| Hotline: 0983.970.780

'Mỏ vàng' du lịch sinh thái vẫn chỉ là tiềm năng

Thứ Ba 22/10/2019 , 08:45 (GMT+7)

Theo thông tin từ các cuộc họp, 6 tháng đầu năm 2019, Thanh Hóa đón trên 6,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 23% so với cùng kỳ.

Dù hết sức kỳ vọng nhưng trong những năm qua du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại Thanh Hóa vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.
 

Chưa “níu chân” được du khách

Chúng tôi gặp vợ chồng người Pháp Deelee Pchannz và Saroja Devi tại điểm du lịch sinh thái bản Hang, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa. Ông Deelee Pchannz, cho biết, đây là điểm dừng chân thứ 3 trong tour du lịch Hà Nội – Mai Châu – Pù Luông. Đến đây, vợ chồng ông thấy hết sức thú vị vì được trao đổi, chuyện trò với người dân bản địa và ngao du sơn thủy hữu tình.

3141915648
Vợ chồng Deelee Pchannz và Saroja Devi tại điểm du lịch sinh thái bản Hang.

“Mỗi ngày thức dậy tôi đều thấy ngạc nhiên với cảnh sắc và con người nơi đây. Khi đến những bản làng khác nhau, tôi đều được chứng kiến cảnh người dân lao động; chúng tôi cùng trải nghiệm làm việc, cùng tắm trên những dòng suối và khám phá mọi thứ” - Ông Deelee Pchannz cha sẻ.

Khi được hỏi, nếu có dịp, ông bà có trở lại điểm du lịch này không, ông Deelee Pchannz vui vẻ trả lời: “Có chứ! Để đi một chuyến du lịch như thế này, vợ chồng tôi phải tiết kiệm chi tiêu trong 1 năm. Tôi sẽ mang gia đình, bạn bè quay trở lại nơi này. Tuy nhiên, hạ tầng ở đây chưa được tốt; các món ăn của vùng đồng bào thì không hợp khẩu vị lắm với chúng tôi”.

Ông Hà Minh Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lệ cho biết, hoạt động du lịch cộng đồng ở đây phát triển mạnh từ năm 2017, mỗi năm đón khoảng 2.500 lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế. Nhưng làm du lịch ở đây chủ yếu tự phát, hạ tầng gần như chỉ là con số 0.

“Bản có 6 hộ làm du lịch cộng đồng. Họ đầu tư thêm một số vật dụng trong nhà sàn để khách ở và trải nghiệm. Ngoài việc tham quan, vãn cảnh thì tối về, khách du lịch ngủ ngay trong nhà sàn. Mỗi nhà sàn có thể ngủ được 10-12 người nhưng không có vách ngăn. Bình quân, mỗi tối các hộ trong bản cũng chỉ tiếp đón được 5-6 khách du lịch”, ông Thạch cho hay.

Ông Thạch cũng cho biết, cuối tháng 5/2019, tại đây diễn ra giải marathon băng rừng nên lượng khách tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, hạ tầng, dịch vụ không đáp ứng đủ nhu cầu nên nguồn thu không đáng là bao.

Tiềm năng du lịch ở Bản Hang nói riêng và vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nói chung là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, một thực tế là ở đây người làm du lịch cộng đồng vẫn chưa thể sống bằng nghề của mình.

2141915590
Khách Tây thích thú trải nghiệm vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Ông Lương Chí Hiếu, một hộ đầu tư làm du lịch cộng đồng tại bản Hang tâm sự: “Du khách đến đây có thể đi tham quan quang cảnh thiên nhiên, xem nhảy, múa sạp, thổi kèn hoặc trải nghiệm chặt luồng, buộc mái tranh… Nhìn chung du khách rất thích thú nhưng nguồn thu từ du lịch vẫn còn rất thấp, làm du lịch sớm như gia đình tôi mà mỗi năm, trừ chi phí cũng chỉ còn trên dưới 30 triệu đồng. Nếu chỉ nhìn vào đây thì không đủ sống”.

Ông Hiếu cho biết thêm, ngoài hạ tầng đang hạn chế thì kỹ năng làm du lịch của đồng bào là điểm yếu nhất. Hầu hết những người làm du lịch ở đây là dân bản, ngoại ngữ là điều xa xỉ, họ cũng chưa từng được đào tạo, tập huấn kỹ năng làm du lịch. Vì thế, để “níu” chân du khách thì du lịch cộng đồng ở đây còn rất nhiều việc phải làm.
 

Hạ tầng yếu kém, thiếu nguồn nhân lực du lịch

Năm 2017, ngôi nhà sàn của bà Cao Thị Lý tại bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước) được Công ty Pu Luong Retreat lựa chọn đầu tư làm điểm lưu trú khách du lịch cộng đồng. Khác với công việc trước đây là chăn nuôi trâu bò, trồng ngô, trồng sắn… nay bà Lý bắt tay vào một công việc hoàn toàn khác.

“Ta không biết máy tính, điện thoại, tiếng Anh là gì nên rất bỡ ngỡ. Được công ty dạy cho cách làm du lịch, nay ta biết cách hướng dẫn họ đến những địa điểm đẹp, làm  những công việc của gia đình ta và dân bản như gặt lúa, làm ruộng… Khách du lịch họ thích lắm!”

