Thải Giàng Phố là xã vùng cao, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà (Lào Cai) sinh sống, trong đó người Mông chiếm trên 95% dân số. Nơi đây có lễ hội Gầu Tào (lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Mông) từ lâu đã nổi tiếng trong nước và quốc tế, đặc biệt, Thải Giàng Phố có thung lũng hoa nổi tiếng hấp dẫn du khách.
Hiện nay, nghề nông là nghề chính của đồng bào, trong đó trồng cây lương thực ngô, lúa và chăn nuôi gia súc, chủ yếu chăn nuôi trâu, bò. Hiện toàn xã có 431 hộ chăn nuôi gia súc, với tổng số đàn gia súc 1.714 con, trong đó chủ yếu là trâu, bò, ngựa. Bình quân gia súc thải ra khoảng 7 - 10kg phân/con/ngày.
Để xử lý khối lượng chất thải này, trước đây các hộ chăn nuôi thường đào hố trong vườn hoặc ngoài đồng ruộng để chứa. Do các hố chứa chất thải chăn nuôi không có mái che và nắp đậy nên khi mưa to, nước thải tràn ra khiến ô nhiễm môi trường. Công tác vệ sinh môi trường nông thôn, nhất là chất thải trong chăn nuôi còn hạn chế. Không ít hộ gia đình còn để phân gia súc xung quanh nhà không thu gom, quét dọn sạch sẽ, gây mất vệ sinh môi trường.
Trong khi đó, mỗi năm huyện Bắc Hà nói chung và xã Thải Giàng Phố thu hút đông đảo khách du lịch và hầu hết du khách đều đến các bản làng trải nghiệm, khám phá tìm hiểu đời sống, văn hoá dân tộc… Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững..., từ đầu năm 2021, Hội LHPN xã Thải Giàng Phố đã quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách làm của hội viên, phụ nữ và người dân bằng cách thành lập mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ hưởng ứng, tham gia.
Để mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, Hội đã phối hợp với cán bộ khuyến nông đến từng hộ hướng dẫn các hộ chăn nuôi hướng dẫn kỹ thuật, quy trình xử lý chất thải trong chăn nuôi.
Mô hình “Thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi” được triển khai thí điểm tại 3 thôn: Dìn Thàng, Nậm Thố và San Sả Hồ. Theo đó, các hộ chăn nuôi đã chủ động xây hố, thu gom chất thải của trâu, bò rồi xử lý bằng men vi sinh để cho ra phân bón cho cây trồng và bán cho các hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn.
Sau hơn 1 năm hoạt động, nhiều hộ chăn nuôi do phụ nữ làm chủ hộ đã thu gom, xử lý chất thải đúng quy định. Đã có gần 2.000 bao phân được thu gom xử lý thành phân hữu cơ, bán ra với giá gần 40.000 đồng/bao, thu về trên 80 triệu đồng. Mô hình ngày càng thu hút được đông đảo gia đình hội viên phụ nữ tham gia, nhận thức về bảo vệ môi trường của phụ nữ và bà con người Mông được nâng cao rõ rệt. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư do chất thải chăn nuôi đã được cải thiện.
Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả cho các hộ chăn nuôi, tận dụng nguồn phân hữu cơ tại địa phương để tái sử dụng cho trồng trọt, giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, mà đồng thời còn góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.