| Hotline: 0983.970.780

Mối tình bất tử bên dòng sông Cái

Thứ Sáu 26/07/2013 , 09:44 (GMT+7)

Nhà báo – Liệt sĩ Thẩm Đức Hòa đã hy sinh cách đây tròn 46 năm, nhưng câu chuyện về tình yêu của anh vẫn còn lay động lòng người cho mãi tới ngày nay và mai sau...

Nhà báo – Liệt sĩ Thẩm Đức Hòa đã hy sinh cách đây tròn 46 năm, nhưng câu chuyện về tình yêu của anh vẫn còn lay động lòng người cho mãi tới ngày nay và mai sau...

NHỮNG BỨC THƯ TÌNH CỦA ĐÔI VỢ CHỒNG NGÂU

Kể từ bức thư tỏ tình đầu tiên viết tháng 1/1955 cho đến bức thư cuối cùng đề ngày 5/7/1967 mà Thẩm Đức Hòa viết cho người yêu – người vợ Phương Bích Ngân, tổng cộng là 146 lá thư. Trong suốt mười năm, từ đêm tân hôn 24/6/1956 cho tới lúc chia tay, đôi vợ chồng trẻ chưa bao giờ được chung sống bên nhau trọn 1 tuần, vì một lẽ giản đơn, cả hai đều là lính, chàng chiến đấu ở Liên khu Việt Bắc, còn nàng thì hoạt động ở quân khu Đông Bắc, tựa như “anh ở đầu sông, em cuối sông”…

Bởi xa cách, nên bao nhớ nhung, yêu thương, Thẩm Đức Hòa dồn nén vào những cánh thư mỏng manh gửi cho vợ: “…Buổi tối, mùa xuân gió mát, thấy lòng xao xuyến lạ thường… Ngân ơi, Ngân vẫn mạnh khỏe chứ em của anh âu yếm đời đời – người mà anh yêu quý nhất… Như mọi đêm, đêm nay anh lại mơ thấy em. 21/3/1955”.

“Xem phim “Dù em phải chết” tự lòng anh toát lên một cảm giác nặng nề, thương tiếc người phụ nữ đẹp đã vì chồng, vì tình yêu cuối cùng hy sinh cả tính mệnh, vọng lại những tiếng gọi người yêu tha thiết, đau đớn trên dòng sông Đa – nuýp. 20/8/1958”.

“Ngân ơi, sao em không ở đây nhỉ, chúng mình sẽ thủ thỉ kể chuyện, áp má nhau và cùng ngắm trăng – chúng mình sẽ cười với chị Hằng và chú Cuội. Anh sẽ đố em nhìn thấy gì trong ánh trăng trong sáng – nếu em đố anh, anh sẽ bảo chỉ nhìn thấy em. Mơ màng, anh thấy ôm em ngủ - nhưng sao hơi đau đau lại ướt má… Tỉnh dậy, không phải, anh gục xuống bàn ngủ khi đang cầm bút viết bài. 8/9/1958”.

“Thực lòng anh không thể sống xa em được… Ngày qua, Hòa suy nghĩ rất nhiều, Hòa không sợ khó khăn mà chỉ sợ tư tưởng thất bại. Hòa không sợ thiếu thốn về vật chất mà chỉ sợ đau khổ về tinh thần. Hòa không sợ hy sinh cho nhau mà chỉ sợ không yêu thương nhau đầy đủ và Hòa chắc Ngân cũng thế. Không đề ngày”.

Trước ngày lên đường đi học trường Sĩ quan Lục quân, người chồng viết: “Ngân ơi, ngày lên đường nhận nhiệm vụ mới không gặp được nhau, anh gửi tới em tràn ngập lòng yêu nhớ sâu sắc. Nơi xa xăm mong vợ yêu của anh điều trị thuận lợi nhiều kết quả (lúc đó, Phương Bích Ngân đang công tác trong ngành Quân y – PV). Hôn em thắm thiết và hôn thật lâu. Hôn nhè nhẹ không đau đâu mà sợ. Ghét anh hôn “hăng hái” lắm phải không. Cứ như thế đến phải “kịch liệt biểu dương” em nhỉ. 3h sáng 11/1958”.

