Sau khi Sở GD-ĐT TPHCM thông báo cho học sinh trở lại trường học vào ngày 17/2, nhà văn - nhà giáo Nguyễn Văn Bổn (bút danh Tần Hoài Dạ Vũ) đã có thư ngỏ đầy băn khoăn về một quyết định mạo hiểm giữa mùa đại dịch của ngành giáo dục ở đô thị lớn nhất phương Nam.
Từng là Hiệu trưởng Trường Quốc học Huế, hiện nay ông Tần Hoài Dạ Vũ đang định cư tại quận 1- TPHCM, trình bày nỗi âu lo: “Đưa khoảng 2 triệu học sinh đến trường, liệu có đảm bảo được việc phòng chống lây lan bệnh cho chừng đó trẻ em? Với 2 triệu khẩu trang được sử dụng mỗi ngày, liệu có công ty nào sản xuất kịp khẩu trang cho các trẻ em sử dụng?
Liệu có cơ quan vệ sinh nào đủ sức dọn dẹp những khẩu trang vừa sử dụng xong, vất bừa bãi trên các đường phố, khu dân cư? Liệu có thể có bao nhiêu em học sinh, trong suốt một ngày đi học, không tháo khẩu trang?
Liệu có thể ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh dễ dàng với cũng khoảng gần 2 triệu phụ huynh đưa con đi học buổi sáng và đón rước con em mỗi sớm mỗi chiều? Liệu có bao nhiêu học sinh từng tiếp xúc với bà con thân quyến, hàng xóm láng giềng là những người có thể vừa đi xa về, có quá nhiều cơ hội tiếp xúc với những người đang ủ bệnh, mà theo thông tin mới, bệnh dịch Covid-19 có thời gian ủ bệnh là 24 ngày chứ không phải chỉ 14 ngày theo nghiên cứu ban đầu?”.
Đối với thông tin cho rằng việc nghỉ học dài ngày sẽ ảnh hưởng đến công tác đào tạo, nhà văn - nhà giáo Tần Hoài Dạ Vũ phân tích: “Thời gian các cháu nghỉ học không phải không giải quyết được. Về chuyện này, chúng tôi cũng thiết tha đề nghị lãnh đạo Bộ GD-ĐT nên chính thức công bố dời kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông lùi lại một tháng hoặc hai tháng.
Năm 1975, vì hoàn cảnh lịch sử, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng đã được tổ chức giữa tháng 9-1975, trên khắp miền Nam Việt Nam. Lúc ấy, tôi làm Chủ tịch Hội đồng Coi thi kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Chấm thi của tỉnh Thừa Thiên Huế, và chứng kiến mọi việc đều chu đáo và tốt đẹp.
Quan trọng nhất, là quyết sách của chính ngành giáo dục, và sự tận tụy cống hiến của đội ngũ giáo viên”.
Ở tuổi 75, cựu Hiệu trưởng Trường Quốc học Huế thể hiện nhiệt huyết chưa nguôi với sự nghiệp trồng người giữa mùa đại dịch: “Các cháu nhỏ tuổi, còn có cả cuộc đời phía trước để học tập, đừng vì chạy theo thành tích nhất thời mà có thể đẩy 2 triệu học sinh ở TP.HCM (và hàng chục triệu học sinh ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước) vào vòng nguy hiểm!
Bộ GD-ĐT nên đứng mũi chịu sào vào những thời điểm nóng bỏng như bây giờ, không nên "đẩy trái bóng trách nhiệm" về cho chính quyền và ngành giáo dục các địa phương!”.