Năng suất giảm 1,8 tạ/ha
Theo Cục Trồng trọt, vụ đông xuân 2021 - 2022, tổng diện tích gieo cấy các tỉnh phía Bắc ước đạt 1.078 nghìn ha, giảm khoảng 8 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước. Diện tích gieo cấy giảm do chuyển đổi sang các loại cây rau màu và mục đích phi nông nghiệp. Trong đó, vùng ĐBSH gieo cấy 484 nghìn ha, giảm khoảng 7 nghìn ha; vùng Bắc Trung bộ 349,7 nghìn ha, giảm khoảng 0,3 nghìn ha; vùng trung du và miền núi phía Bắc 244,3 nghìn ha, giảm khoảng 0,7 nghìn ha.
Nền nhiệt độ trung bình vụ đông xuân 2021 - 2022 các tỉnh phía Bắc thấp hơn trung bình nhiều năm, tổng lượng tích ôn thấp hơn so với cùng kỳ đã ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển của lúa, thời gian sinh trưởng kéo dài, năng suất trung bình thấp hơn cùng kỳ.
Từ ngày 31/3 đến 3/4/2022, các tỉnh Bắc Trung bộ có mưa vừa đến mưa to liên tục và gió mạnh trên diện rộng đã ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt vụ đông xuân, gây ngập lụt và đổ ngã một số diện tích cây trồng, đặc biệt là cây lúa đang giai đoạn làm đòng - trỗ, làm lúa bị ngập úng, đổ ngã và ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng như: Thừa Thiên - Huế năng suất ước giảm 22 tạ/ha, sản lượng giảm hơn 61 nghìn tấn; Quảng Trị năng suất ước giảm 9,3 tạ/ha, sản lượng giảm 24,3 nghìn tấn... Trong khi đó, năng suất vụ đông xuân năm trước tình hình thời tiết rất thuận lợi nên năng suất lúa đạt rất cao.
Theo báo cáo từ các địa phương, năng suất lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 các tỉnh phía Bắc ước đạt khoảng 62,7 tạ/ha, giảm 1,8 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước. Trong đó các tỉnh vùng Bắc Trung bộ năng suất trung bình ước đạt 61,3 tạ/ha (giảm 4,1 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước); vùng ĐBSH ước đạt 65,8 tạ/ha (giảm 0,8 tạ/ha); các tỉnh vùng TDMNPB ước đạt 58,5 ta/ha (giảm 0,3 tạ/ha).
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc vụ đông xuân 2021 - 2022 ước đạt 6,8 triệu tấn (giảm khoảng 246 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước).
Chi phí tăng cao, lợi nhuận giảm mạnh
Vụ đông xuân 2021 - 2022, mặc dù diện tích gieo cấy lúa được áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về canh tác, diện tích lúa chất lượng được mở rộng, giá lương thực tăng hơn so với cùng kỳ nhưng do giá vật tư đầu vào như phân bón ở mức rất cao (giá phân bón nhập khẩu một số loại tăng khoảng tăng 80 - 100% so với cùng kỳ), đồng thời do ảnh hưởng của thời tiết bất thuận, năng suất và sản lượng lúa giảm so với cùng kỳ năm trước, do vậy lợi nhuận trung bình trên đơn vị diện tích gieo cấy lúa giảm hơn so với vụ đông xuân năm trước khoảng 2,8 triệu đồng/ha.
Cụ thể: Các tỉnh ĐBSH có tổng chi phí cho sản xuất khoảng 37 triệu đồng/ha, tăng khoảng 4,6 triệu đồng/ha (trong đó chi phí công lao động khoảng 22,6 triệu đồng/ha, chiếm 61%; vật tư nông nghiệp khoảng 14,4 triệu đồng/ha chiếm 39%; giống chiếm khoảng 3%; phân bón chiếm khoảng 27%; thuốc BVTV chiếm khoảng 9%). Tổng giá trị sản xuất lúa vụ đông xuân vùng ĐBSH đạt khoảng 56 triệu đồng/ha, tăng khoảng 1,1 triệu đồng/ha; lợi nhuận đạt trên 19 triệu đồng/ha, giảm khoảng 3,5 triệu đồng/ha.
Các tỉnh Bắc Trung bộ có tổng chi phí cho sản xuất vụ đông xuân gần 28 triệu đồng/ha, tăng khoảng 3,3 triệu đồng/ha. Tổng giá trị đạt khoảng 44,4 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt khoảng 16,5 triệu đồng/ha, giảm khoảng 2,9 triệu đồng/ha.
Các tỉnh trung du miền núi phía Bắc có tổng chi phí cho sản xuất khoảng 31,8 triệu đồng/ha, tăng khoảng 4,3 triệu đồng/ha. Tổng giá trị đạt gần 49,0 triệu đồng/ha, tăng khoảng 2,7 triệu đồng/ha; lợi nhuận đạt trên 17 triệu đồng/ha, giảm khoảng 1,6 triệu đồng/ha.