 “Hôm nay tối thứ 7 mưa và gió lạnh chả đi đâu… Một mình trong phòng, bên ngoài ào ào gió thổi từng cơn… Có lúc tưởng em đứng sau anh. Giá lúc này có Ngân ở đây thì sung sướng biết bao – anh sẽ bế Ngân vào lòng cùng nhìn ra ngoài trời gió. 6/10/1958”.

Giữa năm 1966, Thẩm Đức Hòa tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu và làm công tác báo chí. Dưới bom rơi, lửa đạn, anh vẫn viết thư đều về cho vợ con ở Hà Nội. Ngày 31/5/1966 anh “tạ lỗi” với vợ: “…24/6 này kỷ niệm ngày cưới của chúng ta, anh từng hứa mở tiệc chiêu đãi em trọng thể mỗi khi ngày cưới đến, nhưng không lần nào thực hiện được. Lần này ngày cưới đến chúng mình lại xa nhau…”.

“TIẾNG THU” TRONG LÒNG 3 NGƯỜI ĐÀN BÀ GÓA

“Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức/ Em không nghe rạo rực/ Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ…". Có lẽ, không ai thấu hiểu “Tiếng thu” như 3 người đàn bà góa bụa mà số phận đã kết nối họ bên nhau!

Người con gái lớn của cụ Thẩm Đức Bách và Hoàng Thị Duyên là Thẩm Thị Hà. Thẩm Đức Hòa là con trai duy nhất trong gia đình. Tuy mới ở tuổi thiếu niên, Hòa đã giấu Đẻ (mẹ) đi theo anh Đặng – người xã Thạch Bàn (ngay cạnh xã Long Biên, Gia Lâm, Hà Nội) - Đội trưởng đội du kích Hồng Hà.

Anh Đặng có người em gái là Bích Ngân. Khi Hòa tòng quân (năm 16 tuổi) thì Bích Ngân mới là cô bé 11 tuổi. Cha của Bích Ngân là chiến sĩ công an, hy sinh năm Bích Ngân mới 10 tuổi. 2 năm sau, mẹ cũng qua đời. Bởi thế, mấy anh chị em Bích Ngân sống dựa vào họ hàng cô bác, bà con hàng xóm.

Hòa nhập ngũ được 1 năm thì nghe tin cha hy sinh trong một trận chống càn. Hòa đau xót cho cha bao nhiêu, thì lại thương Đẻ bấy nhiêu vì tóc còn xanh mà đã góa bụa nuôi con một mình. Nỗi đau tiếp nỗi đau, khi chị Hà 21 tuổi, vừa sinh con đầu lòng thì chồng chị cũng hy sinh.

Hai mẹ con, cụ Duyên và con gái Hà khóc không còn nước mắt, từ đó dựa dẫm, nương tựa lẫn nhau nuôi con, nuôi cái. Hòa thì đi biền biệt hàng năm trời, thi thoảng ghé qua nhà lại phải hết sức bí mật rồi nhanh chóng lên đường chiến đấu. Hòa bình lập lại (1954), Bích Ngân đã bước sang tuổi 18. Theo bước cha anh, Bích Ngân cũng xung phong nhập ngũ và được biên chế về quân khu Đông Bắc.

Trước đó, trong một lần gặp mặt, anh bộ đội Thẩm Đức Hòa đứng sững người trước vẻ đẹp của cô gái cùng quê năm xưa. Được anh Đặng khích lệ, vun đắp, Hòa đã viết những bức thư tình gửi người nữ đồng đội, rồi hai người bén duyên thành vợ, thành chồng…

Cũng vì cuộc đời quân ngũ, duyên kiếp vợ chồng ngâu nên 3 năm sau hai vợ chồng mới có 1 đứa con trai chào đời. Sau đó, lần lượt thêm được một trai, một gái. Một ngày cuối tháng 5/1966, trên triền đê sông Hồng hoang vắng, gió thổi từng đợt, Bích Ngân bế con gái út Hồng Dung, tiễn chồng lên đường vào Nam.

