| Hotline: 0983.970.780

Mời doanh nghiệp vào ban lãnh đạo hợp tác xã để gắn kết thị trường

Thứ Năm 28/09/2023 , 09:18 (GMT+7)

ĐBSCL Xây dựng chuỗi liên kết ngành thủy sản, chuyên gia cho rằng cần mời đại diện doanh nghiệp làm Phó giám đốc kinh doanh trong HTX để gắn kết về mặt thị trường.

Theo số liệu thống kê của Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN-PTNT), đến cuối năm 2022, vùng ĐBSCL có 1.615 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó khoảng 327 HTX xã về thủy sản. Số lượng HTX có xu hướng tăng dần qua các năm, tuy nhiên số lượng thành viên còn khá ít. 

Trước thực trạng phát triển HTX nông nghiệp nói chung và HTX thủy sản nói riêng ở khu vực ĐBSCL còn nhiều hạn chế, tại tọa đàm “Thách thức trong phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX/THT) thủy sản ở ĐBSCL” do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, PGS.TS Võ Hồng Tú, Trưởng Bộ môn Kinh tế - Xã hội - Nông thôn, Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ nhận định đây là khó khăn cho ngành nông nghiệp.

Tọa đàm Thách thức trong phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác thủy sản ở ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Tọa đàm Thách thức trong phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác thủy sản ở ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy sự phát triển các HTX đã được Bộ NN-PTNT, các cơ quan chuyên môn liên quan ở vùng ĐBSCL triển khai sâu rộng. Tuy nhiên, do quy mô, diện tích sản xuất nhỏ, vốn điều lệ thấp cản trở sự phát triển và gây khó khăn cho các HTX khi triển khai các hoạt động. Việc thực hiện các mối liên kết ngang - dọc với doanh nghiệp, khả năng đầu tư máy móc khoa học công nghệ cũng còn hạn chế.

Ngoài ra, theo PGS.TS Võ Hồng Tú, vấn đề liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản nhất là ngành tôm, hiện đang tồn tại 2 vấn đề. Việc liên kết ngang, cụ thể là tính hợp tác của người nuôi tôm chưa cao, sản xuất mang tính độc lập vẫn còn tồn tại khá nhiều. Bài toán hợp tác hiện chỉ thể hiện trên sự cộng dồn diện tích giữa các hộ nuôi, chưa liền canh liền cư và không thống nhất về quy trình canh tác, “9 người 10 ý”, đã gây ra những khó khăn cho ngành thủy sản. 

Trong chuỗi liên kết dọc, được hiểu là mối liên kết giữa các đơn vị cung ứng vật tư đầu vào (giống, thức ăn...) cộng hưởng với những biến động của thị trường đầu ra cũng gặp nhiều khó khăn. Đòi hỏi các HTX phải xây dựng được cơ chế ràng buộc để mối liên kết này trở nên bền vững.

PGS.TS Võ Hồng Tú bày tỏ, hiện nay có nhiều doanh nghiệp tham gia cùng ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho các HTX. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đặt nặng vấn đề thị trường đầu vào, sẽ tập trung làm sao bán được sản phẩm cho các HTX càng nhiều càng tốt. Nếu doanh nghiệp có thị trường đầu ra tốt, sẽ đẩy mạnh các giải pháp giúp các HTX có thể tiêu thụ tốt. Như thế, tùy theo thực trạng doanh nghiệp sẽ có hình thức hợp tác và tập trung xây dựng chiến lược hợp tác với các HTX.

PGS.TS Võ Hồng Tú, Trưởng Bộ môn Kinh tế - Xã hội - Nông thôn, Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ nói vấn đề liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản nhất là ngành tôm, hiện đang tồn tại 2 vấn đề. Ảnh: Kim Anh.

PGS.TS Võ Hồng Tú, Trưởng Bộ môn Kinh tế - Xã hội - Nông thôn, Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ nói vấn đề liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản nhất là ngành tôm, hiện đang tồn tại 2 vấn đề. Ảnh: Kim Anh.

