| Hotline: 0983.970.780

Mở rộng tối đa diện tích vụ đông để bù đắp vụ đông xuân

Thứ Sáu 27/05/2022 , 20:24 (GMT+7)

Các địa phương cần mở rộng tối đa sản xuất vụ đông 2022-2023 nhằm bù đắp tăng trưởng của ngành nông nghiệp do vụ đông xuân phía Bắc bị ảnh hưởng thời tiết bất thường.

Hiện nay, lúa đông xuân các tỉnh phía Bắc đang giai đoạn cuối vụ, cần đảm bảo không để xẩy ra các rủi ro thiệt hại do sâu bệnh. Ảnh: Trung Quân.

Hiện nay, lúa đông xuân các tỉnh phía Bắc đang giai đoạn cuối vụ, cần đảm bảo không để xẩy ra các rủi ro thiệt hại do sâu bệnh. Ảnh: Trung Quân.

Khẩn trương gieo cấy vụ hè thu, vụ mùa

Bài liên quan

Tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022, triển khai kế hoạch vụ hè thu, mùa và định hướng vụ đông năm 2022 các tỉnh phía Bắc do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 27/5, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Từ nay đến cuối năm 2022 trên khu vực Biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Đề phòng bão xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh trong những tháng cuối năm. Trong các tháng mùa mưa bão, lượng mưa tại Bắc bộ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ tháng 7 - 9/2022.

Với điều kiện bất thường, khó dự đoán về thời tiết, khí hậu, dự báo vụ hè thu, vụ mùa 2022 luôn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, đầu vụ gieo cấy có thể gặp mưa lớn gây ngập úng cục bộ, đặc biệt ở những vùng đất thấp, không chủ động tiêu thoát nước.

Trước thực tế đó, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương cần khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân 2021 - 2022 khi lúa vừa chín tới theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Bên cạnh đó, thực hiện nguyên tắc gieo cấy vụ hè thu, vụ mùa các tỉnh phía Bắc càng sớm càng tốt.

Do áp lực thời vụ và thời tiết khó lường, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương phía Bắc khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân theo phương châm 'xanh nhà hơn già đồng'. Ảnh: Trung Quân.

Do áp lực thời vụ và thời tiết khó lường, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương phía Bắc khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Trong vụ hè thu, vụ mùa, cần áp dụng các biện pháp canh tác nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa để thu hoạch sớm, tránh bị ngập lụt cuối vụ. Bón phân theo phương châm "nặng đầu nhẹ cuối", bón cân đối, sử dụng các loại phân bón tổng hợp thay cho phân đơn theo đúng hướng dẫn kỹ thuật để tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Sử dụng các chế phẩm hữu cơ vi sinh, phân vi lượng bón qua lá để bổ sung dinh dưỡng, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất cây trồng.

Các địa phương phía Bắc cần có kế hoạch điều tiết nguồn nước tốt, đảm bảo đủ nước cho gieo cấy vụ hè thu, mùa, chăm sóc đảm bảo lúa sinh trưởng phát triển tốt và trỗ an toàn. Điều tiết nước ở vụ mùa theo phương châm “rút cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng”, tránh tình trạng “chiêm chết khô, mùa chết úng”.

Mở rộng tối đa diện tích cây vụ đông

Theo Cục Trồng trọt, do điều kiện thời tiết, thời gian sinh trưởng lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 kéo dài từ 7 - 10 ngày, dẫn tới vụ hè thu, mùa cũng chậm hơn. Do đó, thời vụ làm cây vụ đông 2022 sẽ chậm hơn cùng kỳ năm trước.

Năm nay, thời gian giữa vụ đông xuân và vụ mùa, hè thu ở phía Bắc năm nay sẽ rất ngắn, gây nhiều khó khăn về thời vụ cho sản xuất vụ đông. Ảnh: TL.

Năm nay, thời gian giữa vụ đông xuân và vụ mùa, hè thu ở phía Bắc năm nay sẽ rất ngắn, gây nhiều khó khăn về thời vụ cho sản xuất vụ đông. Ảnh: TL.

