| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 03/07/2024 , 13:36 (GMT+7)
Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung

Nhà báo 13:36 - 03/07/2024

Miếng giữa làng!

Cổ nhân răn dạy: 'Một miếng giữa làng'. Khoa học khẳng định: Bệnh từ miệng mà vào. An toàn vệ sinh thực phẩm không bao giờ là câu chuyện cũ!

Cổ nhân răn dạy: Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp. Trong thời đại ngày nay, "miếng giữa làng" không bó hẹp ở ý nghĩa biểu trưng cho cái danh của một cá nhân. Nó là câu chuyện liên quan đến pháp luật và sinh mạng của rất nhiều người, mà gọi tên “thời sự”, đó là vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Tôi có một người bạn học đại học hiện đang làm chủ một doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, chủ yếu là gạo, mì, miến… - lương thực thiết yếu, đồ khô - cho một đơn vị trúng thầu (Việt Nam) cung cấp suất ăn cho nhiều công ty lớn (nước ngoài) đang hoạt động.

Để ký kết được hợp đồng với đối tác, ngoài vấn đề quan trọng (giá cả cạnh tranh), yếu tố cốt yếu khác, đó là chất lượng thực phẩm (gạo) phải đảm bảo các yêu cầu rất nghiêm ngặt.

Không những vậy, cứ 3 tháng một lần, đoàn thanh tra của công ty nước ngoài kia lại xuống tận nhà máy để kiểm tra vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của nơi cung ứng hàng hóa mà họ bỏ tiền ra mua, còn đơn vị trung gian cung cấp suất ăn cho công nhân của họ cũng chỉ là một mắt xích trung gian.

Những cuộc kiểm tra này không bao giờ báo trước, và thường đột xuất, “bất thình lình”. Nếu cơ sở sản xuất không đảm bảo vấn đề vệ sinh theo yêu cầu, họ sẽ ngừng tiếp nhận hàng hóa mà chuyển sang một đơn vị khác.

"Tổ thanh tra đó chỉ vài ba người. Thứ mà họ để ý, không phải là dây chuyền sản xuất, sản phẩm đầu vào… như thế nào. Người ta kiểm tra xem trong nhà máy của ông có mạng nhện chăng ở mái nhà; góc tường có chuột, gián… hay không. Khi kiểm tra, họ rất độc lập, đến bữa tự ra ngoài ăn chứ không dùng cơm do công ty mời, dù mình chỉ muốn thể hiện thịnh tình chứ không có ý "nhờ vả" gì cả”, câu chuyện của bạn tôi.

Điều đó có nghĩa là, những ông chủ (nước ngoài) sử dụng lao động (người Việt), họ rất nguyên tắc và tuân thủ theo những nguyên tắc mà họ đề ra. Đó không chỉ là trách nhiệm đảm bảo sức khỏe của người lao động đang làm việc cho họ; nguyên tắc không muốn để xảy ra bất cứ một sự vụ vi phạm pháp luật của nước sở tại, mà đó còn là văn hóa doanh nghiệp - một điều mà chúng ta phải xác nhận, các doanh nghiệp nước ngoài họ ý thức từ rất lâu.

Tôi cũng từng tiếp xúc với một doanh nghiệp (quy mô be bé chứ chưa thể gọi là nhỏ) cung ứng lao động cho các khu công nghiệp. Chủ của “doanh nghiệp” này vốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; về nước, có vốn liếng ngoại ngữ học được trong thời gian xa xứ và kinh nghiệm làm việc trong các công ty nước ngoài, đã chớp cơ hội làm ăn bằng việc môi giới lao động. Tiếp đó, bằng mối quan hệ tạo dựng với bộ phận tuyển dụng nhân sự (người Việt) trong các công ty nước ngoài, tranh tối tranh sáng để nhận được phần việc cung ứng suất ăn cho người lao động.

“Ở một khu công nghiệp có hàng vạn công nhân, anh chỉ cần một “hợp đồng” cung cấp… trà đá thôi anh cũng kiếm đủ”, anh này tiết lộ.

Tôi nhận thấy qua hai câu chuyện trên, sự khác biệt đó là mục đích cuối cùng của những người làm nghề cung ứng. Cái “tâm” của họ sẽ quyết định đường đi của họ, đó là làm ăn chộp giật hay là đi đường dài!

Theo Bộ Y tế, trung bình trong 5 năm gần đây mỗi năm ghi nhận khoảng 100 vụ ngộ độc, 23 trường hợp tử vong.

5 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm. Số vụ ngộ độc giảm so với cùng kỳ năm 2023 (5 tháng đầu năm 2023 xảy ra 40 vụ ngộ độc) nhưng số mắc tăng hơn 1.000 người. Trong đó, có 3 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất làm 518 người mắc, tăng 457 trường hợp so với cùng kỳ 2023.

Điều này cho thấy có những vụ ngộ độc số mắc quy mô lớn, hàng trăm người mắc và nhập viện.

Ngay lập tức, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm đã phát công văn về việc tăng cường kiểm soát và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm; yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật trong nước và nhập khẩu, xử lý nghiêm nếu có vi phạm quy định của pháp luật về An toàn thực phẩm.

Cổ nhân răn dạy: “Một miếng giữa làng”. Khoa học khẳng định: Bệnh từ miệng mà vào. An toàn vệ sinh thực phẩm không bao giờ là câu chuyện cũ!