Áp dụng công nghệ 4.0
Tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) nơi triển khai thí điểm mô hình, hệ thống quản lý nước ngập khô xen kẽ đang được áp dụng công nghệ điện toán đám mây, nông dân ở bất cứ đâu cũng có thể bơm nước hoặc rút nước ra khỏi ruộng bằng điện thoại. Đặc biệt nhất là máy sạ lúa vừa bón phân cùng lúc và sử dụng phun thuốc BVTV thông minh bằng máy bay không người lái trong cả vụ lúa...
Kết quả thu được nông dân giảm 50% phân bón, giảm 75% công bón phân, giảm 50% lượng rác thải khí nhà kính, tăng năng suất 30%. Từ đó thu nhập của bà con tăng lên ít nhất 20%.
Mô hình canh tác lý tưởng đã ứng dụng được các thông tin và máy móc hiện đại phục vụ cho quá trình quản trị sản xuất cây lúa từ nước, phân bón, từ chỉ dẫn môi trường, từ độ pH để đưa ra những hành động phù hợp với sự sinh trưởng, đảm bảo năng suất tối đa. Từ đó đảm bảo được chuỗi khép kín từ khâu tổ chức sản xuất, chế biến, gắn đến xây dựng thương hiệu, mẫu mã để ra sản phẩm.
Đã 4 năm triển khai mô hình này tại vùng đất Sen Hồng, trong vụ lúa Hè Thu (HT) năm 2020, tiếp tục tại xã Mỹ Đông, Cty CP Rynan Smart Fertilizers phối hợp với Cty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice, thuộc Tập đoàn Vinaseed), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười và HTX nông nghiệp Mỹ Đông 2 tổ chức xuống giống mô hình canh tác lúa lý tưởng. Đến nay cánh đồng lúa được gần 10 ngày tuổi, lúa phát triển xanh tốt. đồng đều.
Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, cho biết: Vụ lúa HT năm nay thực hiện mô hình là 22,5ha tại ấp 4, với 10 hộ dân tham gia sản xuất giống Hương Châu 6 của Cty TNHH Lúa gạo Việt Nam.
Các hộ dân sẽ thực hiện canh tác lúa theo 4 phương thức khác nhau để đối chứng gồm: Sử dụng phân bón thông minh và máy sạ hàng của Cty Rynan với lượng giống 60kg/ha. Sử dụng phân bón thông minh và máy sạ hàng của Cty Rynan với lượng giống 80kg/ha. Sử dụng phân bón thông minh và thiết bị sạ hàng thông thường. Sử dụng sạ hàng thông thường và phân bón thông thường theo truyền thống…
Khi thực hiện mô hình, nông dân sẽ được Cty Rynan hỗ trợ 50% chi phí sạ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ 50% chi phí giống và phân bón, những diện tích thực hiện mô hình cũng được Cty TNHH Lúa gạo Việt Nam bao tiêu theo giá thị trường cộng thêm 300 đồng/kg.
Điểm mới của mô hình canh tác lúa lý tưởng vụ HT 2020 là không sử dụng máy cấy mà sử dụng máy sạ có 2 chức năng như cùng một lúc là sạ lúa và bón phân vùi nên tiết kiệm được chi phí về công lao động làm mạ và bón phân.
Máy cũng có chức năng điều chỉnh lượng giống theo ý muốn của nông dân kết hợp bón phân thông minh, bón 1 lần cho cả vụ, sẽ giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí về giống, phân bón, giảm nhân công và giảm khí nhà kính. Đồng thời giúp nông dân tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo ông Tuấn, để mô hình phát triển rộng trong tương lai trước mắt UBND tỉnh Đồng Tháp đã chọn xã Mỹ Đông quy hoạch đầu tư mô hình canh tác lúa lý tưởng lên 170ha, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng và các thiết bị sản xuất nông nghiệp hiện đại. Từ cơ sở đó, thành công sẽ nhân rộng ra cả tỉnh áp dụng nói chung và ĐBSCL nói riêng.
Giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Một trong những nông dân tham gia mô hình cánh đồng lý tưởng, ông Nguyễn Văn Đồng, ở ấp 4, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, cho biết: “Nhiều năm qua sản xuất lúa theo cách truyền thống, tức là sạ lúa bằng máy sạ hàng kéo tay mất 2-3 giờ mới xong 4-5 công đất.
