| Hotline: 0983.970.780

Mối lo làng quê

Thứ Hai 20/05/2013 , 14:24 (GMT+7)

Những người nông dân tự nguyện viết đơn nằng nặc xin trả lại ruộng. Nhiều làng quê già nua, thiếu sinh khí. Không ít thanh niên làng chông chênh định hướng nghề nghiệp, định hướng xã hội và không có ước mơ gì ngoài một chữ nhàn thân, hưởng thụ… Đó là những vấn đề được đề cập trong loạt phóng sự đặc biệt này.

Những người nông dân tự nguyện viết đơn nằng nặc xin trả lại ruộng. Nhiều làng quê già nua, thiếu sinh khí. Không ít thanh niên làng chông chênh định hướng nghề nghiệp, định hướng xã hội và không có ước mơ gì ngoài một chữ nhàn thân, hưởng thụ… Đó là những vấn đề được đề cập trong loạt phóng sự đặc biệt này.

Nằng nặc xin trả ruộng

Chồng đơn xin trả ruộng 03 (ruộng phân theo khẩu cho nông dân, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) trong tay Chủ tịch UBND xã Lam Sơn (Thanh Miện, Hải Dương) ngày càng dày lên.

Những dòng chữ của người chỉ quen cầm cày, bừa run run, ngoằn ngoèo, không hàng lối, lắm lỗi chính tả nhưng đều chung một nội dung muốn trả lại ruộng một cách hoàn toàn tự nguyện. Quyết tâm trả lại ruộng của nông dân nơi đây dâng cao tới mức tất cả các lá đơn ở phần cuối đều ghi rõ thêm: Sau này nếu Nhà nước có thay đổi chính sách tôi cũng không đòi hỏi gì với số diện tích 03 đã trả ở trên.

Hộ ít trả lại trên 300 m2, hộ nhiều trên 800 m2. Khi trước, nghe tình hình dân bỏ hoang đồng ruộng, chính quyền phải vận động cả cương nhu kết hợp. Nhu thì đủ mọi cách thuyết phục qua các đoàn thể, còn cương phải “dọa” nông dân không cấy mà bỏ hoang là vi phạm Luật Đất đai, thế nên mới có tình trạng viết đơn trả ruộng như trên.

Nhìn ra thế giới khi nghiên cứu tình hình nông dân Trung Quốc bỏ ruộng, nông thôn Trung Quốc nghèo khó, chính phủ trung ương Trung Quốc chợt thức tỉnh và đề xuất "tam nông" với mong muốn thu hẹp khoảng cách nông thôn thành thị. Việt Nam cũng đang bắt tay thực hiện chính sách tương tự là nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhưng ở nhiều địa phương tình trạng bỏ ruộng bắt đầu manh nha thậm chí còn tiến lên nấc thang mới, làm đơn xin trả lại ruộng.


Những nông dân trả lại ruộng

Lúc đầu chính quyền tưởng dân chỉ bỏ ruộng không cấy ở diện tích đất công điền được giao khoán nhưng sau đó mới giật mình khi phát hiện ra một diện tích lớn ruộng được giao theo dạng 03 cũng bị bỏ, bị trả lại. Những người nông dân một thời hi sinh xương máu, một thời lầm lỡ con dâu đấu tố bố chồng, ruột thịt đấu tố lẫn nhau hồi cải cách ruộng đất chỉ với mục đích có một mảnh ruộng cắm dùi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện Nguyễn Viết Bàn cho biết diện tích đất không cấy các xã đã tổ chức giao cho đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân làm. Những đoàn thể, tổ chức này cấy lúa theo nhiệm vụ chính trị, không mong lời lãi. Đây chỉ là giải pháp tình thế cho một diện tích nhỏ chứ không thể kham nổi diện tích lớn.

Tại sao lại bỏ ruộng? Tôi hỏi. Ông Bàn giải thích: “Cơ cấu kinh tế chuyển dịch, làm ăn không hiệu quả - những lý do thông thường sẽ được viện dẫn, cái đó không sai. Tuy nhiên, chuyển dịch lao động trẻ từ quê lên thành phố vẫn có lực lượng ở lại, vậy Nhà nước phải tính lại giúp nông dân. Thủy lợi miễn rồi, thuế nông nghiệp miễn rồi, giống mới, giống chất lượng cao cũng đã hỗ trợ một phần giá nhưng nông dân vẫn bỏ ruộng là vì sao? Theo tôi canh tác lúa đầu vào cao, đầu ra không chủ động nên giá cả nông sản thấp. Quy luật giá trị điều tiết hết. Hiện ở địa phương chúng tôi hàng trăm tỉ đồng đang ứ trong các ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng chính sách, các quỹ mà không mấy ai vay đầu tư cho sản xuất nông nghiệp bởi hiệu quả thấp, gần như không có lãi".

Tình hình bỏ ruộng, trả lại ruộng như một đám cháy đã nhen nhúm lan rộng ra toàn tỉnh Hải Dương, một tỉnh tương đối thuần nông với vụ mùa năm 2012 bỏ 249 ha, vụ xuân 2013 bỏ 148 ha. Trước tình hình đó, hầu hết Huyện ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố như phát sốt, đôn đáo tuyên truyền, chỉ đạo các hội đoàn thể xắn tay vào tổ chức gieo cấy, lấp chỗ trống. Như vậy, nếu không có những tổ chức đoàn thể cấy hộ thì thực chất diện tích bỏ hoang sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Chính Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương Nguyễn Hữu Dương phải làm văn bản riêng về tình hình bỏ hoang ruộng gửi UBND tỉnh với hàng loạt những đề nghị như ở cấp Chính phủ phải sớm điều chỉnh, sửa đổi Nghị định số 42 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa cho phù hợp về quy mô và cấp thẩm quyền được phép quyết định chuyển đổi đất lúa, đất công điền sang sản xuất chăn nuôi, thủy sản, trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Sớm sửa đổi Luật Đất đai để gia mức hạn điền và tập trung tích tụ ruộng đất cho những người có năng lực và kinh nghiệm tổ chức sản xuất quy mô lớn, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Có định hướng, chính sách cụ thể, quyết liệt để hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản. Ở cấp tỉnh sớm có chủ trương dồn ô đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, sớm có chính sách đầu tư phát triển vùng hàng hóa tập trung gắn với cơ giới hóa đồng bộ…


Nông dân giờ không mặn mà với hạt thóc

Tôi đến nhà ông Hồ Sĩ Vinh ở thôn Thọ Xuyên xã Lam Sơn (Thanh Miện). Ông bà có bốn người con gái, hai lấy chồng xa, hai lấy ngay trong xã nhưng chẳng đứa nào muốn nhận thêm ruộng từ bố mẹ đẻ vì lo riêng ruộng nhà chúng đã đủ oải rồi. Cực chẳng đã, lão nông gắn bó cả một đời với ruộng đồng, quen từ mùi ngai ngái phân trâu, phân xanh, mùi bùn xục khi làm cỏ, mùi hương lúa đương thì làm đòng phải dứt ruột xin trả mảnh ruộng 828 m2 ở xứ đồng Lòng Thuyền. Đến ngay sát cổng nhà ông bà có sào ruộng mà phải nằn nì mãi người ta mới cấy hộ để giữ lại một chút đất dưỡng già.

Ông Phạm Văn Mang ở thôn Thọ Chương cùng xã Lam Sơn trước cấy tới 1,8 mẫu ruộng (một phần trong đó là cấy hộ anh em họ hàng) giờ cũng thu hẹp sản xuất. Mới đây ông đã làm đơn xin trả trên 400 m2 ruộng ở cánh đồng Sắn. Lão nông tri điền bấm tay tính: “Giống mất 30.000 - 50.000 đ nếu lúa thuần, 70.000 - 100.000 đ nếu cấy lúa lai, cày bừa 200.000 đ, cấy 200.000 đ, phân bón, thuốc BVTV 150.000 đ, gặt 100.000 đ. Năng suất một sào trung bình 1,8 - 2 tạ tương đương 1,4 triệu đồng nên thực lãi chẳng nổi 100.000 đ”.

"Không cấy có được không? Có như Mỹ hay một số nước vẫn có diện tích đất bỏ hoang lớn được không? Họ bỏ hoang là có chiến lược bởi quỹ đất rộng nên cho đất được nghỉ ngơi, cho giá nông sản được kiểm soát. Còn ta mỗi hộ có một vài sào, bỏ ruộng hoang là nỗi lo không chỉ kinh tế mà là an ninh, ổn định xã hội xáo trộn ngay", lời của một cán bộ huyện.

Anh Nguyễn Văn Vượng, trưởng thôn Kim Trang Tây (xã Lam Sơn), bảo dạo này chuột phá nhiều, thuốc Nhà nước cấp cho đánh mẻ chết, mẻ không, dân tình càng sinh chán. Trước tình trạng bỏ ruộng, thôn đã xuất quỹ thuê cày bừa, huy động Hội Phụ nữ, Hội Nông dân ra cấy, còn chủ ruộng phải nộp hết những phí nội đồng, phí BVTV… mà mời mãi cũng chẳng ai nhận cấy ở những thửa ruộng cho không, biếu không với vô số những “khuyến mãi” rất hời ấy.

“Ở thành phố các anh, điện, nước, đường sá đều được Nhà nước đầu tư còn nông thôn chúng tôi mọi thứ thu nhập trông vào hạt lúa củ khoai, nhưng hễ có công trình gì đều phải đóng góp. Đường điện chúng tôi làm nay bàn giao cho điện lực, từ cột, xà, sứ đến dây đều của dân, chỉ mỗi đồng hồ của Nhà nước mà không được tính. Đường nước mỗi hộ đóng góp 2,2 triệu đồng nhưng cũng chỉ đến cổng nhà, muốn dùng cứ việc góp thêm vài trăm nữa để đấu nối. Đường giao thông dân góp gần như 100%, giờ mới có chính sách cho xi măng. Trồng lúa, chính quyền cứ bảo mục tiêu phải lãi ít nhất 30% nhưng gần như ở quê tôi không có lãi bởi tôi tính nếu năng suất tốt nhất cỡ 2,5 tạ/sào mới lãi được 100.000 đ, nếu năng suất trung bình cỡ 2 tạ là hòa, nếu năng suất dưới 2 tạ cầm chắc lỗ”.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Hà Nội bắn pháo hoa tại 5 điểm dịp Tết Dương lịch

Trong dịp Tết Dương lịch, Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa 5 điểm (6 trận địa) tại các quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Nam Từ Liêm, thị xã Sơn Tây, huyện Đông Anh.