Trong báo cáo đánh giá mới nhất, hãng xếp hạng tín nhiệm Mỹ Moody cảnh báo rằng làn sóng dịch tả lợn châu Phi thứ hai này có thể gây thêm những bất ổn cho ngành nông nghiệp ở các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Trong diễn biến liên quan, hôm nay (6/4), Bộ Nông nghiệp Trung Quốc chính thức xác nhận thêm một ổ dịch tả lợn châu Phi mới bùng phát ở khu tự trị Tân Cương. Cụ thể, ổ dịch xảy ra tại một trang trại của Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương với 599 con lợn, buộc ngành thú y phải ra lệnh tiêu hủy toàn bộ trang trại.
Nguyên do là số ổ dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục được phát hiện ở một số khu vực của Trung Quốc, nơi có ngành chăn nuôi lợn lớn nhất thế giới kéo dài suốt kể từ nửa cuối năm ngoái đến nay.
Ngoài ra, căn bệnh nguy hiểm chưa có vacxin phòng trị hữu hiệu này cũng đã tái phát trở lại ở nhiều khu vực khác của châu Á - bao gồm Philippines, Malaysia và Indonesia với nhiều biến thể khó phát hiện hơn.
“Nguy cơ cao sẽ có một đợt dịch tả lợn châu Phi xảy ra lần thứ hai, đe dọa gây bất ổn cho các ngành nông nghiệp ở Trung Quốc và khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, hãng Moody cho biết.
Nhà kinh tế Xu Xiao Chun của chi nhánh Moody Analytics lưu ý rằng, dịch tả lợn châu Phi đã khiến giá thịt lợn ở Trung Quốc tăng gấp đôi vào năm 2020 do nhu cầu cao và khả năng thay thế thấp.
“Giá thịt lợn ngừng tăng vào quý 4 năm 2020 nhưng giá thịt lợn (và thịt nói chung) vẫn biến động ở mức cao nhất trong lịch sử”, ông Xu nói, đồng thời tiết lộ hiện các nhà chức trách Trung Quốc vẫn đang hướng tới mục tiêu ổn định nguồn cung và củng cố thị trường lợn thông qua hỗ trợ tài chính và đầu tư vào nghiên cứu khoa học và dịch vụ kỹ thuật nhằm tăng cường an toàn sinh học.
“Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu thịt lợn vẫn tăng trong khi giá lợn con, một chỉ số dự báo tương lai của giá thịt lợn nói chung, vẫn tăng liên tục trong những tháng gần đây”, kinh tế gia của chi nhánh Moody tại HongKong cho biết.
Theo ông Xu, dịch bệnh trên lợn bùng phát ở Philippines đã khiến người chăn nuôi tại đây mất tới 15% nguồn cung thịt trong nước và đẩy chỉ số lạm phát tăng lên 4,7% trong tháng 2/2021, buộc nước này phải nới giới hạn nhập khẩu thịt bằng cách giảm thuế suất để ổn định giá.
“Một kịch bản tương tự như Philippines có thể dễ dàng được nhân rộng ở các quốc gia khác ở châu Á, và nếu điều đó xảy ra sẽ làm phức tạp thêm lộ trình phục hồi của khu vực”, ông Xu nói.