Theo Sở Du lịch TP.HCM, trên địa bàn 24 quận, huyện của thành phố có 386 tài nguyên du lịch, trong đó chiếm tới 98% được xếp vào tài nguyên du lịch văn hóa.
Có 234 tài nguyên văn hóa vật thể, 120 tài nguyên nhân tạo; hệ thống bảo tàng, di tích cách mạng phong phú; hệ thống giao thông đường sông trong lòng đô thị; nhiều khu sinh thái, nông thôn mới liền kề đô thị; truyền thống hoạt động văn hóa nghệ thuật; công nghiệp giải trí, văn hóa ẩm thực phát triển…
Dựa trên tiềm năng từ các tài nguyên du lịch lịch sử, văn hóa, cảnh đẹp sẵn có, Sở Du lịch TP.HCM, đã phát động chương trình "Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng" và chương trình đã trở thành điểm nổi bật trong hoạt động năm 2022 của ngành du lịch thành phố.
Chương trình là sự nỗ lực rất lớn của thành phố trong việc đổi mới sản phẩm du lịch để trở thành điểm đến du khách không thể bỏ qua với chuỗi sản phẩm mới tôn vinh các giá trị văn hóa - lịch sử - kiến trúc gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn - Gia Ðịnh và nhịp sống hiện đại của TP.HCM. Chương trình được đánh giá là sáng tạo.
Tính đến tháng 10 năm 2023, thành phố có 42 sản phẩm du lịch tại Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện. Một trong những đơn vị lữ hành đồng hành cùng chương trình này là Công ty Cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt.
Cho đến nay, doanh nghiệp này đã sáng tạo và dành tâm huyết để thiết kế và xây dựng nhiều bộ sản phẩm du lịch dành cho mỗi quận, huyện. Trong số đó là các sản phẩm du lịch tiêu biểu nổi tiếng như: Đến quận 10 nghe kể chuyện Đông y; Kỳ bí làng cá Sấu Sài Gòn; Quận 11 - Có một chợ Lớn rất khác; Nhà Bè ngày mới; Bình Chánh - những điều chưa kể; Sài Gòn - lắng nghe các giác quan kể chuyện…
Mỗi một sản phẩm du lịch dành cho mỗi quận, huyện do doanh nghiệp này thiết kế đều có nhiều điểm đặc biệt. Đơn cử như sản phẩm “Đến Quận 10 nghe kể chuyện Đông y”, có nhiều hoạt động ý nghĩa đối với sức khỏe từ thể chất đến tinh thần như giao lưu chuyên đề và thưởng thức các món ăn thực dưỡng tại Nhà hàng Chay thực dưỡng; tìm hiểu về tên gọi và thưởng thức món bún thang; tham quan phòng bào chế thuốc và khu vườn thảo dược tại Tân Hưng Long Tự; trải nghiệm hoạt động làm tranh gạo; tham quan Bảo tàng Y học cổ truyền - nơi trưng bày mẫu cây thuốc và động vật, khoáng vật làm thuốc quý hiếm của Việt Nam.
Hay sản phẩm “Kỳ bí làng cá Sấu Sài Gòn” được thực hiện tại quận 12, không chỉ có những hoạt động thú vị mà sản phẩm này còn có có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tham quan Làng cá Sấu Sài Gòn, du khách trải nghiệm hoạt động câu cá sấu vui nhộn; tham gia workshop làm quà lưu niệm từ da cá sấu; thăm hỏi và giao lưu với các bệnh nhân mắc bệnh xương thủy tinh tại Trung tâm Kim Cương tươi đẹp; trải nghiệm dịch vụ ngâm chân thảo dược, thư giãn với liệu trình xoa bóp cổ - vai - gáy; thưởng thức các món ăn làm từ thịt cá sấu…
Chuyên đề du lịch gắn với văn hóa, lịch sử, làng nghề cũng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Bình Chánh với sản phẩm “Bình Chánh - Những điều chưa kể”. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm nhiều hoạt động như tham quan Khu Di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò; tham quan Khu tưởng niệm Liệt sỹ Tết Mậu Thân 1968; hòa mình trong sắc vàng, đỏ hòa lẫn mùi hương quế, hương trầm tại Làng nghề se nhang có tuổi đời gần 100 năm; tìm hiểu về Học viện Phật Giáo; tham quan Bát Bửu Phật Đài. Đây là một trong những sản phẩm du lịch đã góp phần giữ gìn được lịch sử, văn hóa bản địa, phù hợp với định hướng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử của TP.HCM.
Với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, cùng chính quyền địa phương và các doanh nghiệp lữ hành, chương trình "Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng" của TP.HCM được thực hiện ngày càng thành công việc khai thác các sản phẩm mới, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển du lịch của TP.HCM nói chung và các quận huyện nói riêng.