Tính chung các tỉnh phía Bắc, tổng chi phí cho sản xuất lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 khoảng 32,2 triệu đồng/ha. Trong đó chi phí công lao động và phân bón chiếm chủ yếu (87,1%); công lao động chiếm 56,6% (khoảng 18,2 triệu đồng/ha); phân bón chiếm 30,5% (khoảng 9,8 triệu đồng/ha)..
Triển khai vụ mùa càng sớm càng tốt
Trước diễn biến thời tiết bất thường, từ nay đến cuối vụ, Cục Trồng trọt đề nghị tăng cường điều tra, dự tính dự báo chính xác, kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại cuối vụ; hướng dẫn, chỉ đạo nông dân về kỹ thuật, biện pháp phòng trừ hữu hiệu cho từng đối tượng sâu, bệnh như đạo ôn cổ bông, rầy nâu, sâu đục thân… cuối vụ theo hướng dẫn của ngành BVTV.
Huy động tối đa máy móc, phương tiện, nhân lực để thu hoạch nhanh gọn lúa xuân đã chín hoặc vừa chín tới theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng", thu hoạch đến đâu làm đất đó; triển khai gieo cấy lúa hè thu và lúa mùa đúng lịch thời vụ theo phương án đã được xây dựng, đồng thời tạo quỹ đất cho sản xuất cây vụ đông ưa ấm.
Các địa phương có kế hoạch điều tiết nước tốt, dự trữ đảm bảo đủ nước cho gieo, cấy, yêu cầu sinh trưởng phát triển lúa hè thu, lúa mùa... Xây dựng sớm kế hoạch vụ hè thu, vụ mùa và kế hoạch sản xuất vụ đông 2022...; triển khai vụ mùa, vụ hè thu theo nguyên tắc gieo cấy càng sớm càng tốt. Cụ thể:
- Đối với vùng Bắc Trung bộ, việc bố trí thời vụ và lựa chọn cơ cấu giống phải đảm bảo được yêu cầu sau: Vùng hè thu chạy lụt thu hoạch trước ngày 5/9, đối với vùng thấp trũng thu hoạch trước 20/8; vùng hè thu thâm canh thu hoạch chậm nhất 20/9; mùa sớm thu hoạch trong tháng 9; mùa chính vụ kết thúc cấy trong tháng 7.
Căn cứ vào tình hình thu hoạch lúa đông xuân 2021 - 2022, thời điểm thu hoạch lúa hè thu như trên để bố trí thời điểm làm mạ, làm đất và gieo cấy lúa hè thu đảm bảo an toàn, né tránh được những bất thuận của thời tiết. Tùy vùng, thời gian sinh trưởng của giống, thời điểm thu hoạch lúa đông xuân giải phóng đất để hướng dẫn lịch gieo cấy đảm bảo an toàn, hiệu quả.
- Đối với vùng ĐBSH, trung du miền núi phía Bắc: Mùa cực sớm, mùa sớm gieo từ 5/6 - 15/6, cấy giữa và cuối tháng 6; mùa trung gieo mạ từ 20/6 - 25/6, cấy xong trước 20/7; mùa muộn thời vụ gieo từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 7, cấy tuổi mạ khoảng 25 - 30 ngày, thu hoạch cuối tháng 10, đầu tháng 11, gồm một số giống lúa phản ứng ánh sáng như các giống lúa đặc sản (tám, nếp), Bao thai, Mộc tuyền và một số giống lúa lai hệ Bắc ưu…
Lúa gieo thẳng cần thực hiện theo vùng, chỉ khuyến cáo áp dụng biện pháp gieo thẳng ở những vùng chủ động tiêu úng, gieo sớm ngay sau khi chuẩn bị được ruộng, thời vụ gieo từ 15 - 25/6.
Về cơ cấu giống cho vụ mùa, hè thu tại các tỉnh phía Bắc: Cần tăng cường sử dụng các giống lúa cực ngắn và ngắn ngày có năng suất, chất lượng, chống chịu khá với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận. Để thuận lợi cho việc quản lý sâu bệnh hại mỗi địa phương nên cơ cấu từ 3 - 4 giống lúa chủ lực và 3 - 4 giống lúa bổ sung.
Chuẩn bị đất cấy vụ mùa, hè thu phía Bắc
- Thu hoạch lúa đến đâu làm đất vùi sâu gốc rạ đến đó, giữ nước trên ruộng, tránh mất nấm, nên bón thêm vôi bột hoặc một số chế phẩm sinh học Azotobacte, Tricoderma… để tăng cường phân hủy rơm rạ, hạn chế nguồn sâu bệnh hại và tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa mùa sau cấy.
- Các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để lựa chọn hình thức gieo mạ. Ưu tiên làm mạ dầy xúc, mạ nền cứng, tăng cường áp dụng mạ khay, cấy máy, gieo mạ tập trung thành vùng để quản lý, chăm sóc và phòng trừ rầy được tốt hơn, cần phải chăm sóc mạ để cấy mạ khỏe, cấy mạ non, không cấy mạ quá ngày tuổi.
- Huy động mọi nguồn lực cấy “càng sớm càng tốt”, đặc biệt cho chân chạy lụt, diện tích làm vụ Đông sớm cây ưa ấm.