| Hotline: 0983.970.780

Bắc Trung bộ: QL 46B sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị chia cắt hoàn toàn

Thứ Sáu 30/10/2020 , 12:25 (GMT+7)

Gần 1 ngày xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, việc xử lý tại khu vực núi Nguộc (rú Nguộc), thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An) vẫn chưa thể khắc phục xong.

Hồ Kẻ Gỗ tăng lưu lượng xả vào sáng 31/10

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, do lượng mưa đổ về hồ Kẻ Gỗ rất lớn nên từ 6h sáng mai (31/10), đơn vị sẽ vận hành tăng lưu lượng xả lũ lên từ 100 - 300m3/s.

Theo ông Tâm, hiện tại khu vực hồ Kẻ Gỗ trời đang mưa xối xả. Lượng mưa đo tại hồ từ 7h sáng 29/10 đến 19h ngày 30/10 lên đến 438mm.

Nghệ An: Chưa thể khắc phục xong sạt lở tại núi Nguộc

Sạt lở Rú Nguộc chưa được xử lý triệt để, QL 46B vẫn bị chia cắt. Ảnh: Điền Bắc.

Sạt lở Rú Nguộc chưa được xử lý triệt để, QL 46B vẫn bị chia cắt. Ảnh: Điền Bắc.

Ghi nhận của PV Nông nghiệp Việt Nam, đến 15h45 ngày 30/10, tức qua gần 1 ngày xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, việc xử lý tại khu vực núi Nguộc (rú Nguộc), thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An) vẫn chưa thể khắc phục xong.

Trước đó, do ảnh hưởng của mưa bão, Rú Nguộc, tại km39+500 của tuyến QL46B xuất hiện sạt lở nghiêm trọng phần taluy dương. Hậu quả, hàng trăm khối đất đá đổ ập xuống Quốc lộ khiến giao thông tuyến bị chia cắt hoàn toàn.

Mặc dù lực lượng chức năng của Cục Quản lý đường bộ II (Tổng Cục Đường bộ), chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã lên phương án khắc phục, tuy nhiên do khối lượng đất đá quá lớn, cộng với điều kiện thời tiết không thuận lợi khiến tình hình chuyển biến rất chậm.

Quảng Trị: Thủy điện cho tỉnh mượn đường để cứu trợ cho dân

Sạt lở trên tuyến đường vào xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Công Điền.

Sạt lở trên tuyến đường vào xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Công Điền.

UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết, Công ty thủy điện Quảng Trị đã đồng ý cho phép xe con, xe bán tải, xe tải nhỏ dưới 3,5 tấn chở hàng cứu trợ đi qua đập dâng chứa nước công trình thủy lợi – thủy điện Rào Quán để vào xã Hướng Linh cứu trợ và phục vụ dân sinh.

Trước đó, sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường vào trung tâm xã Hướng Linh khiến địa phương này bị cô lập nhiều ngày. Đến nay, nhiều điểm sạt lở trên tuyến đường này vẫn chưa khắc phục xong.

Theo UBND huyện Hướng Hóa, ngoài xã Hướng Linh đang bị cô lập do sạt lở, hiện nay các xã Hướng Sơn, Hướng Việt và Hướng Lập vẫn đang bị cô lập vì sạt lở đất. Muốn đến các xã này chỉ có thể di chuyển bằng xe máy hoặc đi bộ băng qua các điểm sạt lở.

Xe cứu trợ được phép đi qua đập dâng hồ chứa Rào Quán. Ảnh: Công Điền.

Xe cứu trợ được phép đi qua đập dâng hồ chứa Rào Quán. Ảnh: Công Điền.

Ngoài ra, hàng ngàn học sinh thuộc các xã Hướng Sơn, Hướng Việt và Hướng Lập vẫn chưa thể đến trường.

Hiện nay, các đơn vị chức năng năng đang nỗ lực huy động mọi phương tiện máy móc, nhân lực để sớm thông tuyến

Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh: Ban hành 7 lệnh sơ tán dân khẩn cấp

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, đặc biệt là nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, huyện Cẩm Xuyên đã ban hành 7 lệnh sơ tán dân khẩn cấp, với tổng số hộ phải sơ tán 1.462 hộ/4.386 người.

