| Hotline: 0983.970.780

Trẻ nghỉ học, nhà nhà nhốn nháo

Thứ Hai 10/02/2020 , 09:42 (GMT+7)

Giữa lúc nCoV diễn biến phức tạp, hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An buộc phải cho trên 1,6 triệu học sinh nghỉ học. Cuộc sống của nhiều gia đình vì thế cũng bị đảo lộn.

Con nghỉ học, bố mẹ nghỉ làm

Hơn 1 tuần qua, 2 anh em Lê Bá Dương (18 tuổi) và Lê Bá Nhật (16 tuổi) tại xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) được nghỉ học ở nhà. Một vài ngày đầu, chúng không biết làm gì, chỉ quay ra, quay vào, ôm sách vở, dán mắt vào tivi mãi cũng chán. Đứa đòi đi chơi, đứa muốn cùng bố mẹ ra biển đánh cá. Chị Thương đi bán cá chưa về, hai anh em Dương lại đạp xe ra chợ, ngồi cạnh mẹ kì nèo về sớm nấu cơm.

Nghỉ học, lũ trẻ nhà anh Định đi đan lưới thuê.

Sợ chúng bỏ đi chơi, tụ tập nơi đông người rất dễ lây nhiễm nCoV lại không thể đưa con đi biển cùng, anh Lê Bá Định, chồng chị Thương đành để chị ở nhà trông các con, dù chúng cũng đã lớn tuổi.

“Tôi đành bảo với vợ gác chuyện chợ búa để ở nhà trông con. Vợ tôi lúc đầu không chịu vì bỏ chợ vài tuần thì mối lái làm ăn coi như mất nhưng rồi cũng phải chấp nhận. Một mình tôi dong bè ra biển mỗi ngày, tuy vất vả, cực nhọc hơn nhưng sự an toàn của con cái là trên hết. Thường thì vợ ra chợ mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn nhưng nay nghỉ thì đồng chi tiêu chắt bóp cũng ổn. Hi vọng dịch nhanh đi qua để cuộc sống trở lại như thường nhật”, anh Định chia sẻ.

Nhưng ngồi ở nhà chân tay ngứa ngáy, chẳng quen làm việc nhà, lũ trẻ nhà anh Định lôi hết máy móc trong nhà, tháo ra rồi lại lắp vào khiến nhà cửa bừa bộn chẳng khác gì một công xưởng. Chán chơi, chúng lại đòi đi đan lưới thuê.

Dù lúc đầu nhất quyết phản đối nhưng khi nghe chúng năn nỉ, vợ chồng anh Định lại xuôi dần. Nghĩ rằng, nếu chúng chỉ làm cho vui, lại không tụ tập, dễ quản lý, anh đành để vợ cùng đi đan lưới để “giám sát” chúng.

“Mình ở trên biển mà cứ lo ngay ngáy về mấy đứa con nên đành để vợ cùng đi đan lưới thuê. Đảo lộn hết cả trong suy nghĩ lẫn miếng ăn hàng ngày. Thường thì khi thuyền cập bờ, bán xong cá về nhà là có cơm ăn liền nhưng nay về mới cắm cơm, nấu thức ăn. Sáng sáng, cả hai vợ chồng phải dậy sớm hơn để chuẩn bị cả nhà đi làm, cứ cuốn theo bọn trẻ mà mệt nhừ”, anh Định nói trong uể oải.

Được bố mẹ cho đi đan lưới thuê, Dương và Nhật vui như mở cờ trong bụng. Chúng chỉ nghĩ đơn giản, ngồi làm trong nhà vừa tránh được môi trường tiếp xúc đông người lại có tiền phụ giúp bố mẹ: “Mỗi ngày, 2 anh em cháu cùng mẹ đan được 8-10 cheo lưới, được trả công 150-200 nghìn đồng/người, vừa có tiền lại vừa an toàn”, Dương phấn khởi. 

15-16-59_2
Con nghỉ học, công việc thường ngày của vợ chồng anh Định cực nhọc hơn trước.

Thế nhưng anh Định không nghĩ như vậy: “Tôi sợ nhất là các cháu đi làm, thấy kiếm đồng tiền dễ sẽ sao nhãng việc học. Người miền biển nghỉ học sớm đi làm không hiếm nên tôi chỉ muốn các cháu ăn học đến đầu đến đũa. Chúng đi làm cả ngày về, mỏi lưng, mỏi cổ nên ăn xong là đòi lăn ra giường ngủ. Vì vậy, đêm đêm động viên, giám sát các cháu học bài cứ như là đi đánh trận”, anh Định lo lắng.
 

Cuộc sống đảo lộn

Con nghỉ học, gửi người quen không yên tâm, chị Nguyễn Thị Hạnh tại phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn phải gửi con nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Nhà ông bà ngoại nhỏ, nay tập trung đông người, nhốn nháo, ồn ạo tựa một cái chợ. Về thấy cảnh bố mẹ già, không được 1 phút nghỉ ngơi vì trông cả cháu nội cháu ngoại, chị Hạnh rất áy náy nhưng không còn cách nào khác.

“Gia đình tôi có 2 con nhỏ, 1 bé học lớp 3, 1 bé học mẫu giáo. Vì công việc đi chợ cá bận rộn nên đành phải gửi cả 2 con về với ông bà ngoại từ tuần trước để phòng tránh dịch. Ông bà còn trông cả các cháu nội ngoại khác nữa nên không còn thời gian chăm sóc cho bản thân. Cứ đà này kéo dài rồi cũng phải tính phương án khác”, chị Hạnh tâm sự.

Tại Nghệ An, tuy chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào dương tính với nCoV nhưng trước mối nguy hiện hữu, cuộc sống người dân ở đây cũng bị đảo lộn.

Chị Nguyễn Thị Hà, trú tại khối Đông Thọ, phường Hưng Dũng (TP Vinh) hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa TP Vinh. Chị Hà cho biết, do chồng công tác khá xa nhà nên vợ chồng gửi con học tại trường tư thục để chủ động trong việc đưa đón. Nhưng những ngày qua, các cháu được nghỉ học, vợ chồng chị phải nhờ người thân hỗ trợ.

15-16-59_3
Nhiều gia đình phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc.

“Công việc của vợ chồng có đặc thù là trực đêm nhiều nên thi thoảng gửi nhờ người thân chăm sóc hộ. Còn bây giờ các cháu nghỉ học nên tôi phải gửi hẳn cháu cả ngày lẫn đêm để đi làm. Bữa nào rỗi thì qua thăm con, chỉ cho cháu ôn bài; bữa đực, bữa cái cũng đành chịu. Chúng được nghỉ học, ở nhà với ông bà thì thích trong khi mình đi làm thì bị áp lực về thời gian lắm. Nếu tình trạng này kéo dài thì căng, mọi thứ dường như bị đảo lộn hết cả lên”.

Còn chị Đinh Thị Minh, tại khối 19, phường Hưng Bình, TP. Vinh lại cẩn trọng hơn khi cho con nghỉ học trước khi nhà trường cho nghỉ. Hai đứa con chị học tại 2 trường mầm non trên địa bàn, ngày thường không có gì quá vất vả. Tuy nhiên, mọi việc đã gần như quay ngoắt 180o trong những ngày qua.

“Thông tin về diễn biến virus Corona ngày càng dày đặc trên thông tin đại chúng, dưới góc độ làm cha làm mẹ chúng tôi thực sự bất an. Tôi có công việc làm ăn tại nhà nhưng từ khi hai cháu nghỉ học ở nhà đến nay, suốt ngày lo cho chúng mà chẳng làm được việc gì. Như gia đình tôi có người ở nhà còn đỡ chứ một vợ, một chồng công tác bên ngoài, con nghỉ học không biết họ xoay sở thế nào. Thú thực vợ chồng tôi quyết định cho các cháu nghỉ học trước cả thời điểm nhà trường phát ra thông báo, đành rằng sẽ ảnh hưởng nhưng phải chấp nhận thôi”, chị Minh chia sẻ.

Thanh Hóa hiện có 850 nghìn học sinh ở các cấp được nghỉ học đến ngày 15/2. Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành quyết định cho trên 812 nghìn học sinh nghỉ học vô thời hạn kể từ ngày 7/2 để phòng chống nCoV.

Học sinh nghỉ học, ở nhà được coi là điều kiện tốt nhất để phòng dịch bệnh nCoV. Tuy nhiên, không tìm được nơi trông trẻ, một số phụ huynh bất đắc dĩ gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc, phần khác thì gửi đến một vài địa chỉ thân quen...

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.