| Hotline: 0983.970.780

Mô hình trồng hàng chục héc ta cây dược liệu cung ứng cho doanh nghiệp

Thứ Hai 28/12/2020 , 11:59 (GMT+7)

Anh Dương Trung Hiếu đã quyết định nối nghề làm thuốc truyền thống gia đình, bằng việc chuyên canh cây dược liệu để sản xuất thuốc trị bệnh cứu người.

Ngoài trồng cây dược liệu, anh Hiếu còn ươm cây giống bán với số lượng lớn. Ảnh: Kiều Hải.

Ngoài trồng cây dược liệu, anh Hiếu còn ươm cây giống bán với số lượng lớn. Ảnh: Kiều Hải.

Năm 2016, anh Dương Trung Hiếu (SN 1983) xóm Làng Lai, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên đã xin nghỉ làm việc tại Cty xi măng La Hiên, để tập trung chuyên canh cây dược liệu và thành lập công ty TNHH Cây dược liệu La Hiên. Từ đó đến nay, anh Hiếu luôn là người đi đầu trong việc trồng, ươm giống và sản xuất thuốc từ cây dược liệu bản địa ở huyện Võ Nhai.

Hiện anh Hiếu chủ yếu trồng các loại cây dược liệu để điều trị các bệnh về xương khớp như gối hạc với diện tích 3ha, bạch hạc 2ha. Ngoài ra, anh còn khai thác tự nhiên và liên kết với 100 hộ dân trồng rải rác ở 6 tỉnh miền núi phía Bắc với diện tích khoảng 20ha. 

Anh Hiếu cho biết, anh chủ yếu trồng các loại cây dược liệu bản địa phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Ban đầu các loại cây này được anh lấy giống từ rừng về nhân rộng. Mỗi loài cây dược liệu có đặc tính và thời gian thu hoạch khác nhau. Đối với loài cây cát sâm có thời gian trồng kéo dài từ 3 – 7 năm mới được thu hoạch, trong khi cây bạch hạc chỉ sau 3 tháng đã có thể thu hoạch, cây sâm đại hành sau 1 năm trồng là tiến hành thu hoạch. Vì là các loại cây trồng có nguồn gốc tự nhiên nên hầu hết các loại cây dược liệu nói trên đều không bị sâu bệnh và có sức sống rất khỏe.

Sau khoảng 2 năm trồng cây dược liệu và công ty đi vào hoạt động, anh Hiếu bắt đầu nghiên cứu và liên kết với một số đơn vị sản xuất thuốc như Công ty Dược phẩm Tradiphar Hải Dương, Công ty Dược phẩm Hải Linh Hải Dương để sản xuất ra một số loại thuốc có tác dụng điều trị bệnh từ nguồn nguyên liệu mà anh trồng được.

Ban đầu anh sản xuất ra sản phẩm siro ho, sau đó đến thuốc điều trị xương khớp. Hiện nay 3 sản phẩm chính của công ty gồm: Kim Ngân hoa siro, bổ xương khớp La Hiên, viên bổ máu La Hiên. Cả 3 sản phẩm này đều đã đạt chuẩn GMP. Trong đó, toàn bộ nguyên liệu và công thức sản xuất thuốc đều do anh Hiếu cung cấp. Sản phẩm làm ra được anh Hiếu chủ yếu bán lẻ và bốc thuốc cho khách hàng đến khám chữa tại nhà.

Anh Hiếu đã có vùng dược liệu khoảng 20ha rải rác ở 6 tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: Kiều Hải.

Anh Hiếu đã có vùng dược liệu khoảng 20ha rải rác ở 6 tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: Kiều Hải.

Ngoài sản xuất thuốc, anh Hiếu còn bán buôn, bán lẻ các sản phẩm dược liệu mà anh trồng được như sản phẩm cao dược liệu, trà xương khớp sản xuất theo yêu cầu đặt hàng của khách. Tuy nhiên nguồn thu nhập chủ yếu hiện nay của anh Hiếu vẫn là từ việc bán nguồn dược liệu khô. Trung bình 1 năm anh bán từ 1- 2 tấn dược liệu.

Sản phẩm dược liệu khô của anh đã bán đến khắp thị trường trong nước chủ yếu bằng uy tín lan truyền đến khách hàng. Trong đó, các loại cao và cây dược liệu được anh bán cho các tổ chức, cơ sở sản xuất thuốc, nhiều nhất là các Hội Đông y với số lượng lớn nhất. Bên cạnh đó, mỗi năm anh Hiếu còn bán ra thị trường từ 1 – 5 vạn cây giống do anh tự ươm trồng tại vườn nhà.

Hiện tại, anh Hiếu đang kết hợp cùng với người anh trai trong việc sản xuất và phân phối sản phẩm. Dự định trong thời gian tới, anh Hiếu sẽ mở rộng và phát triển thêm diện tích trồng cây dược liệu, đồng thời đẩy mạnh liên kết với một số đơn vị khác cổ phần để cùng sản xuất và chế biến thuốc góp phần mở rộng thị trường và tăng thêm thu nhập.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.