Thực tế hiện nay, dù các HTX thủy sản sản xuất theo quy trình VietGAP, ASC hay áp dụng theo các tiêu chuẩn BMB... cho ra sản phẩm an toàn, nhưng năng lực của HTX lại không đủ để tiếp cận trực tiếp thị trường. Theo đó, buộc HTX phải thông qua một bên thứ ba, vô tình gây ra những vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc, không đảm bảo chắc chắn sản phẩm do HTX hay cá nhân hộ nuôi nào sản xuất. 

“Mặc dù hiện nay một số HTX đã xây dựng được mã số vùng nuôi, mã số hộ nuôi... nhưng khi con tôm lên đến bàn ăn, không thể truy xuất được con tôm đó của ai. Nông dân cố gắng sản xuất theo các tiêu chuẩn nhưng cuối cùng ở khâu tiêu thụ lại khó truy xuất được từng con tôm. Hiện chúng ta chỉ có thể truy xuất được từng lô, sau đó lô hàng đó có tôm ngoài hay không cũng không xác định được”, PGS.TS Võ Hồng Tú phân tích. 

Vị chuyên gia này dẫn chứng cách làm của đất nước Nhật Bản, thay vì từng hộ nuôi tự tiêu thụ thông qua HTX làm trung gian để hưởng lợi nhuận cao hơn, dẫn đến không tránh khỏi tình trạng bẻ kèo khi thị trường gặp biến động, nông dân Nhật Bản đã ủy thác sản phẩm cho HTX. Khi HTX nhận được số lượng hàng hóa đủ lớn và có năng lực đi đàm phán sẽ thúc đẩy giá tăng cao hơn, quan trọng là giải quyết được bài toán về liên kết.

Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp chưa xây dựng được mối liên kết lớn với HTX, để có đủ sản lượng sản xuất, buộc lòng phải thông qua hệ thống thương lái thu gom hàng. Tại tỉnh Sóc Trăng, số lượng HTX thủy sản còn rất thấp so với diện tích nuôi trồng toàn tỉnh, do đó khâu thương lái sẽ còn tồn tại. Để giải quyết những thách thức này, đòi hỏi việc xây dựng mối liên kết ngang - dọc phải lớn hơn.

Nhằm xây dựng một quy trình sản xuất bài bản, nhiều HTX thủy sản ở Việt Nam đang thí điểm mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường, tổ chức thu mua, cung ứng giống, vật tư nuôi trồng.

Theo PGS.TS Võ Hồng Tú đề xuất, để mô hình này đi đúng hướng, HTX nên cố gắng mời doanh nghiệp tham gia cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ tiêu thụ đầu ra. Đặc biệt, cần bổ nhiệm đại diện doanh nghiệp đảm nhiệm vị trí Phó giám đốc kinh doanh trong HTX để gắn kết về mặt thị trường.

Bổ nhiệm đại diện doanh nghiệp đảm nhiệm vị trí Phó giám đốc kinh doanh trong HTX để gắn kết về mặt thị trường là giải pháp được đánh giá là cần thiết để xây dựng chuỗi liên kết cho ngành thủy sản. Ảnh: Kim Anh.

Bổ nhiệm đại diện doanh nghiệp đảm nhiệm vị trí Phó giám đốc kinh doanh trong HTX để gắn kết về mặt thị trường là giải pháp được đánh giá là cần thiết để xây dựng chuỗi liên kết cho ngành thủy sản. Ảnh: Kim Anh.

Với cách làm này, nhiều doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết đã đại diện HTX vay vốn ngân hàng, sau khi được giải ngân, doanh nghiệp sẽ sử dụng nguồn vốn đó để hỗ trợ thành viên HTX mua vật tư sản xuất với chi phí thấp không cần phải thế chấp tài sản. Mô hình dựa trên thỏa thuận, thống nhất giữa doanh nghiệp và HTX sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Xem thêm
Tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng được kiểm soát

TÂY NINH Sau chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng cơ bản được kiểm soát.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.