Trước đó, Hòa mua một mảnh vải có màu tím hoa sim may áo tặng vợ mặc khi tiễn anh lên đường và hẹn rằng ngày anh trở về Bích Ngân cũng mặc chiếc áo ấy đón chồng. Giây phút chia tay, Bích Ngân chỉ biết khóc, không nói được một lời. Hòa ôm chặt vợ con trong vòng tay, giọng thì thầm trong nước mắt: “Bằng mọi giá, em cũng cố nuôi mẹ, vì mẹ chỉ có mình anh là con trai…”. Anh nhìn lại vợ con, rồi cất bước ra đi. Không ai ngờ rằng, đó là lần chia tay cuối cùng.

Không ai có thể hình dung được những nỗi gian truân mà thiếu phụ mặc áo lính đã phải trải qua khi tuổi đời mới tròn 30 xuân xanh. Một nách 3 con thơ dại, mẹ chồng già cả, chị chồng cũng cô quả nuôi con.

Sau những phiên trực đúng vào thời kỳ giặc Mỹ leo thang ném bom Hà Nội, thời gian, sức lực, từng đồng tiền bát gạo, củ khoai, Bích Ngân dành hết cho mẹ chồng và 3 đứa con. Dạo đó, Bích Ngân đã chuyển về công tác tại Bệnh viện Gia Lâm, nay là Bệnh viện Đức Giang. 3 đứa con may mắn được Tổng cục Chính trị sắp xếp cho sơ tán có người chăm nom tại Hoài Đức.

Bích Ngân thu xếp công việc rất khoa học, cứ 2 ngày một lần thì đạp xe về thăm mẹ chồng, san sẻ bớt tiêu chuẩn, chế độ để mẹ chồng bồi dưỡng. Cuối tuần, dậy thật sớm, đạp xe trên chặng đường 35 km tới nơi sơ tán thăm nuôi con tới chiều sẫm Bích Ngân lại đạp xe về nơi công tác. Tuần nào cũng vậy, cứ mỗi khi đạp xe đến Nhổn thì bắt đầu nhạc hiệu của Đài Tiếng nói VN vang lên.

Bao nhiêu gian khó, vất vả, Bích Ngân đều vượt qua nhờ những bức thư thấm đẫm tình cảm của chồng gửi về từ chiến trường. Nhưng kể từ bức cuối cùng đề ngày 19/11/1967, Bích Ngân không hề nhận thêm được lá thư nào nữa. Linh tính mách bảo Bích Ngân điều dữ đã xảy ra. Đêm đêm, giấu con, giấu mẹ chồng, giấu chị chồng, Bích Ngân khóc một mình. Người mẹ chồng, dường như cũng cảm được điều gì đó, nên nhắc con dâu sao lâu lâu không thấy Hòa viết thư về.

Bích Ngân đành phải quặn lòng lấy thư cũ sửa lại ngày tháng hoặc thêm bớt cho hợp hoàn cảnh rồi đọc cho mẹ chồng nghe… Thế rồi, mọi việc cũng không thể giấu kín mãi được. Cấp trên biết hoàn cảnh của 3 người đàn bà, nên mặc dù nhà báo Thẩm Đức Hòa hy sinh từ cuối 1967, nhưng rồi, nấn ná mãi, sau 3 năm đơn vị mới gửi giấy báo tử về xã.

