| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông cộng đồng giúp phát triển ngành cà phê Tây Nguyên

Thứ Sáu 23/12/2022 , 13:44 (GMT+7)

Khuyến nông cộng đồng là xương sống trong việc phát triển các vùng nguyên liệu lớn, giúp ngành cà phê Tây Nguyên phát triển bền vững.

Ngày 22/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức diễn đàn “Khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên”.

Nhiều tín hiệu tích cực từ đề án khuyến nông cộng đồng

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, diện tích cà phê năm 2021 của Việt Nam đạt 710,6 ngàn ha, năng suất đạt 28,2 tạ/ha,  cho sản lượng hơn 1,84 triệu tấn. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm 91,2% về diện tích cà 93,2% về sản lượng cà phê cả nước, diện tích cà phê cho thu hoạch 647,6 ngàn ha và trên 500 ngàn ha cà phê dưới 15 tuổi đang chờ khai thác.

Tại 5 tỉnh Tây Nguyên, đã thành lập 167 HTX và 385 tổ hợp tác cà phê. Trong đó, Đắk Lắk thành lập 52 HTX; Lâm Đồng thành lập 20 HTX; Đắk Nông thành lập 46 HTX và Gia Lai thành lập 40 HTX.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay, sản xuất cà phê gặp khó khăn, thiếu bền vững, quy mô manh mún, nhỏ lẻ, diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ khá cao; kỹ thuật canh tác chưa hợp lý; khâu chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ; khâu tiêu thụ, xuất khẩu còn yếu, thiếu liên kết với thị trường tiêu thụ; người sản xuất cà phê chưa có tiếng nói trong các quan hệ liên kết ngành hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đầu vào và đầu ra nên thường chịu thiệt thòi và chưa bảo vệ được lợi ích của chính mình.

z3979722260175_e85df21a2337609e88358e11dab34626

Tổ khuyến nông cộng đồng giúp ngành cà phê tại Tây Nguyên phát triển bền vững. Ảnh: Quang Yên.

Đến nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện đề án thí điểm xây dựng tổ khuyến nông cộng đồng tại vùng nguyên liệu cà phê của 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu. Cụ thể, đề án đã xây dựng được 26 tổ khuyến nông cộng đồng.

Sau gần một năm triển khai đề án, khuyến nông cộng đồng đã nâng cao hiệu quả khuyến nông cơ sở, cơ cấu lại tổ chức khuyến nông cơ sở trên nguyên tắc không thay đổi bộ máy, đa dạng nhiệm vụ, phù hợp với thay đổi của thế giới, hướng tới khuyến nông theo nhu cầu và dịch vụ.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, địa phương là một trong 13 tỉnh được Bộ NN-PTNT hỗ trợ thực hiện thí điểm đề án tổ khuyến nông cộng đồng. Cụ thể, Đắk Nông đã thành lập được 2 tổ khuyến nông cộng đồng gồm: Tổ khuyến nông cộng đồng tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song và Tổ khuyến nông cộng đồng xã Đắk Rmoan, TP Gia Nghĩa.

Ngoài ra, hiện nay tại một số địa phương trong tỉnh cũng thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng để phục vụ mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng nông sản và thu nhập cho người dân.

“Tổ khuyến nông cộng đồng đã tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ, hình thành và phát triển các HTX nông nghiệp điển hình. Việc này góp phần tổ chức lại sản xuất gắn với xây dựng sản xuất hàng hóa quy mô lớn ở các vùng nguyên liệu; tham gia liên kết chuỗi giá trị, thực hiện các công đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện sơ chế, đóng gói, bao tiêu hoặc liên kết bao tiêu sản phẩm cho thành viên các hợp tác xã và nông dân, đồng thời thông tin định hướng thị trường sản phẩm nông sản”, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông báo cáo.

IMG_7650

Công ty TNHH Vĩnh Hiệp ký kết hợp tác với tổ khuyến nông cộng đồng và HTX. Ảnh: Quang Yên.

Tuy nhiên, tại diễn đàn, các đại biểu đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế của tổ khuyến nông cộng đồng hiện nay như: Công tác đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ khuyến nông một số nơi chưa thường xuyên, một số tổ chức khuyến nông sau thành lập hoạt động chưa hiệu quả do thiếu kinh phí; tổ khuyến nông cộng đồng không có dấu pháp nhân, khó khăn trong ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng tư vấn, đào tạo…

Để tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả trong thời gian tới, các đại biểu cũng đã đề xuất một số giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền thông qua nhiều kênh khác nhau giúp người dân tiếp cận được đa chiều; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác khuyến nông để thu hút người dân tham gia; tăng cường xã hội hoá hoạt động khuyến nông để kêu gọi nguồn lực của xã hội chung tay trong hoạt động khuyến nông nói chung và tổ khuyến nông cộng đồng nói riêng.