Trong đó, 70 hộ/212 người dân xã Cẩm Quang; 2 hộ/4 người dân thị trấn Cẩm Xuyên; 180 hộ dân/540 người ở xã Cẩm Vịnh; 180 hộ/540 người ở xã Cẩm Thạch; 450 hộ/1.350 người dân xã Cẩm Duệ; 65 hộ/195 người ở xã Cẩm Bình; 200 hộ/600 người ở xã Cẩm Mỹ và 315 hộ/945 người dân xã Cẩm Thành.

Việc sơ tán dân dự kiến hoàn thành trước 15h chiều nay (30/10).

Theo phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Hà Tĩnh, một số thôn ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên  sáng nay đã xuất hiện lũ quét. Rất may không có thiệt hại về người.

Sáng 30/10, một trận lũ quét đã xảy ra tại xã Cẩm Mỹ, rất may không gây thiệt hại về người. Ảnh: Đ.Sơn.

Sáng 30/10, một trận lũ quét đã xảy ra tại xã Cẩm Mỹ, rất may không gây thiệt hại về người. Ảnh: Đ.Sơn.

Trưa 30/10, ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thông tin với Báo Nông nghiệp Việt Nam, do mưa lớn sáng nay trên địa bàn thôn 4, 5 của xã Cẩm Mỹ xảy ra một trận lũ quét. Nước lũ lên nhanh gây ngập lụt cục bộ một số hộ trong xã. Rất may không có thiệt hại về người và tài sản.

Cùng thời điểm, tại thôn 3 xã Cẩm Quang cũng xảy ra một vụ sạt lở đất. Hơn 200m3 đất đồi đổ sập xuống ngay vườn nhà dân. Hiện chính quyền đã đến kiểm tra, di dời hộ dân gần khu vực sạt lở đến nơi an toàn.

Hiện khu vực đồi núi của huyện Cẩm Xuyên nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Ảnh: Gia Hưng.

Hiện khu vực đồi núi của huyện Cẩm Xuyên nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Ảnh: Gia Hưng.

Đối với ngập lụt, ông Hà nhận định, lũ đợt này tại Cẩm Xuyên khả năng sẽ không lớn như đợt trước. Tuy nhiên lo ngại nhất hiện nay là lũ quét và sạt lở đất ở Cẩm Mỹ, Cẩm Quang, Cẩm Hưng và Cẩm Thịnh, vì những khu vực này chủ yếu đất đồi núi cao.

Đặc biệt, công tác vệ sinh môi trường đợt lũ trước chưa xử lý xong thì nay lại bị nước lũ đẩy lên trở lại. Nguy cơ dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm sau lũ rất cao.    

Được biết, hiện có khoảng 10 thôn ở xã Cẩm Vịnh, Cẩm Duệ, Cẩm Thành đã bị ngập lụt cục bộ, việc di chuyển của người dân gặp nhiều khó khăn.

Sáng nay ông Đặng Ngọc Sơn (thứ 3 từ trái sang), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác vận hành hồ chứa nước Ngàn Trươi. Ảnh: Gia Hưng. 

Sáng nay ông Đặng Ngọc Sơn (thứ 3 từ trái sang), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác vận hành hồ chứa nước Ngàn Trươi. Ảnh: Gia Hưng

Sáng cùng ngày, tại huyện miền núi Vũ Quang, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đi kiểm tra, chỉ đạo Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4 điều tiết, vận hành xả lũ hồ Ngàn Trươi đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho hay, đến trưa nay (30/10) mưa trên địa bàn bắt đầu giảm. Có khoảng 20 hộ ở xã Nam Điền, Tân Lâm Hương, Thạch Xuân nước lũ bắt đầu vào nhà; một số tuyến đường ngập cục bộ từ 50 - 60cm.

Xuất hiện lốc xoáy tại Hà Tĩnh

Một cơn lốc xoáy quét qua thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vào sáng 30/10 cũng đã làm 29 ngôi nhà của người dân bị tốc mái; trong đó nhiều gia đình thiệt hại nặng nề.

Lực lượng chức năng hỗ trợ lợp lại mái nhà cho người dân.

Lực lượng chức năng hỗ trợ lợp lại mái nhà cho người dân.

Lực lượng Đồn Biên phòng Cửa Sót (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) đã điều động 25 cán bộ chiến sỹ phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn xuống giúp các hộ bị thiệt hại để vận chuyển, sắp xếp đồ đạc và lợp lại nhà cho bà con.

Nhiều huyện miền núi tại Nghệ An đang đối diện với nỗi lo sạt lở đất đá.

