| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất vụ đông năm 2023: Không làm theo phong trào

Thứ Năm 07/09/2023 , 16:42 (GMT+7)

HÀ TĨNH Việc hỗ trợ giống hay một vài mô hình không mang lại giá trị gia tăng, vì vậy Hà Tĩnh sẽ chọn lọc những đối tượng, mô hình sản xuất hiệu quả để phát triển.

Chủ lực là ngô và rau

Vụ đông hàng năm dù không phải là vụ sản xuất được đặt nhiều kỳ vọng do thời tiết gặp nhiều bất thuận, song ngành nông nghiệp Hà Tĩnh luôn quan tâm chỉ đạo các địa phương khuyến khích người dân gieo trồng đa dạng đối tượng cây trồng nhằm đáp ứng nhu cầu tại chỗ và nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.

Dự báo thời tiết sản xuất vụ đông thuận lợi nên bà con cần chủ động tổ chức xuống giống ngay sau khi kết thúc thu hoạch vụ hè thu. Ảnh: Thanh Nga.

Dự báo thời tiết sản xuất vụ đông thuận lợi nên bà con cần chủ động tổ chức xuống giống ngay sau khi kết thúc thu hoạch vụ hè thu. Ảnh: Thanh Nga.

Theo kế hoạch, vụ đông năm nay toàn tỉnh phấn đấu đạt tổng diện tích gần 12.000ha. Trong đó, ngô vẫn là cây trồng chủ lực với hơn 4.200ha ngô lấy hạt và hơn 1.600ha ngô sinh khối; rau các loại gần 4.600ha; cây khoai lang hơn 1.400ha…

Căn cứ vào dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, sản xuất vụ đông 2023 có phần thuận lợi do mùa mưa khả năng đến muộn và kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm, các đợt mưa lớn không nhiều và mưa lớn chủ yếu tập trung vào nửa cuối tháng 9 - 10/2023. Nền nhiệt độ mùa đông xuân năm 2023 - 2024 khá cao, số đợt rét đậm, rét hại không nhiều.

Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất vụ đông nhiều năm nay thấp nên tâm lý người dân trong việc đầu tư thâm canh và mở rộng diện tích hạn chế; chưa hình thành được vùng sản xuất quy mô lớn...

Để hoàn thành được mục tiêu về diện tích và sản lượng cây trồng vụ đông năm 2023, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đề nghị 13 huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở khung thời vụ và các giống cây trồng theo đề xuất của tỉnh, tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương để có kế hoạch gieo trồng sát thực tế.

Đối với vùng không bị ngập lụt, chủ động về thời vụ, cần cơ cấu các loại cây trồng, giống có năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cao. Riêng vùng thấp, có nguy cơ ngập lụt cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để tránh lũ, cơ cấu các loại cây trồng, giống ngắn ngày để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi hoặc cơ cấu trà đông muộn - xuân sớm.

“Quan điểm của tỉnh là tận dụng tối đa diện tích để sản xuất cây vụ đông, song không làm theo phong trào, đại trà. Các địa phương lựa chọn những mô hình, đối tượng cây trồng có lợi thế đầu ra để xây dựng chính sách hỗ trợ”, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Theo ông Việt, cây ngô hiện vẫn là lợi thế, vừa phục vụ chăn nuôi, vừa có sản phẩm ngô thương phẩm cho người tiêu dùng trên địa bàn nên các huyện vùng núi như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ nên tập trung phát triển cây trồng này.

Các địa phương như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Nghi Xuân... khuyến khích sản xuất ngô nếp thu bắp tươi bằng các hình thức trồng thuần hoặc trồng xen.

Hà Tĩnh khuyến khích các địa phương tận dụng tối đa diện tích để sản xuất cây vụ đông nhưng cần định hướng cơ cấu cây trồng hợp lý nhằm thuận lợi trong tiêu thụ. Ảnh: Thanh Nga. 

Hà Tĩnh khuyến khích các địa phương tận dụng tối đa diện tích để sản xuất cây vụ đông nhưng cần định hướng cơ cấu cây trồng hợp lý nhằm thuận lợi trong tiêu thụ. Ảnh: Thanh Nga. 

Cây khoai lang cơ cấu trên các vùng cao của đất 2 lúa, đất cát pha thịt nhẹ ở các huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, khuyến khích bố trí trên đất trồng lạc nhưng đảm bảo kịp thu hoạch trước thời vụ sản xuất lạc xuân.

Đối với rau củ quả các loại, tập trung trên đất chuyên canh rau, đất 2 lúa, đất vườn ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã. Tiếp tục phát huy vai trò, kinh nghiệm của các HTX, tổ hợp tác sản xuất rau củ quả trên cát ven biển để tổ chức sản xuất có hiệu quả hoặc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất.

“Tổ chức, định hướng sản xuất quan trọng nhưng việc hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm còn quan trọng hơn. Do đó, các địa phương cần chủ động chỉ đạo thiết lập vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số để làm cơ sở thu hút doanh nghiệp hợp tác, bao tiêu sản phẩm cho người dân”, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đề nghị.

Lựa chọn đối tượng, mô hình hiệu quả để hỗ trợ 

Hương Khê là huyện miền núi nhiều năm liền đi đầu toàn tỉnh Hà Tĩnh về sản xuất cây vụ đông. Bình quân mỗi năm toàn huyện gieo trồng khoảng 3.000ha, trong đó hơn 2.300ha ngô.

Theo ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tương đối lớn nên việc sản xuất ngô lâu nay được bà con làm gối vụ chứ không chờ đến vụ đông mới sản xuất. Hiện địa phương đang tập trung hỗ trợ mô hình chế biến thức ăn ủ chua từ cây ngô phục vụ chăn nuôi.

“Về chính sách, lâu nay dù ngân sách khó khăn nhưng vụ đông năm nào huyện cũng hỗ trợ 50% giá giống cho bà con. Tuy nhiên từ năm 2024, chính sách này sẽ phải dừng lại để dồn lực hỗ trợ cho những mô hình, đối tượng cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Kỳ nói.

Chính sách hỗ trợ của Hà Tĩnh cho sản xuất vụ đông sẽ không theo phong trào, đại trà. Ảnh: Thanh Nga.

Chính sách hỗ trợ của Hà Tĩnh cho sản xuất vụ đông sẽ không theo phong trào, đại trà. Ảnh: Thanh Nga.

Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho rằng, chính sách hỗ trợ một ít giá giống hay từng mô hình nhỏ lẻ đại trà sẽ không phát triển được thành vùng chuyên canh cây trồng vụ đông, hiệu quả kinh tế thấp.

“Chúng tôi đang giao các xã tập trung rà lại cụ thể từng vùng sản xuất, sau đó lọc ra mô hình có tính khả thi để huyện có kinh phí hỗ trợ. Quan điểm là không làm dàn trải, mạnh dạn kêu gọi doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tham gia sản xuất theo chuỗi đối với một số sản phẩm chủ lực”, ông Hà nhấn mạnh. Ông Hà cũng kiến nghị tỉnh quan tâm, hỗ trợ địa phương về chuyên môn để phát triển các vùng chuyên canh cây trồng mới.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.