Bài liên quan

Cục Trồng trọt dự kiến xây dựng kế hoạch diện tích cây vụ đông 2022 khoảng 400.000 ha. Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực mở rộng tối đa diện tích sản xuất vụ đông để bù đắp tăng trưởng của ngành nông nghiệp do vụ đông xuân phía Bắc bị ảnh hưởng của thời tiết khí hậu.

Tiếp tục đa dạng hóa các nhóm cây khác trong vụ đông, chú ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ. Bố trí cơ cấu cây ưa ấm, ưa lạnh theo tỉ lệ khoảng 50:50% diện tích. Tổng giá trị sản xuất khoảng 32.000 - 34.000 tỷ đồng. Trung bình giá trị sản xuất đạt 80 - 85 triệu đồng/ha (nơi cao đạt 150 - 200 triệu đồng/ha).

Trên cơ sở đó, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương chủ động bố trí quỹ đất, quy vùng sản xuất vụ đông tập trung, theo từng cánh đồng, khu vực ngay từ kế hoạch sản xuất vụ lúa hè thu, mùa sớm. Kiểm tra, rà soát cụ thể kế hoạch sản xuất vụ đông 2022, điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, diễn biến thời tiết và thị trường tiêu thụ.

Tổ chức sản xuất theo “cánh đồng lớn”, mở rộng dồn điền, đổi thửa, khuyến khích cho thuê đất, mượn đất để hình thành những vùng sản xuất vụ đông tập trung, quy mô lớn. Áp dụng tối đa các tiến bộ khoa học công nghệ đã được đúc kết từ thực tiễn sản xuất như: Giống mới, làm đất tối thiểu, làm ngô bầu, rẽ lúa đặt bầu trồng bí, dưa, che phủ ni-lon trong trồng bí, dưa, lạc… để tận dụng thời gian, giảm công lao động và tăng hiệu quả kinh tế…

Các địa phương cần tích cực mở rộng tối đa diện tích sản xuất vụ đông để bù đắp tăng trưởng cho vụ đông xuân. Ảnh: Trung Quân.

Các địa phương cần tích cực mở rộng tối đa diện tích sản xuất vụ đông để bù đắp tăng trưởng cho vụ đông xuân. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Thời gian giữa vụ đông xuân và vụ mùa, hè thu ở phía Bắc năm nay sẽ rất ngắn, trong khi đó thời gian thu hoạch vụ đông xuân bị chậm hơn 7 - 10 ngày, gây ra áp lực rất lớn cho việc bố trí cơ cấu mùa vụ và hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, dự báo thời tiết vẫn có những diễn biến hết sức khó lường. Do đó, các địa phương căn cứ vào kế hoạch của Cục Trồng trọt, sớm xây dựng phương án sản xuất phù hợp với địa phương mình. Trong đó lưu ý xây dựng phương án khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước do thời tiết dự báo vẫn tiếp tục mưa.

Bên cạnh đó, thực hiện gieo cấy vụ hè thu, mùa càng nhanh càng tốt, ưu tiên các giống cực ngắn ngày, ngắn ngày, chất lượng cao, hạn chế việc gieo sạ.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý: Trong bối cảnh giá vật tư sản xuất đầu vào tăng cao, các địa phương cần khuyến khích nông dân áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, IPM, sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả để giảm chi phí sản xuất trong vụ hè thu, vụ mùa 2022.

“Muốn sản xuất lúa có lãi, phải giảm được chi phí đầu vào. Năng suất lúa hiện nay gần như đã đạt mức tối đa, muốn gia tăng thêm sẽ khó khăn. Do đó, phương án tối ưu nhất là giảm chi phí sản xuất ở mức thấp nhất”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nguy cơ xuất hiện các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả rất cao. Do đó, các cơ quan chuyên môn, địa phương cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm, ổn định thị trường vật tư nông nghiệp để nông dân an tâm sản xuất…

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.