| Hotline: 0983.970.780

Mỗi địa phương một cơ sở giết mổ [Bài 2]: Khó khăn về mặt bằng

Chủ Nhật 29/10/2023 , 08:00 (GMT+7)

Việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung tại Quảng Trị hết sức cấp bách, nhưng doanh nghiệp lại gặp khó khăn về mặt bằng và cần thêm chính sách hỗ trợ.

Theo Quyết định 3158/QĐ-UBND, ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, các cơ sở giết mổ được quy hoạch tại khu phố 5, phường 2.

Tuy nhiên, khi 2 doanh nghiệp nộp đơn xin đăng ký được đầu tư xây mới cơ sở giết mổ tập trung loại II, UBND thị xã Quảng Trị lại chưa xác định được vị trí và chưa bố trí được quỹ đất.

Cơ sở giết mổ tập trung tại phường Đông Lương xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Võ Dũng.

Cơ sở giết mổ tập trung tại phường Đông Lương xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị cho hay, quá trình triển khai thực hiện xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại phường 2 không nhận được sự đồng thuận của cán bộ và Nhân dân.

Lý do là vị trí quy hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung ở vị trí quá thấp, đường giao thông đi lại khó khăn. Mặt khác, quy hoạch cơ sở nằm ở vị trí khá gần khu dân cư phường 2, xã Triệu Tài (Triệu Phong) và xã Hải Quy (Hải Lăng), không bảo đảm tiêu chí khoảng cách xa khu dân cư (theo yêu cầu phải lớn hơn hoặc bằng 500m) gây nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...

Sau khi khảo sát thực địa, rà soát các tiêu chí liên quan theo quy định, UBND thị xã Quảng Trị đề xuất lựa chọn vị trí xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại xã Hải Lệ.

Tuy nhiên, diện tích đất dự kiến bố trí xây dựng tại xã Hải Lệ hiện đang thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Triệu Hải, hiện trạng đang có rừng thông cần phải làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch, lập hồ sơ đề xuất UBND tỉnh thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng.

Địa phương đã có báo cáo, chờ các Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tháo gỡ.

Một nguyên nhân nữa khiến việc đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung gặp khó là vấn đề chính sách hỗ trợ. Xây dựng giết mổ tập trung cần nguồn vốn lớn nhưng khả năng thu hồi chậm khiến không nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.

Theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ngân sách chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp theo định mức 60%.

Với mức hỗ trợ này, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân không thuộc diện được Nghị định 57/2018/NĐ-CP hỗ trợ nên dù muốn cũng khó tham gia thực hiện.

Còn tại huyện Hải Lăng hiện có 20 cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ hình thành từ lâu, nằm rải rác trong khu dân cư. Nhu cầu xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung để gom các cơ sở nhỏ lẻ này vào hoạt động, đảm bảo các vấn đề môi trường, an toàn vệ sinh thú y là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, hiện vẫn không có nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề tham gia.

Cơ sở giết mổ tập trung tại thị trấn Cam Lộ là 1 trong 3 cơ sở được đầu tư xây dựng mới từ năm 2018. Ảnh: Võ Dũng.

Cơ sở giết mổ tập trung tại thị trấn Cam Lộ là 1 trong 3 cơ sở được đầu tư xây dựng mới từ năm 2018. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, huyện đã đưa vào quy hoạch xây dựng mới 3 cơ sở giết mổ loại III trên địa bàn.

“Khó khăn của địa phương là kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung loại III khá lớn, từ hơn 1 tỉ đồng/cơ sở, thời gian thu hồi vốn quá dài nên các cá nhân, tổ chức, chủ cơ sở giết mổ chưa mạnh dạn đầu tư”, ông Hải cho hay.

Nguồn vốn xã hội hóa khó thực hiện do kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, mức thu giá dịch vụ giết mổ thấp, việc bàn giao đất tại các vị trí đã được quy hoạch xây dựng giết mổ còn nhiều vướng mắc đang là những lực cản khiến việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung tại Quảng Trị thời gian qua không đạt mục tiêu đề ra.

Hỗ trợ tổ chức cá nhân xây dựng cơ sở giết mổ tập trung

Để giúp tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư xây dựng, vận hành cơ sở giết mổ tập trung, thời gian qua, UBND huyện Triệu Phong hỗ trợ phần lớn kinh phí và 5 năm không thu phí đối với 2 cơ sở được xây mới. Huyện Cam Lộ trích 1,8 tỉ đồng từ ngân sách địa phương giải phóng mặt bằng, xây dựng đường điện, đường bê tông vào cơ sở giết mổ tập trung tại thị trấn Cam Lộ. Đây là những cách làm giúp tổ chức cá nhân mạnh dạn đầu tư xây dựng CSGMTT.

Xem thêm
Kon Tum ưu tiên thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao

Tỉnh Kon Tum chú trọng thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao, quy trình khép kín từ khâu sản xuất, con giống đến chế biến, phân phối sản phẩm ra thị trường.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.