Khi áp dụng mô hình này được DN và nhà nước hỗ trợ lúc xuống giống là thực hiện một công hai việc tức là áp dụng máy hiện đại vừa sạ vừa bón phân thông minh.
Như vậy giúp nông dân giảm chi phí phân và thuốc BVTV, công lao động mà còn được bảo vệ môi trường và sức khỏe cho bản thân, nhưng lúa vẫn phát triển xanh tốt. Cuối vụ được Cty Lúa gạo Việt Nam bao tiêu đầu ra với giá cao hơn so với giá thị trường khoảng 300 đồng/kg, nên nông dân chúng tôi hứng khởi đồng tình tham gia mạnh vào mô hình này”.
Ông Bùi Văn Sơn, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Tháp Mười cho biết: Mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh áp dụng đồng bộ nhiều khâu trong một máy cơ giới gồm: cấy lúa, bón phân vùi theo gốc lúa, kết hợp phun xịt thuốc diệt cỏ dại tiền nảy mầm, diệt ốc với thời gian nhanh gọn, dễ dàng áp dụng biện pháp quản lý dịch tổng hợp IPM.
Đồng thời, phân bón chậm tan được vùi trong đất nên được đất giữ lại, giảm lượng phân bón bốc hơi, rửa trôi, phân được vùi nên giúp bộ rễ ăn sâu.
Do đó, nếu sử dụng mô hình vào cấy lúa sẽ khiến lúa phục hồi nhanh, phát triển tốt, mọc chồi hơn 24 tép/bụi, lúa cứng cây, không đổ ngã khi gặp gió mưa. Hơn nữa, lúa sau khi thu hoạch rất đồng đều nên khi bán có giá cao hơn ruộng lúa thường. Ngoài ra giúp giảm thất thoát, chi phí thu hoạch.
Cùng với đó, thực hiện mô hình còn giúp nông dân giảm chi phí vật tư đầu vào, nhân công lao động, lượng giống còn 60kg/ha, số lượng phân bón 300kg/ha, giảm số lần phun thuốc BVTV trước 40 ngày sau cấy và không sử dụng thuốc trừ bệnh trong 20 ngày trước khi thu hoạch... góp phần bảo vệ thiên địch, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Ông Sơn cho biết thêm: Qua đánh giá cả 3 vụ lúa/năm, giá thành sản xuất 1kg lúa trong mô hình thấp hơn so với ruộng lúa sản xuất bình thường từ 165 - 224 đồng/kg, năng suất tương đương và cao hơn so với lúa sản xuất bình thường, lợi nhuận cao hơn ruộng lúa sản xuất bình thường từ 1,9 -2,1 triệu đồng/ha.
Mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh đã thay đổi tập quán của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chú trọng sản xuất sạch, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết: Lúa gạo là một trong 5 mặt hàng chủ lực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Ba năm qua đã có 166 DN liên kết tiêu thụ lúa gạo cho nông dân trên diện tích hơn 111.000 ha. Việc tham gia liên kết với DN giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và chất lượng hạt gạo cũng được nâng lên.
Bên cạnh đó việc đưa máy cấy vào hoạt động thì chi phí giống giảm xuống còn 60% so với trước, cây lúa cứng cáp hơn, ít đổ ngã hơn và chất lượng cây lúa tốt hơn. Điều này rất có ý nghĩa đối với người sản xuất lúa của Đồng Tháp trong thời gian qua. Với những hiệu quả đã thấy rõ, sau giai đoạn thí điểm, Đồng Tháp dự kiến sẽ tiến hành nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh.
Nhân rộng “Mô hình canh tác lúa lý tưởng” ở Đồng Tháp ra toàn ĐBSCL
Trong chuyến công tác về ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đến tham quan “Mô hình canh tác lý tưởng” tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười – Đồng Tháp.
Bộ trưởng đánh giá cao tính vượt trội của mô hình và khẳng định sẽ nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Tháp và tiến tới cả vùng ĐBSCL.
Trước mắt lúa vẫn là cây chủ lực, nhưng vấn đề là trồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhu cầu bảo vệ môi trường, giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho nông dân... Những điều này gần như mô hình canh tác lúa lý tưởng của Đồng Tháp đáp ứng được.