| Hotline: 0983.970.780

Mỗi năm có 4 kỳ học, 4 kỳ nghỉ là một đề xuất phù hợp

Thứ Ba 25/02/2020 , 09:11 (GMT+7)

Chúng tôi cho rằng đề xuất này có thể thực hiện được và chỉ cần điều chỉnh một chút các mốc thời gian nghỉ cho hợp lý là có thể thực hiện hiệu quả.

Việc thực hiện số ngày nghỉ hè, nghỉ tết cho học sinh ở nhiều tỉnh, thành phố không giống nhau.

Việc ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đề xuất chia năm học thành 4 kỳ học và tương ứng với bốn kỳ nghỉ, trong đó nghỉ hè khoảng 35 ngày, Tết 30 ngày, hai kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ 2 tuần đang được dư luận quan tâm trong những ngày qua. Vậy, liệu đề xuất này có trở thành hiện thực và khi thực hiện có gặp những khó khăn, trở ngại nào không? 

Thực tế, với khung thời gian năm học như hiện nay của ngành giáo dục, mỗi năm có 35 tuần thực học và 2 tuần dự trữ và các địa phương đều thực hiện chung khung thời gian như thế này. Việc nghỉ Tết thì có nơi nghỉ 10 ngày, có nơi nghỉ 2 tuần. Nghỉ hè cũng không đồng nhất giữa các địa phương bởi có địa phương tựu trường đầu tháng 8, giữa tháng 8, cuối tháng 8 và thậm chí có địa phương sang đầu tháng 9 mới tựu trường.

Chính vì thế, có địa phương cho học sinh nghỉ hè 2 tháng nhưng cũng có địa phương cho học sinh nghỉ hè tới 3 tháng.

Trong quá trình giảng dạy và học tập ở các trường thì học kỳ I hiện nay thường áp lực hơn học kỳ II bởi địa phương nào tựu trường và học trong tháng 8 thì xuyên suốt học kỳ I chỉ có 1 ngày nghỉ là ngày Quốc khánh (mồng 2/9). Những địa phương học đầu tháng 9 thì cho đến kết thúc học kỳ I không có ngày nghỉ nào. 

Dù học kỳ I có ngày Khai giảng và ngày Nhà giáo Việt Nam nhưng 2 ngày này theo quy định thì không được nghỉ, nếu nghỉ thì phải dạy và học bù. Điều này đã gây ra một áp lực rất lớn cho học trò và ngay cả với giáo viên. Vậy nên, ngay sau đề xuất của ông Nguyễn Đức Chung đã được nhiều người tán thành vì mỗi học kỳ có 1 kỳ nghỉ ngắn sẽ giảm bớt đi những áp lực.

Sang học kỳ II thì lại có rất nhiều ngày nghỉ nên nếu bố trí không khéo thì việc đề xuất thêm 1 kỳ nghỉ nữa dễ dẫn đến sự trùng lặp giữa các ngày nghỉ, kỳ nghỉ với nhau. Học kỳ II có các ngày nghỉ nhiều hơn học kỳ I, đó là: Nghỉ tết Dương lịch (1 ngày); Nghỉ Tết Nguyên đán (10-14 ngày); Nghỉ giỗ tổ Hùng Vương (1 ngày); Nghỉ ngày 30/4 và mồng 1/5 (2 ngày).

Đó là chưa kể nếu các ngày nghỉ theo Luật mà rơi vào các ngày cuối tuần thì còn được hoán đổi để nghỉ thêm nhiều ngày hơn.

Vì vậy, áp lực của học kỳ II thường không nhiều đối với giáo viên và học sinh nên nếu đề xuất của ông Nguyễn Đức Chung mà thành hiện thực thì ngành giáo dục cần bố trí lại khoảng thời gian nghỉ cho phù hợp hơn.

Theo ý kiến đề xuất của ông Nguyễn Đức Chung thì năm học được chia thành bốn kỳ học, tương ứng với bốn kỳ nghỉ, trong đó nghỉ hè khoảng 35 ngày, Tết 30 ngày, hai kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ hai tuần. Nếu chia như thế này, chúng ta thấy nghỉ Tết 30 ngày là quá nhiều mà nghỉ hè 35 ngày lại quá ít vì thời gian hè thì ngành giáo dục có rất nhiều việc quan trọng mà đây cũng là thời điểm nắng nóng ở các tỉnh phía Bắc.

Trong khi đó, thời điểm nghỉ Tết cũng là lúc vừa kết thúc học kỳ I và vừa bước vào học những tuần đầu tiên của học kỳ II nên công việc, áp lực của cả thầy và trò không nhiều.

Việc bố trí thời gian học, nghỉ của học sinh đang được tranh luận sôi nổi giữa tâm dịch Covid-19.

Thế nhưng, nếu nghỉ hè chỉ có 35 ngày thì ngành giáo dục, các địa phương, các trường học liên quan khó thực hiện được 2 kỳ thi tuyển sinh 10 và thi Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển vào đại học. Đó là chưa kể đến chuyện hè sẽ gắn liền với việc tập huấn chuyên môn của giáo viên các cấp. Vì thế, chúng tôi đồng ý với đề xuất của ông Nguyễn Đức Chung là mỗi năm học có 4 kỳ và có 4 kỳ nghỉ nhưng cũng đề xuất nếu ý kiến ông Chung được chấp thuận thì chia khoảng thời gian khác đi một chút.

Như chúng ta đã biết, một năm học được bố trí 37 tuần (học kỳ I có 19 tuần, học kỳ II có 18 tuần) nên thời gian còn lại của năm sẽ là 15 tuần. Học kỳ I sẽ cho học sinh nghỉ 2 tuần sau khi học hết tuần thứ  9 hoặc tuần thứ 10 để giảm áp lực học tập cho học trò sau hơn 2 tháng học tập. Tết Nguyên đán chỉ nên nghỉ 2 tuần như hiện nay là vừa, giữa học kỳ II cho học sinh nghỉ 1 tuần (vì học kỳ II đã có nhiều ngày nghỉ).

Thời gian còn lại trong năm là khoảng 10 tuần, thời gian này vừa để nghỉ hè, tổ chức các kỳ thi, tập huấn giáo viên và cũng là khoảng thời gian dự phòng cần thiết cho năm học (nếu có sự cố xảy ra) giống như dịch bệnh Covid-19 hiện nay chẳng hạn.

Hy vọng, ngành giáo dục, các địa phương nghiên cứu ký để có những phương án thích hợp nhất nhằm áp dụng vào khung thời gian năm học cho hiệu quả. Bởi, thực tế cách thực hiện khung thời gian năm học hiện nay ở các địa phương đang rất khác nhau nên cũng đã dẫn đến những bất cập trong quá trình thực hiện khung thời gian năm học.

Vì vậy, việc có thêm 2 kỳ nghỉ giữa học kỳ cũng là điều cần thiết để giảm bớt đi áp lực, tăng hiệu quả giảng dạy, học tập cho cả thầy và trò ở các nhà trường.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.