| Hotline: 0983.970.780

'Vén màn bí ẩn' dự án hỗ trợ sản xuất ở Bắc Kạn: [Bài 3]: Lập, thẩm định dự án 'có vấn đề'

Thứ Tư 19/02/2025 , 07:12 (GMT+7)

Bắc Kạn Mặc dù UBND tỉnh Bắc Kạn đã có hướng dẫn chi tiết, tuy nhiên việc lập, thẩm định các dự án bị chi phối, buông lỏng khiến các dự án triển khai kém hiệu quả.

Buông lỏng quản lý, Dự án triển khai sai đối tượng thụ hưởng

Trong những ngày phóng viên làm việc, tiếp xúc với các hộ tham gia dự án nhận thấy, nhiều dự án hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả, lãng phí nguồn lực đầu tư. Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và tiêu thụ khoai tây nguyên liệu tại xã Mỹ Thanh (huyện Bạch Thông) có tổng mức đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 3,6 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đã triển khai xong 2 chu kỳ (cả dự án 3 chu kỳ), ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ hơn 3,2 tỷ đồng, tuy nhiên doanh thu từ khi thực hiện dự án đến nay mới đạt gần 634 triệu đồng. Rõ ràng với mức hỗ trợ rất lớn, dự án này không mang lại hiệu quả, người dân được hưởng lợi rất ít.

Nguồn lực dự án chưa đến được đông đảo người nghèo, cận nghèo ở khu vực vùng sâu, vùng xa như kỳ vọng. Ảnh: NT.

Nguồn lực dự án chưa đến được đông đảo người nghèo, cận nghèo ở khu vực vùng sâu, vùng xa như kỳ vọng. Ảnh: NT.

Tại huyện Chợ Mới, dự án nuôi cá ao thương phẩm theo chuỗi giá trị cũng để lại nhiều thất vọng đối với người dân được hưởng thụ. Dự án này chưa hiệu quả, chưa thực hiện hết các chu kỳ sản xuất nhưng đơn vị chủ trì liên kết đã đề nghị không tiếp tục thực hiện dự án.

Bài liên quan

Nguyên nhân được xác định là do việc cung ứng cá giống vào thời điểm mùa đông (tháng 11/2023), trời rét nên cá phát triển chậm, tỷ lệ sống không cao, thời gian nuôi kéo dài tốn thêm thức ăn, tăng chi phí sản xuất.

Đáng chú ý, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trâu, bò vỗ béo do Hợp tác xã (HTX) Hòa Phát (huyện Bạch Thông) thực hiện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng để mua thức ăn, tuy nhiên hiệu quả thấp. Qua hai chu kỳ chăn nuôi, có 4 hộ tham gia liên kết nhưng mỗi hộ mới nhận được khoảng 70 triệu đồng tiền công chăn nuôi, trong khi ngân sách đã hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng.

Qua giám sát, Ban Dân tộc (HĐND tỉnh Bắc Kạn) đánh giá, việc phê duyệt dự án này sử dụng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là không phù hợp với quy định. Việc 4 hộ dân tham gia liên kết góp công chăn nuôi, góp cỏ sau đó được HTX Hòa Phát trả công là không đảm bảo quy định.

Trong quá trình tìm hiểu, phóng viên nhận thấy, việc lập, thẩm định một số dự án “có vấn đề”, trong đó phải kể đến dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chè Shan tuyết Bằng Phúc do HTX Rượu men lá Bằng Phúc (huyện Chợ Đồn) làm chủ trì liên kết. Dự án này được ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 498 triệu đồng, nhưng riêng kinh phí thuê tư vấn dự án đã hơn 113 triệu đồng (chiếm 22,8%) cơ cấu tổng nguồn vốn.

Bài liên quan

Ban Dân tộc (HĐND tỉnh Bắc Kạn) đánh giá, dù chi phí tư vấn lớn nhưng chất lượng tư vấn chưa đảm bảo, do tiền tư vấn lớn nên HTX Rượu men lá Bằng Phúc được hỗ trợ mua 2 máy vò chè công suất nhỏ so với quy mô, năng lực chế biến.

Ngoài hiệu quả thấp, một loạt dự án cũng không đảm bảo tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo (tối thiểu 50%) tham gia dự án theo quy định. Đáng chú ý, dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ gà thịt do HTX Lộc Tú Anh (huyện Pác Nặm) có 12 hộ tham gia, tất cả các hộ đều không phải hộ nghèo, cận nghèo?.

Cũng tại huyện Pác Nặm, dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lợn bản địa do HTX Vạn Lộc chủ trì có số hộ nghèo, cận nghèo chỉ chiếm 8,6% trong tổng số các hộ tham gia liên kết. Trong khi đó, Pác Nặm là huyện nghèo (huyện 30a), tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, hơn 45%. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu khi lập dự án, không có hộ nghèo tham gia hay còn lý do nào khác?

Cần xem xét trách nhiệm

Sau khi giám sát chuyên sâu các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển sản xuất cộng đồng thuộc tiểu dự án 2 (dự án 3), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Ban Dân tộc (HĐND tỉnh Bắc Kạn) đánh giá, một số dự án, công tác thẩm định, lựa chọn, phê duyệt chưa kỹ lưỡng, còn chung chung, chưa đầy đủ nội dung theo quy định.

Một số Quyết định của UBND huyện Pác Nặm, Bạch Thông phê duyệt chỉ nêu tổng số hộ tham gia, chưa có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và không có danh sách các hộ tham gia; Các Quyết định của UBND huyện Ba Bể, UBND huyện Na Rì đã nêu được tổng số hộ tham gia và tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng không có danh sách các hộ kèm theo.

Nhìn chung các quyết định được phê duyệt cơ bản không phê duyệt danh sách các hộ tham gia liên kết, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, không có nội dung và kinh phí hỗ trợ cho hộ gia đình, hoặc người dân thuộc đối tượng hỗ trợ của chương trình theo quy định.

Tại một số dự án, mức hỗ trợ quá lớn khiến các hộ chăn nuôi khó khăn trong việc đối ứng khi họ là những hộ còn nhiều khó khăn. Ảnh: NT. 

Tại một số dự án, mức hỗ trợ quá lớn khiến các hộ chăn nuôi khó khăn trong việc đối ứng khi họ là những hộ còn nhiều khó khăn. Ảnh: NT. 

Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn (Cơ quan điều phối Chương trình) cho biết, UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đã có văn bản hướng dẫn chi tiết quy trình lập, thẩm định các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển sản xuất cộng đồng thuộc tiểu dự án 2 (dự án 3), nếu các địa phương thực hiện đúng sẽ không xảy ra tình trạng đã nói ở trên.

Tại một số huyện, có những xã làm đúng, làm tốt, tuy nhiên có những xã lại làm không đúng, đây là thực tế đã diễn ra. Việc thẩm định dự án do hội đồng thẩm định của ngành nông nghiệp và của huyện thực hiện. Về trách nhiệm, phải xem xét trách nhiệm hội đồng thẩm định từng dự án cụ thể, xem dự án có đủ điều kiện triển khai không, có đủ điều kiện giải ngân không. Hiện nay, Chủ tịch UBND các huyện là Chủ tịch Hội đồng thẩm định các dự án này, ngoài ra còn có lãnh đạo Phòng NN-PTNT, Phòng Tài chính.

Theo bà Phương, đối với những dự án đã hỗ trợ vượt quá định mức, huyện phải chỉ đạo lại các xã thêm thành viên (hộ gia đình) tham gia vào chuỗi liên kết với các HTX, không để một hộ được hỗ trợ hàng chục con bò, vài nghìn con gà như hiện nay.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất