| Hotline: 0983.970.780

Mô hình biogas vườn ao chuồng

Thứ Tư 10/07/2019 , 08:53 (GMT+7)

Tiền Giang là một trong những tỉnh đứng đầu ĐBSCL về phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, đàn heo luôn dao động ở mức trên 600.000 con. Vì vậy, xử lý chất thải chăn nuôi là vấn đề được tỉnh rất quan tâm.

13-22-53_mo_hinh_su_dung_nuoc_thi_su_biogs_cu_ong_nguyen_quoc_bo
Mô hình quản lý chất thải sau biogas giúp ông Nguyễn Quốc Bảo tiết kiệm phần lớn chi phí phân bón và tăng thêm thu nhập.

Những năm qua, mô hình quản lý sử dụng nước thải sau biogas trên cây trồng đã giúp mang lại hiệu quả cao, giải quyết vấn đề nan giải về ô nhiễm môi trường. Hiện nhiều hộ chăn nuôi đã sử dụng nước thải sau hầm khí sinh học (KSH) để tưới cho cỏ tái phục vụ chăn nuôi và nhiều loại cây ăn trái như mít, xoài, nhãn… cho hiệu quả cao.

Ông Lê Quốc Bảo, xã Thanh Hòa (TX Cai Lậy) cho biết, trước đây, trang trại nuôi heo của ông xả chất thải thẳng ra ao sau nhà nên mùi hôi rất nặng, ảnh hưởng đến bà con xung quanh. Gia đình cũng thấy ngại.

Được cán bộ kỹ thuật Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) Tiền Giang hướng dẫn, ông đăng ký xây hầm KSH quy mô 12 m3. Ông được dự án hỗ trợ 3 triệu đồng và được cán bộ dự án tư vấn xây dựng hầm KSH. Sau hầm KSH, ông xây 2 bể lắng, qua 2 bể lắng là ao rộng khoảng 700 m2.

Dưới ao, ông Bảo nuôi cá phi, cá tra, cá tai tượng… cho nguồn thu đáng kể. Bên cạnh đó, ông sử dụng nguồn nước của ao để dẫn tưới cho 0,6 ha sả, bưởi và mít. Ông Bảo cho biết: “Ban đầu, tôi bơm nước từ ao này để tưới cây, không ngờ cây xanh tốt quá, tôi giảm lượng phân vô cơ lại nhưng vườn cây vẫn rất xanh tốt. Sau đó, tôi quyết định cắt toàn bộ lượng phân vô cơ và chỉ tưới nước được lấy từ dưới ao. Tính ra, mỗi tháng tiết kiệm được khoảng 300.000 - 400.000 đồng từ tiền mua phân bón cho cây trồng”.

Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Chúng ta phải coi chất thải chăn nuôi là nguồn tài nguyên để từ đó có biện pháp xử lý, tạo ra giá trị gia tăng trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, khi sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng, nông dân cần chú ý phải sử dụng phân hoai. Nếu sử dụng nước thải sau hầm KSH thì nguồn nước này phải trong bể KSH từ 40 - 45 ngày mới đủ điều kiện tưới. Ngoài ra, tùy từng loại cây trồng khác nhau sẽ có tần suất, nồng độ pha loãng phù hợp, nếu tưới đậm đặc quá cũng có thể làm cháy cây, nhất là cây còn non hoặc đang có lá non”.

LCASP Tiền Giang đã và đang triển khai nhiều mô hình quản lý sử dụng nước thả sau biogas ở các địa phương trong toàn tỉnh, giúp nhiều hộ chăn nuôi tiết kiệm chi phí phân bón, đặc biệt giảm nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên nước cũng như nâng cao hiệu quả, chất lượng chăn nuôi, thân thiện với môi trường.

Kiểm tra tiến độ các gói thầu nghiên cứu

Vừa qua, Bộ NN-PTNT tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát tiên độ thực hiện các gói thầu nghiên cứu thuộc dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP). Đoàn gồm đại diện Vụ KHCN và Môi trường, Vụ Tài chính, Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp và dự án LCASP.

Đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện gói thầu số 42: Thí điểm công nghệ sản xuất phân hữu cơ khoáng chuyên dùng cho cây trồng chủ lực từ chất thải chăn nuôi và phụ phẩm khí sinh học ở Việt Nam do nhà thầu Công ty cổ phần Nicotex thực hiện tại xã Tường Đa, huyện Châu Thành, Bến Tre. Gói thầu đang thí điểm các phân bón khoáng nghiên cứu từ dự án LCASP trên cây bưởi da xanh.

Đối với gói thầu số 29: Nghiên cứu xử lý chất thải nuôi tôm, Đoàn đã kiểm tra địa điểm thí nghiệm “Nghiên cứu công nghệ giảm chất thải bằng việc sử dụng chế phẩm sinh học để phát triển nhóm tảo làm thức ăn cho tôm chân trắng” tại ấp 2, xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre và “Nghiên cứu công nghệ giảm chất thải bằng việc tạo nhóm vi khuẩn xử lý chất vô cơ và hữu cơ gốc ni tơ thành protein và gom các chất lơ lửng trong nước thành viên làm thức ăn cho tôm chân trắng” tại Công ty TNHH Vĩnh Thuận, tỉnh Sóc Trăng.

Đoàn đã ghi nhận một số kết quả khả quan về kết quả nghiên cứu và kỳ vọng sẽ có tiềm năng nhân rộng cao. Một số doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nuôi tôm tại các địa phương khác cũng đã tham gia cùng đoàn để học tập kinh nghiệm.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.