Ngày 21/12 tại TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Quảng Trị tổ chức hội thảo triển khai hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững FSC, PESC, VFSC vùng Duyên hải miền Trung.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế được lựa chọn để xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ chế biến, xuất khẩu với quy mô thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 là 23 nghìn ha rừng gỗ lớn đạt chuẩn (riêng tỉnh Quảng Trị 13 nghìn ha). Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền, ban ngành và nông dân, tổ khuyến nông cộng đồng đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, hội thảo là cơ sở để ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị tham mưu, đề xuất triển khai mô hình tổ khuyến nông cộng đồng xuống tận các xã.
“Kết quả đánh giá công tác triển khai thực hiện mô hình khuyến nông cộng đồng hôm nay là cơ sở quan trọng để đề xuất mô hình hoạt động có hiệu quả, nhất là đối với các tổ khuyến nông cộng đồng tại 101 xã theo bộ tiêu chí NTM của tỉnh Quảng Trị”, ông Quốc nhấn mạnh.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 cũng quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có tổ khuyến nông cộng động hoạt động hiệu quả.
Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ NN-PTNT sẽ thực hiện đề án phát triển 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp. Đề án triển khai thành lập 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu gồm: Vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía bắc (Hòa Bình, Sơn La); vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ duyên hải miền trung (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế); vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum); vùng nguyên liệu lúa gạo Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang); vùng nguyên liệu cây ăn quả Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An).
Để đạt mục tiêu sớm trở thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt chứng chỉ, 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã thành lập 4 tổ khuyến nông cộng đồng với 24 thành viên. Các tổ khuyến nông cộng đồng này sẽ gắn với việc phát triển 16 vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng.
Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết, lực lượng nòng cốt của 2 tổ khuyến nông cộng đồng là cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện, cơ sở và cán bộ đoàn thể, lãnh đạo các địa phương. Các tổ khuyến nông cộng đồng sau khi thành lập đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.
“Tổ khuyến nông cộng đồng là cầu nối giữa cán bộ khuyến nông – nông dân – doanh nghiệp và nhà quản lý nhằm mục tiêu nâng cao giá trị nông sản. Hiện nay, chúng tôi đang tham mưu Sở NN-PTNT thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng cấp xã”, ông Cẩn cho hay.
Tuy nhiên, ông Cẩn cũng cho rằng, hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng hiện nay còn nhiều khó khăn như cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, phương tiện làm việc chưa có. Nguồn thu chủ yếu của tổ khuyến nông cộng đồng dựa vào các hoạt động tư vấn dịch vụ từ sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị có điểm xuất phát thấp, phát triển chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, thiên tai, dịch bệnh nên việc huy động các nguồn lực khó khăn. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực còn hạn chế… Vì vậy thời gian tới, các tổ khuyến nông cộng đồng rất cần sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của các cấp ngành địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, đề án tổ khuyến nông cộng đồng đã vượt ra khỏi phạm vi đề án và đạt kết quả ngoài mong đợi. Minh chứng cho điều này là tại Hải Phòng, tổ khuyến nông cộng đồng đã có mặt ở tất cả các xã.
“Bộ NN-PTNT xây dựng và thực hiện đề án thành lập 26 tổ khuyến nông cộng đồng ở 13 tỉnh nhưng hiện nay, có địa phương đã thành lập tổ khuyến nông cộng đồng ở tất cả các xã. Tổ khuyến nông cộng đồng đã vượt ra ngoài phạm vi đề án vì nó có tính thời sự và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của từng địa phương, từng doanh nghiệp và nông dân. Vì vậy, chúng ta phải xã hội hóa hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng, hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng phải thực sự linh hoạt và không hành chính hóa”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Thanh đề nghị các doanh nghiệp phải coi tổ khuyến nông cộng đồng là khách hàng. Doanh nghiệp muốn mua được gỗ đạt tiêu chuẩn thì phải thông qua tổ khuyến nông cộng đồng để đặt hàng sản phẩm theo hai hình thức trả trước hoặc trả sau. Tuy nhiên, với việc trồng rừng gỗ lớn phải mất 8 - 10 năm mới xuất bán, nông dân cũng cần tính đến phương án phát triển cây dược liệu dưới tán rừng để lấy ngắn nuôi dài.
Ngày 4/10/2022, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã ban hành quyết định công nhận 26 tổ khuyến nông cộng đồng tham gia Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”. Thành viên tổ khuyến nông cộng đồng tối thiểu 4 - 5 người, gồm cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện, cơ sở, cán bộ xã, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất...