráo thì tại huyện miền núi A Lưới, từ đêm 18/9 đến sáng ngày 19/9, nhiều xã của địa phương này vẫn nằm trong tình trạng chia cắt, ngập lụt nhiều nơi.

Nguyên nhân là do mưa lớn liên tục từ đêm trước, nước tràn ra từ hồ chứa của thủy điện A Lưới, nhấn chìm nhiều thôn bản. Ngay trong đêm, chính quyền huyện A Lưới phải tiến hành di tản người dân đến nơi an toàn. Sáng 19/9, nước vẫn chưa rút hết, nhiều thôn bản còn bị chia cắt.

Việc nước dâng cao bất thường, không chỉ chia cắt nhiều vùng trên địa bàn huyện A Lưới mà còn làm hơn 100 ha lúa hè thu chưa kịp thu hoạch cùng hàng chục ha hoa màu chìm trong nước lũ.

Ông Nguyễn Quốc Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Do nước tràn từ hồ chứa thủy điện ra nên lên khá nhanh, từ 0 giờ đêm 18/9 đến sáng chúng tôi đã tiến hành di dời hàng chục hộ dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Đây là những hộ dân không thuộc tái định cư của thủy điện A Lưới.


Di dời dân khỏi vùng sạt lở và ngập úng tại xã Hồng Quảng

Khi xây dựng nhà máy thủy điện, chủ đầu tư đã tiến hành đền bù và tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng, nằm trong lòng hồ. Nhưng khi xây dựng hồ chứa, họ không tính chính xác cao trình nên khi mưa lớn, nước tràn từ hồ chứa ra gây ngập lụt vùng ven. Tình trạng này đã xảy ra một lần vào tháng 6/2012, khi thủy điện A Lưới bắt đầu tiến hành tích nước để phát điện cũng làm hàng trăm nhà dân bị ngập”.

Đặc biệt, tại xã Hồng Thái, huyện A Lưới, chính quyền huyện và xã phải di dời khẩn cấp nhiều hộ dân do mưa lớn đã biến địa phương này thành ốc đảo từ chiều tối 18/9. Công tác di dời gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, sạt lở nhiều nơi.

Việc ngập lụt bất thường khiến hơn 100 ha lúa hè thu và hàng chục ha hoa màu của người dân chưa kịp thu hoạch bị ngập úng trong nước lũ. “Tui sống ở đây mấy chục năm mà chưa có khi nào ngập lớn như ri. Thủy điện làm bà con khốn khổ lắm, đã mấy năm nay rồi”, một hộ dân Hồng Thái bức xúc.

Trong khi đó, sáng 19/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 8, mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao đã khiến tuyến đê Quy Lai - Tân Mỹ (xã Phú Thanh, huyện Phú Vang) bị vỡ. Theo khảo sát ban đầu, đoạn đê bị vỡ có chiều dài gần 10m, chiều cao 4 đến 5m.

Đây là tuyến đê trọng yếu nối liền từ thôn Quy Lai (xã Phú Thanh) đến thôn Tân Mỹ (thị trấn Thuận An) có chiều dài 2,2km trong đó đoạn đi qua xã Phú Thanh có chiều dài 1,7km.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.