Nhiều huyện miền núi tại Nghệ An đang đối diện với nỗi lo sạt lở đất đá.

Nghệ An:

Dự án đập Bara Đô Lương gặp sự cố

14h20: Hiện nhiều vùng thuộc huyện Yên Thành đang bị nước lũ bủa vây, một phần nguyên nhân liên quan đến sự cố thủy lợi. Theo ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện, hiện có 2 điểm trên hệ thống kênh chính thuộc Dự án đập Bara Đô Lương chảy qua địa phận xã Lý Thành và khu vực thị trấn bị sạt lở, hư hỏng.

Một phần nguyên nhân dẫn đến ngập úng tại huyện Yên Thanh bắt nguồn từ sự cố sạt lở tại hệ thống kênh chính của đập Bara Đô Lương. Ảnh: Thanh Tâm.

Một phần nguyên nhân dẫn đến ngập úng tại huyện Yên Thanh bắt nguồn từ sự cố sạt lở tại hệ thống kênh chính của đập Bara Đô Lương. Ảnh: Thanh Tâm.

2 người ở huyện Thanh Chương mất tích

13h25 ngày 30/10, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, xác nhận: "Huyện đã triển khai sơ tán 879 hộ dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Qua ghi nhận, trên địa bàn có 2 người dân tại xã Thanh An bị mất tích do mưa bão".

Diễn biến thời tiết bất lợi, mưa lớn liên hồi đang đẩy người dân Nghệ An vào tình cảnh khốn đốn, một trong những vấn đề lo ngại nhất lúc này là nguy cơ sạt lở đất có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, đặc biệt là những huyện khu vực miền núi.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung dẫn đầu (giữa) kiểm tra tình hình thực tế tại huyện Thanh Chương.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung dẫn đầu (giữa) kiểm tra tình hình thực tế tại huyện Thanh Chương.

Lường trước khả năng này, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã phát thông báo các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn, Thanh Chương, Quế Phong, Tân Kỳ, Quỳ Hợp… phải nêu cao cảnh giác, chủ động phương án ứng phó kịp thời.

Việc di dời các hộ đến nơi an toàn cần phải tiến hành khẩn trương.

Việc di dời các hộ đến nơi an toàn cần phải tiến hành khẩn trương.

Liên quan đến nội dung trên, phía huyện Kỳ Sơn đã tiến hành di dời 255 hộ dân nằm trong diện bị sạt lở và nguy cơ sạt lở cao thuộc các xã Lưu Kiền, Mường Típ, Mường Ải, Bảo Nam… đến nơi trú ẩn an toàn.

Trong khi đó, tại huyện Anh Sơn qua ghi nhận có 46 hộ ở các xã Vĩnh Sơn, Hội Sơn, Đỉnh Sơn; hay bản Vều 1, 2, 3 của Phúc Sơn cũng trong diện di dời khẩn cấp.

Tại Quảng Trị. Trưa ngày 30/10, thông tin từ ông Nguyễn Hữu Trường, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh  Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ và hoàn lưu bão số 9 đã gây ra tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng.

Sạt lở đê biển tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Sạt lở đê biển tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Xã Vĩnh Thái có chiều dài bờ biển 14,5km thì đều xảy ra sạt lở, trong đó nghiêm trọng nhất là đoạn từ thôn Mạch Nước đến Đông Luật với chiều 11km.

Sạt lở bờ biển đã khiến nhiều công trình xây dựng và nhiều nhà dân ở xã Vĩnh Thái bị sập đổ, hư hỏng. Thống kê cho thấy, tuyến kè ven biển xã Vĩnh Thái bị sạt lở với chiều khoảng 2km, sâu khoảng 2 đến 4 m, có điểm 20m.

Các điểm đường lên xuống đi biển bị phá hủy hoàn toàn không thể đưa thuyền ra biển bằng thủ công mà phải cần cẩu để di chuyển tàu thuyền nếu muốn đi biển.

Ngoài ra khoảng 0,7ha rừng phòng hộ ven biển cũng bị sóng biển cuốn trôi. Theo lãnh đạo xã Vĩnh Thái, nhiều năm nay trên địa bàn vẫn xảy ra sạt lở bờ biển nhưng năm nay là nghiêm trọng nhất trong 15 năm trở lại đây.

Chúng tôi sẽ cập nhật liên tục về tình hình mưa lũ tại Bắc Trung bộ.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.