Lại thêm một vành khăn trắng trên mái đầu 3 mẹ con. Đến lúc đó Bích Ngân mới biết chỉ 4 ngày sau khi viết bức thư cuối cùng, anh đã hy sinh. Thương em dâu vô cùng, đợi dịp, chị Hà khuyên em đi bước nữa. Bích Ngân nói với chị: Cả đời này, em mãi mãi chỉ yêu mình anh Hòa! Em biết là sẽ còn nhiều đau khổ, nhưng mẹ và chị đã chịu đựng được, lẽ nào em lại bỏ mẹ, bỏ chị mà đi…

BÁU VẬT CỦA NGƯỜI CÔ PHỤ

Đối với Bích Ngân, không có gì quý giá bằng những bức thư của chồng để lại. Và, người chồng, ngoài 3 đứa con, người mẹ già, cũng chỉ có những bức thư và chiếc áo màu tím hoa sim để lại cho vợ. Nhờ những bức thư đó, Bích Ngân đã giữ trọn bổn phận, nuôi dạy 3 con trưởng thành, chăm sóc mẹ chồng cho tới giây phút cuối cùng, rồi lại tự tay sang cát thay áo cho mẹ chồng.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, Bích Ngân vẫn giữ những bức thư ấy như báu vật. Thời gian không xóa nhòa được mối tình đầu vĩnh cửu ấy. Sắp bước vào tuổi “bát thập”, “Lão phụ” Phương Bích Ngân vẫn thương nhớ về mối tình đầu, trong nhiều năm, những đêm dài thức giấc, ngồi một mình, viết thư cho chồng.

“3 giờ 26 phút đêm thứ 4 ngày 25/5/2005.

Người anh, người chồng, người bạn, người đồng chí mà em thương yêu nhất!

Mới hơn 3 giờ sáng, tự nhiên em thức giấc và nhớ đến anh, thế là không ngủ nữa mà muốn tâm sự với anh như trước chúng mình ngồi bên nhau, nằm bên nhau tâm sự đủ loại chuyện. Nhưng hôm nay thì khác hoàn toàn. Em chỉ có một mình, sự cô đơn trống vắng làm em nhớ đến anh vô hạn. Người mà em thương yêu nhất cuộc đời này. Những ước mong sẽ được sống với nhau trọn đời, song đã không được như vậy. Em thấy đau đớn xót xa quá! Mất anh, mất cả cuộc đời…”.

“2 giờ 35 phút ngày 27/5/2005.

…Anh ơi! Cái số chúng mình gặp rồi lại xa, xa nhiều hơn gần nhau…Chỉ bằng những lá thư yêu quí rồi chúng mình quyết định xây dựng nên vợ nên chồng. Ngày 24/6/1956 đơn vị đã tổ chức lễ thành hôn cho anh và em, chỉ liên hoan bánh kẹo đơn giản. Khi chúng mình cùng mặc quân phục, đơn vị chuẩn bị cho anh một bó hoa rừng đủ các loại màu xanh đỏ tím vàng… Anh em trong đơn vị hô “hôn nhau đi”. Anh liền hôn vào bó hoa rồi trao cho em. Anh quả là xử lý tình huống rất thông minh, cứu “bàn thua” cho em, nếu không thì xấu hổ chết!

Đêm 24/6/1956, cái đêm làm em sợ hãi, anh phải dỗ dành mãi rồi thiếp đi trong vòng tay anh lúc nào không biết nữa. Sau này, hầu như lá thư nào gửi về từ chiến trường, anh cũng nhắc đến ngày 24/6, một ngày kỷ niệm đáng nhớ nhất. Em không biết ngày sinh của mình, bố hy sinh lúc em 10 tuổi, mẹ mất lúc em 12 tuổi. Một đứa bé mồ côi như em, sống tự lập tự cường từ bé, được có anh, em có thêm sức mạnh vô tận, em đã chiến thắng tất cả. Cũng từ khi gặp anh, em đã lấy ngày 24/6 làm ngày sinh của mình. Nhớ anh nhiều lắm. Vợ của anh: Bích Ngân”.

Viết xong, người vợ trân trọng đặt bức thư lên bàn thờ chồng, rồi thắp mấy nén hương và thì thầm…

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm