| Hotline: 0983.970.780

Mỏi mòn chờ lãnh đạo tỉnh Phú Thọ thực hiện lời hứa

Thứ Hai 20/02/2023 , 08:25 (GMT+7)

Đất đai sản xuất, mồ mả tổ tiên bị cuốn xuống sông Chảy, người xân xã Đông Khê (nay là xã Hùng Xuyên, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) đang tiếp tục cầu cứu.

đông khê 5

Người dân xã Đông Khê cũ, nay là xã Hùng Xuyên mòn mỏi chờ lãnh đạo tỉnh Phú Thọ thực hiện lời hứa. Ảnh: Hoàng Anh. 

Hệ lụy đau lòng của một dự án khai thác khoáng sản

Năm 2019, Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện loạt bài Cát loạn Phú Thọ, trong đó phản ánh việc người dân xã Đông Khê (huyện Đoan Hùng) lâm vào cảnh mất đất sản xuất, đời sống sinh hoạt bị xáo trộn trước nạn khai thác cát sỏi ồ ạt ở trên địa bàn. Hàng trăm hộ dân Đông Khê đã nhiều lần gửi đơn thư cầu cứu khắp mọi nơi, thậm chí còn dựng lều, tụ tập nấu cơm ăn ngay trước cổng trụ sở công quyền để phản đối việc chính quyền tỉnh Phú Thọ cấp phép cho Công ty CP Vật tư và xây dựng Đô thị Phú Thọ khai thác khoáng sản cát, sỏi trên diện tích 10,6 ha tại 2 xã Đông Khê và Nghinh Xuyên.

Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phú Thọ thời điểm đó là ông Hoàng Công Thủy đã tổ chức đối thoại với người dân Đông Khê để làm rõ những nội dung báo nên. Chính xác là sáng ngày 4/4/2019, với tư cách Phó Chủ tịch tỉnh, đại biểu HĐND huyện Đoan Hùng, ông Hoàng Công Thủy gặp gỡ người dân và khẳng định: Quan điểm của lãnh đạo tỉnh hướng tới tạm dừng, thu hồi giấy phép khai thác của doanh nghiệp. Trước mắt thực hiện nghiêm túc việc tạm dừng khai thác.

Cũng theo chỉ đạo của ông Hoàng Công Thủy ngày hôm đó, tỉnh Phú Thọ sẽ thành lập đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra tỉnh Phú Thọ chủ trì thanh tra toàn bộ quá trình triển khai việc khai thác của doanh nghiệp trên địa bàn. Từ chỉ giới khai thác, độ sâu khai thác, phương tiện khai thác, thời gian khai thác... trình UBND tỉnh biện pháp xử lý. Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ thời điểm đó hứa với người dân Đông Khê, nếu nguyên nhân sạt lở bờ sông do hoạt động khai thác cát sỏi gây ra phải quy trách nhiệm cho doanh nghiệp xem xét hỗ trợ cho bà con nhân dân…

1

Ông Hoàng Công Thủy thời điểm giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, đối thoại với người dân Đông Khê vào tháng 4/2019. Ảnh: Hoàng Anh.

Tuy nhiên, đã 4 năm trôi qua, ông Hoàng Công Thủy sau đó được bầu giữ chức Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ và mới đây đã được điều động tham gia Đảng đoàn mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Xã Đông Khê cũng đã được sáp nhập xã Hùng Quan, Nghinh Xuyên thành xã Hùng Xuyên nhưng tình trạng sạt lở trên sông Chảy cuốn theo đất đai, hoa màu của nhân dân vẫn đang tiếp diễn. Đê kè không có, bồi thường hỗ trợ cũng không, nỗi lo mất đất cùng với những bức xúc của người dân xã Đông Khê cũ vẫn còn vẹn nguyên, thậm chí ngày càng nhức nhối.

Trở lại Đông Khê chúng tôi chứng kiến người dân nơi đây vẫn đang mỏi mòn chờ đợi lãnh đạo tỉnh Phú Thọ thực hiện lời hứa, giải quyết những hậu quả đau lòng từ dự án cấp phép khai thác khoáng sản trên sông Chảy để lại.

Thôn Đông Dương của xã Hùng Xuyên bây giờ có 234 hộ, sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, diện tích sản xuất phần lớn nằm ở khu vực bãi bờ ven sông Chảy. Trưởng thôn Nguyễn Văn Chiến xác nhận vấn đề sạt lở chủ yếu xảy ra vào mùa mưa lũ, đặc biệt là những thời điểm thủy điện Thác Bà xả lũ. “Đợt mưa lũ vừa rồi mất khoảng 100m dài dọc bờ sông ở khu vực Ngòi Han, chủ yếu là đất trồng hoa màu. Thôn đã báo cáo lên xã, lên huyện, lên tỉnh để xin biện pháp làm đê kè. Nói chung cứ mưa lũ là lại sạt lở, sau năm 2019 dân ở đây cũng chưa được đền bù thiệt hại hay xây dựng đê kè gì cả”.

Dẫn chúng tôi ra khu vực bờ sông Chảy bị sạt lở ở các cánh đồng Cây Vải và Đồng Mã người dân thôn Đông Dương vẫn còn nguyên nỗi bức xúc đã kéo dài suốt từ nhiều năm trước đến nay. Họ nói rằng, thời điểm khai thác cát sỏi dưới sông còn rầm rộ, đã có hơn 10 ha đất đai, hoa màu và cả mồ mả của cha ông bị cuốn xuống sông. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng Cây Vải và Đồng Mã bị sông lấn vào hàng trăm mét, tốc độ sạt lở nhanh đến mức cây cối, mồ mả cũng không kịp di dời, đã có hơn 20 ngôi mộ bị sông nuốt chửng.

Sau khi lãnh đạo tỉnh Phú Thọ về đối thoại với người dân vào năm 2019, cứ tưởng mất mát của người dân sẽ được khắc phục, giải quyết, nhưng thực trạng ngày càng thêm lo ngại. Đợt mưa lũ cuối năm 2022 vừa rồi tình trạng sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp. Dòng nước sông Chảy ăn sâu vào các cánh đồng. Vết sạt lở kéo dài cả cây số, cao từ 3 - 4m như miệng hà bá khổng lồ nuốt hết cây cối, hoa màu của người dân.

“Nồi cơm” của hàng nghìn nhân khẩu liên tục bị đe dọa mỗi ngày mỗi giờ. Lời hứa sẽ đền bù thiệt hại, xây dựng đê kè bảo vệ đất sản xuất của người dân dường như cũng đã trôi theo dòng nước.

đông khê 1

Đất sản xuất của thôn Đông Dương tiếp tục đổ ập xuống sông Chảy. Ảnh: Hoàng Anh. 

Anh Nguyễn Hữu Tính, người dân ở thôn Đông Dương nói: Chắc chỉ một thời gian ngắn nữa dân chúng tôi sẽ mất hết đất sản xuất thôi. Cán bộ hứa mãi nhưng có thực hiện đâu. Họ nói nguyên nhân sạt lở không hẳn là do khai thác cát mà có thể là do diễn biến mưa, thủy điện xả lũ phức tạp… Nhưng dân chúng tôi ở đây bao nhiêu đời nay rồi, ngày trước sông Chảy chưa bị băm nhỏ thành từng khúc để múc ruột lên bán thì hai bên bờ có bị làm sao đâu. Chỉ có khai thác cát sỏi khoan xuống lòng sông hàng mấy chục mét mới gây ra sạt lở ghê gớm đến như thế.

Có hoạt động khai thác cát sỏi thì hai bờ sông cứ xói dần, gặp mưa lũ là lại sạt lở kéo theo đất đai hoa màu của người dân. Tùy theo từng đoạn, có đoạn 3-4m, có đoạn hàng chục mét. Mỗi lần mất đất chúng tôi lại quay clip trình báo chính quyền nhưng họ vẫn chưa có biện pháp gì cả. Dân chúng tôi cũng hết chỗ để kiến nghị rồi. Có những lời hứa suông với người dân không khác gì trẻ con cấp một hứa với nhau cả. Người dân Đông Dương bây giờ có những gia đình mất hàng mẫu đất, không còn gì để canh tác phải dắt díu nhau đi làm thuê hết cả.  

đông khê 2

Người dân thôn Đông Dương tiếp tục kêu cứu. Ảnh: Hoàng Anh. 

Trao đổi với Nông nghiệp Việt Nam, ông Bùi Chí Kiên, Chủ tịch UBND xã Hùng Xuyên cho biết xã đã thống kê diện tích sạt lở trên địa bàn gửi phòng Hạ tầng huyện Đoan Hùng, việc còn lại là chờ cấp trên xử lý. Còn phản ánh của người dân thôn Đông Dương thể hiện, họ đã nhiều lần cầu cứu cơ quan chức năng về tình trạng sạt lở nhưng nên nay vẫn chưa có động thái giải quyết nào.

Hiểm họa khắp các tuyến sông

Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, với các hệ thống sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ gồm sông Hồng, sông Lô, sông Chảy, sông Đà… từ nhiều năm trước cơ quan chức năng tỉnh này đã cấp phép cho nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác cát sỏi. Mặc dù chưa có nghiên cứu, kết luận nguyên nhân cụ thể nhưng rất nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng trên các tuyến bờ sông đều có các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác.

Điển hình như trên tuyến sông Chảy qua huyện Đoan Hùng, sông Lô qua các huyện Phù Ninh, Thành phố Việt Trì, sông Đà và sông Hồng qua huyện Thanh Thủy, Tam Nông… Người dân mất đất tìm đủ mọi biện pháp để bảo vệ đất đai, tài sản, đơn thư khiếu nại, cầu cứu gửi đi khắp nơi.

Cuối năm 2022 vừa rồi, ở một số xã như Tu Vũ (huyện Thanh Thủy), Bắc Sơn (huyện Tam Nông)… tình trạng sạt lở bờ sông Đà, ngòi Lạt diễn biến hết sức kinh hoàng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân các xã ven sông, nhiều ngôi nhà và hoa màu của người dân bị nước cuốn trôi.

tl2

Rất nhiều điểm sạt lở trên các tuyến sông xảy ra ở vị trí chính quyền tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác cát. Ảnh: Hoàng Anh. 

Đây cũng là tuyến sông mà UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép cho hàng loạt doanh nghiệp hoạt động khai thác cát sỏi như Công ty TNHH Tiến Nga khai thác tuyến sông Đà đoạn qua xã Dân Quyền, huyện Tam Nông. Công ty Quý Viên, Công ty Thành Công, Công ty Hồng Lô, Công ty Phương Đông, Công ty Lưu Thịnh Châu… cũng được cấp phép khai thác ở các khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở.

Trước sự đe dọa của hà bá vào mùa mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh này phối hợp với các địa phương, cơ quan chuyên môn khảo sát, triển khai kè khẩn cấp để bảo vệ đất đai, tài sản cũng như tính mạng của người dân; trong quá trình thi công phải đảm bảo kỹ thuật, chất lượng công trình…

Thiết nghĩ, thay vì ồ ạt cấp phép khai thác khoáng sản sau đó lại đổ tiền xây dựng đê kè, nên chăng tỉnh Phú Thọ cần rà soát lại hoạt động cấp phép khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo tài sản, tính mạng của nhân dân?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.