Chị Trương Thị Huệ, một người dân bản địa, giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường trên địa bàn huyện. Chiều chiều, chị lại chạy xe máy gần chục Km đến ngôi nhà sàn của chị Cao Thị Lý để quản lý việc tiếp đón khách. Theo lịch, mỗi tuần chị đều có chương trình dạy tiếng anh giao tiếp chuyên ngành du lịch cho dân bản.

“Lớp tôi phụ trách hiện có 23 học viên. Tôi thấy, với chỉ tiêu học 2-3 câu tiếng anh/ngày thì đồng bào ở đây rất hào hứng nhưng để giao tiếp với khách thì phải một quá trình dài chứ không thể ngày một ngày hai được. Ở đây hạ tầng giao thông hạn chế, chợ ở cách xa hàng chục km nên việc chuẩn bị bữa ăn cho du khách hết sức bị động… Đó là những khó khăn cho việc phát triển du lịch cộng đồng ở đây”.

Ngôi nhà sàn của bà Lý được Pu Luong Retreat đầu tư thêm nội thất tiếp đón khách. Ngoài ra, Pu Luong Retreat còn đầu tư 80% vốn (chủ nhà 20%) để xây dựng thêm 1 nhà sàn lưu trú khách ngay trong vườn nhà bà Lý. Lợi nhuận được hai bên thống nhất để bình quân, trừ các chi phí gia đình bà Lý có thể thu về 70-80 triệu đồng/năm. Nhưng câu chuyện hợp tác làm du lịch này liệu có bền vững khi bản thân doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn?

4141915782
5141915902
Vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có nhiều điểm check in đẹp.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Công ty du lịch Pu Luong Retreat cho hay, sau nhiều năm đổ tiền vào “mỏ vàng” du lịch sinh thái bản Đôn, bản thân doanh nghiệp này cũng đang tiến thoái lưỡng nan. Công ty đạt công suất lưu trú 70 khách/ngày nhưng vẫn chưa thể khai thác hết do những vấn đề về hạ tầng, nhân lực kèm theo chưa đáp ứng.

“Chúng tôi đã phải tự đầu tư một trạm biến áp nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu, điện vẫn yếu và thường xuyên bị cắt. Bên cạnh đó, giao thông rất tệ, mưa gió, sạt lở ở miền núi thì rất khó lường; mạng Inter nét, 3G, sóng điện thoại thì rất yếu. Ngoài ra, nhân lực ngành du lịch thiếu hụt khiến chúng tôi không thể đáp ứng được nhu cầu của du khách. Nhân lực địa phương thì thiếu, rất khó để một hướng dẫn viên ở một tỉnh khác chấp nhận vào đây làm nhân viên cho chúng tôi ở vùng đất xa xôi này dù lương thưởng không phải là vấn đề” – ông Thành cho hay.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Thành đề nghị địa phương cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, đầu tư như xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch thật tốt để lưu giữ du khách vì tiềm năng du lịch ở miền Tây Thanh Hóa rất lớn.

Bà Vi Thị Huệ, Trưởng phòng Văn hóa – thông tin huyện Quan Hóa cho hay: “Chúng tôi xác định, du lịch sinh thái, cộng đồng là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu đến năm 2025, huyện sẽ đón khoảng 11.200 khách du lịch (quốc tế khoảng 7.800) và doanh thu du lịch đạt trên 10 tỷ đồng, đến 2030 phải đạt 30 tỷ đồng”.

Một mục tiêu rất lớn ở một tương lai gần nhưng khi được hỏi, bà Huệ cho biết thêm, dù tiềm năng lớn nhưng nguồn thu từ hoạt động du lịch tại Quan Hóa gần như đang ở vạch số 0. Đây cũng là thực trạng chung đang diễn ra tại các huyện có tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại phía Tây Thanh Hóa.

Được biết, Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh), một trong những điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của Thanh Hóa cũng chỉ cho nguồn thu vài trăm triệu đồng/năm. Hiện tại, Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp Bến En vẫn đang trong giai đoạn triển khai các thủ tục đầu tư.

Thanh Hóa cũng xác định phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, đến năm 2025, Thanh Hóa đón được 18.500.000 lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 42.500 tỷ đồng; đồng thời, tạo ra 65.000 việc làm trực tiếp, tỷ lệ lao động phục vụ du lịch được đào tạo, đào tạo nghề và bồi dưỡng tại chỗ đạt trên 90%. Tuy nhiên, nhìn vào vị thế của du lịch trên bản đồ phát triển ngành hiện nay, thiết nghĩ, ngành “công nghiệp không khói” của Thanh Hóa cần “chắp thêm đôi cánh” để có thể tiệm cận gần mục tiêu trở thành một mũi nhọn phát triển.

Một cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cho biết, hiện nay du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại vùng đệm khu bảo tồn vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng. Tuy phát triển du lịch tạo ra nguồn thu nhưng cũng phải có các chính sách cân bằng giữa sự phát triển và giữ cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…