Ngày 11/3, ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đang tiến hành cấp bách phát hóa chất phun tiêu độc khử trùng, phòng chống các bệnh trên gia súc, trong đó có bệnh dịch tả lợn Châu Phi cho các địa phương trong tỉnh.
Cũng theo ông Nam, đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, do trước và trong thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, trong đó có thịt lợn tăng cao nên việc giết mổ và vận chuyển gia súc trên địa bàn diễn ra phức tạp. Đây là nguyên nhân khiến cho bệnh dịch tả lợn Châu Phi tái phát và lây lan trên diện rộng.
Theo thống kê, từ ngày 1/1/2021 đến 10/3/2021, tỉnh Quảng Nam đã có 38 xã của 8 huyện gồm: Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức, Đại Lộc, Phú Ninh, Tiên Phước, Phước Sơn, Núi Thành tái phát dịch tả lợn Châu Phi. Tổng cộng có 1.577 con lợn bị mắc bệnh với trọng lượng tiêu hủy hơn 116 tấn. Trong đó, trọng lượng lợn nái và lợn giống tiêu hủy 101 tấn.
Đặc biệt, huyện Thăng Bình là địa phương có nhiều xã tái phát dịch nhất (11/22 xã), số lợn mắc bệnh là 609 con và trọng lượng buộc tiêu hủy hơn 60 tấn. Hiện, UBND huyện Thăng Bình đã yêu cầu các ngành chuyên môn và địa phương tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, trong thời gian có dịch, các địa phương trong huyện phải tạm dừng các hoạt động mua bán, giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn. Đối với các địa phương chưa phát hiện dịch tả lợn Châu Phi, phải chủ động và tăng cường công tác phòng dịch, giám sát chặt chẽ dịch bệnh gia súc để xử lý kịp thời nếu dịch xảy ra.
Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị này cũng đang căn cứ theo kế hoạch tổ chức phun tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh của các huyện để phân phối số lượng hóa chất.
“Chi cục còn khoảng 10.500 lít hóa chất để phân phối cho các địa phương, trong khi đó, nhu cầu của 17/18 huyện, thị xã của tỉnh là khoảng hơn 9.400 lít. Đến nay, chúng tôi đã phân bổ được cho 4 huyện với số lượng gần 3.500 lít. Còn lại, phải chờ các huyện làm báo cáo kế hoạch phun tiêu độc khử trùng cụ thể mới có thể phân bổ về được”, ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam nói.