Tổ khuyến nông cộng đồng phải sống được bằng nghề

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để tổ khuyến nông cộng đồng thành công trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Các địa phương cần tạo cơ chế hỗ trợ trong quá trình sản xuất, hỗ trợ giá bán và tạo đầu mối với các HTX thông qua tổ khuyến nông cộng đồng. Nâng cao năng lực cho các HTX, tổ hợp tác hiện có và bổ sung cán bộ có trình độ, năng lực để duy trì và xây dựng kế hoạch sản xuất sản phẩm. Kết nối thông tin, đối thoại thường xuyên giữa người sản xuất cà phê, HTX, tổ khuyến nông cộng đồng với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, khuyến nông cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn các khâu đầu vào cho nông dân trong sản xuất. Với những quy định xuất khẩu hiện nay, tổ khuyến nông cộng đồng đóng vai trò đảm bảo cho sản phẩm đạt chuẩn.

IMG_7639

Đề án khuyến nông cộng đồng đã tác động tích cực đến nền nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quang Yên.

“Để làm được việc này, người làm khuyến nông phải có tình yêu cà phê, tình yêu với nông dân. Đặc biệt, vai trò của khuyến nông cộng đồng hiện nay là làm sao để người dân không chặt bỏ cà phê, chạy theo các loại cây trồng mang lại kinh tế lớn”, ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, Công ty có mạng lưới liên kết sản xuất cà phê bền vững với hơn 10 ngàn hộ nông dân, nhưng các nông hộ sản xuất nhỏ. Do đó, Công ty đã xây dựng các vùng nguyên liệu bền vững, liên kết với các đại lý, nhà thu mua, thương lái vào chuỗi cung ứng cà phê bền vững; xây dựng cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu và quản lý vật tư đầu vào.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, đề án khuyến nông cộng đồng đến nay đã thành công vượt hơn sự mong đợi.

Theo ông Thanh, khuyến nông cộng đồng chưa có mô hình mẫu nào nhưng đề án đã thành công. Cụ thể, đến nay đã có 25 tỉnh hình thành mô hình khuyến nông cộng đồng để phát triển nông nghiệp.

“Doanh nghiệp rất cần tổ khuyến nông cộng đồng. Không doanh nghiệp nào đủ sức trả lương cho cán bộ khuyến nông. Còn nông dân rất cần giải pháp kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu sản phẩm của doanh nghiệp đưa ra. Do đó, tổ khuyến nông cộng đồng sẽ có nhiệm vụ là nơi doanh nghiệp cùng với nông dân gặp gỡ, bàn về quy trình sản xuất, từ đó hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ”, ông Thanh nói.

z3979721521789_3114c0e80a8077074f2f13a197b40e4e

Mô hình tổ khuyến nông cộng đồng sẽ được nhân rộng tại các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Quang Yên.

Tuy nhiên, ông Lê Quốc Thanh cũng cho rằng, hiện các thành viên thuộc khuyến nông cộng đồng chưa sống được bằng nghề.

“Tôi tin tưởng khi chúng ta đáp ứng được những nhu cầu của xã hội thì sẽ sống được bằng nghề. Chúng tôi sẵng sàng đào tạo cho thành viên tổ khuyến nông, khi nào những thành viên này đủ bản lĩnh để tư vấn, chuyển đổi số thì đó là thành công của đề án. Với vùng năng động của Tây Nguyên, các tổ khuyến nông sẽ đi đầu, sống được bằng nghề, phục vụ được doanh nghiệp, HTX, người dân”, ông Thanh nói thêm.

Tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa tổ khuyến nông cộng đồng, doanh nghiệp và HTX. Cụ thể, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp ký kết với HTX Thành Đạt, HTX Nam Bình, HTX Sáu Nhung, HTX Thế hệ mới, Tổ khuyến nông cộng đồng huyện Cư M’gar, tổ khuyến nông cộng đồng xã Nam Bình… Công ty TNHH Vitad ký kết với HTX Nông nghiệp Tiền Phát Gia Lai. Việc ký kết nhằm quy định tiêu chuẩn sản phẩm thu mua, số lượng thu mua, giá cả…

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.