Tối 12/8/1945, tại lán Nà Lừa (Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang), qua chiếc đài thu thanh đã cũ chạy bằng pin, cụ Ké (Bác Hồ) được tin Nhật Bản gửi công hàm cho Mỹ và các nước Đồng Minh, mở cuộc đàm phán lập lại hòa bình, chấp nhận ngừng bắn, chứ không chấp nhận đầu hàng không điều kiện.
Ngay đêm hôm ấy, lúc 23 giờ, cụ cấp tốc hội ý với Ban Thường vụ Trung ương, đi tới quyết định tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước.
Sáng hôm sau, 13/8, trong ngôi nhà ở gần cây đa Tân Trào, tôi và anh Du Phong (Nguyễn Chính) là người phụ trách đánh máy chữ nhận được bản Tối hậu thư (Ultimatum) để hai chúng tôi xem và dịch ra đồng thời đánh máy luôn.
Hôm khác, anh Lâm Kính đưa tôi ra trước đình Tân Trào, đề nghị tôi thiết kế đình thành nơi họp mà về sau mới biết đó là Quốc dân Đại hội, bầu ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ Lâm thời).
Từng tham gia Hướng đạo sinh nên tôi nhận lời anh. Nơi đây rất nhiều tre vầu, tôi báo cáo với anh là đóng bàn ghế bằng tre phục vụ hội họp. Họp xong có thể thu dọn sạch ngay.
Anh Lâm Kính cử thêm ba chị dân công cùng làm. Tới nơi, nhìn vào trong đình, tôi thấy gian giữa đã có trưng bày triển lãm chiến lợi phẩm: súng, cờ, đồ hộp… do anh Du Phong thiết kế. Còn lại hai gian dành để phục vụ hội nghị.
Buổi sáng khi chúng tôi đang khẩn trương làm việc thì thấy có kiệu ghế đưa một ông cụ gầy ốm đến. Tôi nhận ra ngay đó là cụ Ké, cụ chưa dứt cơn sốt nhưng vẫn làm việc không nghỉ.
Đi sau cụ Ké là anh Văn và Thiếu tá Thomas. Ông cụ đến chỗ bàn tre bên tay phải đình, rồi giở bản đồ ra xem. Anh Văn đi theo. Tôi vẫn tiếp tục làm bàn ghế.
Thomas đứng đó một lúc rồi ra về. Ông cụ đang chăm chú xem bản đồ, một lát cụ ngẩng lên, không thấy Thomas đâu, cụ hỏi:
- Ông Thomas đâu rồi?
Anh Văn trả lời:
- Ông ta tự ra về một mình rồi ạ.
Cụ bảo:
- Không được, phải có người đưa ông Thomas về.
Anh Văn phải ở lại bên cụ nên bảo tôi đưa Thomas về. Tôi chạy theo đuổi kịp Thomas:
- Nhiệm vụ của tôi được ông cụ giao là đưa ông về tận lán.
Dọc đường, tôi hỏi Thomas về ông cụ. Thomas bảo:
- Ông cụ là người hoàn hảo lắm (He’s a perfect man).
Đưa Thomas về đến tận lán rồi, trước khi chia tay tôi lại hỏi:
- Bây giờ sắp sửa khởi nghĩa đến nơi, cách mạng thành công rồi.
Thomas đưa nắm tay ra:
- Con số không, chưa có gì hết cả.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Tại sao lại con số không? Quân đội Việt Minh có đủ hết cả thế này, sao ông lại nói con số không được?
- Phải nắm được chính quyền thì cách mạng mới được gọi là thành công, ông bạn ạ - Thomas cười giải thích cho tôi - phải nắm được chính quyền đã.
Ông ta bắt tay từ biệt tôi.
Ông Vũ An Biên
Ngay sau đó tôi được nhận nhiệm vụ mới, anh Văn cử tôi vào đoàn Việt Nam tuyên truyền nước Nam mới gồm có anh Phan Mỹ, anh Lê Văn Chánh, anh Kim Sơn, chị Đàm Thị Loan và một vài người nữa.
14 giờ 30 phút ngày 14/8/1945, một đơn vị giải phóng quân trong đó có “Bộ đội Việt - Mỹ”, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ công đánh quân Nhật ở Thái Nguyên, do anh Đàm Quang Trung chỉ huy - hàng ngũ chỉnh tề, tập hợp dưới lá cờ đỏ sao vàng, dưới bóng cây đa Tân Trào, làm lễ xuất phát về hướng Nam.
Những người Mỹ trong toán “Con Nai” cũng có mặt. Đồng chí Văn thay mặt Uỷ ban khởi nghĩa tuyên đọc bản Quân lệnh số 1 cho giải phóng quân. Một vị đại diện đoàn đại biểu về dự Quốc dân Đại hội lên kế tiếp sau anh Văn, đã đọc lời huấn thị.
Bà cụ Nam và một nữ đồng chí đại biểu Hà Nội có lời chúc bộ đội giải phóng quân lên đường đánh giặc thắng lợi, mang lá cờ đỏ sao vàng về cắm tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn.
Cuối cùng, anh Quang Trung thay mặt giải phóng quân hứa hẹn quyết tâm chiến đấu lật đổ ách thống trị của giặc Nhật và tay sai.
Gần 8 giờ tối thì về đến Thái Nguyên. Các đại đội giải phóng quân khoảng 450 người đều được lệnh tập trung dưới quyền chỉ huy của anh Lâm Kính - là chi đội trưởng. Tôi được ở cùng anh Văn, bác sĩ Lê Văn Chánh và Thiếu tá Thomas.
5 giờ 30 phút sáng 16/8, Bộ chỉ huy quân giải phóng trao Tối hậu thư cho viên tỉnh trưởng Thái Nguyên là Bùi Huy Lượng. Ông này đã nhanh chóng bàn giao chính quyền cho Uỷ ban khởi nghĩa và khuyên các binh sĩ Bảo an giao khí giới, đứng về phía cách mạng.
Riêng quân Nhật vẫn chưa chịu đầu hàng. Ông Thomas đề nghị anh Văn được cùng anh Quang Trung tấn công thẳng vào trại lính Nhật.
Anh Văn khoát tay, nói đại ý, chúng ta cần biết tiếc từng giọt máu mỗi chiến sĩ và còn nhiệm vụ tiến về Hà Nội. Thêm nữa, chính phủ Nhật đã đầu hàng, ta nên để họ về đoàn tụ với gia đình. Vì vậy ta cứ vừa đánh vừa đàm, siết chặt vòng vây…
Thomas phục tùng và sau này có dịp gặp lại nhau, ông ấy rất khâm phục hành động sáng suốt đầy tình nhân ái, biết quý từng giọt máu chiến sĩ của anh Văn.
Thomas cùng mấy viên sĩ quan đi lần sang nhà lao để chặn không cho quân Nhật rút. Tôi được lệnh của anh Văn ra thăm những người bạn trong nhóm “Con Nai”.
Đến nơi, tôi thấy họ nói ầm ầm lên để tạo ra tiếng vang sang nhà lao uy hiếp quân đội Nhật: có lính Mỹ thật. Thật ra quân đội Mỹ lúc đó chỉ có 7 người, gồm cả nhà báo. Trong đó, còn có một người Mỹ gốc Pháp.
Ông Vũ An Biên (SN 1921), nguyên Cục phó Cục Phát thanh - Truyền hình (Bộ Thông tin & Truyền thông) có mặt tại Tân Trào những ngày tháng 8/1945, đã được chứng kiến hoạt động về tình hữu nghị giữa những người lính OSS (Hoa Kỳ) với Việt Minh. |
8 giờ sáng, ta dùng loa thông báo cho quân Nhật biết có hai người mang thư của Bộ chỉ huy quân giải phóng gửi cho viên quan tư Nhật.
Trước đó, anh Văn cho mời ông Bùi Huy Lượng - Tỉnh trưởng Thái Nguyên sang đề nghị ông mang bản Tối hậu thư trao cho quân Nhật.
Ông này sợ quá, từ chối không nhận. Anh Văn nổi nóng, đập bàn, bảo ông ấy rằng, đây là trách nhiệm của ông đối với Tổ quốc, đồng thời cũng là nhiệm vụ cách mạng. Ông ấy hiểu ra và nhận lời.
Tỉnh trưởng Bùi Huy Lượng và anh Vũ Văn Quý (thường gọi là Qúy “đen”) làm phiên dịch lên ô tô mang bản Tối hậu thư đến trại quân Nhật. Bản Tối hậu thư của “Bộ đội Việt - Mỹ” do Thiếu tá Thomas thảo bằng tiếng Anh, tôi (Vũ An Biên) dịch ra tiếng Việt, anh Du Phong đánh máy…
Cuộc đàm phán kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Cuối cùng quân Nhật viện cớ là phải nộp vũ khí cho quân Đồng Minh, chúng xin án binh bất động.
VŨ AN BIÊN