| Hotline: 0983.970.780

Mùa đưa ong hái mật

Thứ Năm 12/03/2020 , 07:01 (GMT+7)

Hoa cà phê trên nương ở Lâm Đồng đang bước vào độ bung nở và đây cũng là lúc người nuôi ong có cơ hội khai thác mật, thu lãi lớn.

Hoa cà phê nở rộ giúp người nuôi ong ở Lâm Đồng có vụ mật bội thu. Ảnh: Minh Hậu.

Hoa cà phê nở rộ giúp người nuôi ong ở Lâm Đồng có vụ mật bội thu. Ảnh: Minh Hậu.

Ở huyện Lâm Hà, nghề nuôi ong lấy mật đang bước vào giai đoạn ngọt nhất khi khắp các triền đồi có hoa cà phê trắng muốt bung nở.

Trong khu vườn rộng cả ha, gia đình bà Trần Thị Bá (xã Đông Thanh) đặt những thùng ong ngay ngắn dưới gốc cây để ong thỏa thích bay đi hái mật. Bà Bá gắn với nghề nuôi ong đã được 18 năm và bà đã cùng chồng đưa đàn ong đến nhiều tỉnh ở vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ “đánh mật”.

“Chỉ có mùa này mới thảnh thơi, ngồi ở nhà thế này. Khắp đồi núi của quê tràn ngập trong hoa cà phê nên mọi việc cũng trở nên nhẹ nhàng”, bà Bá vui thổ lộ.

Mùa hoa cà phê thường bắt đầu sau Tết Nguyên đán. Đây là giai đoạn sau mùa thu hoạch và cây trổ bông cho đợt trái tiếp theo nên lượng mật nhiều. Nữ chủ đàn ong cho biết, năm nay, gia đình bà duy trì 400 đàn tương đương 400 thùng ong.

Vừa thắp lửa vào chiếc lò hun khói để kiểm tra thùng, bà Bá vừa nhẩm tính: “Mùa hoa cà phê này được lắm. Đến giờ đã thu hoạch được mấy tấn mật, lãi cả trăm triệu đồng”.

Theo bà Bá, thông thường, mỗi đàn ong cho quay mật 1-2 lần/tháng nhưng vào mùa hoa cà phê thì 7-10 ngày có thể thu hoạch. Mật dồi dào và chất lượng cao nên việc bán sản phẩm cũng trở nên dễ dàng.

Bà thổ lộ: “Mật rót vào chai rồi bỏ tủ lạnh vẫn không đóng băng. Vì vậy mà khách hàng mua lẻ lẫn mua số lượng lớn đều rất thích. Hiện nay tôi đang bán với giá 80.000-100.000 đồng/lít”.

Với 1.000 đàn ong, gia đình ông Mai Văn Cường ở xã Nam Hà cũng đang có được mùa mật lý tưởng. Để thu được nhiều sản phẩm, ông đã phân chia đàn và đưa đi chăm ở nhiều vườn cà phê trong vùng. Nông dân có 25 kinh nghiệm chia sẻ, mật ong mùa hoa cà phê có độ đậm đặc và thơm hơn so với thường lệ. Đặc biệt mật có vị ngọt pha thêm chút chua chua nên người tiêu dùng ưa thích.

“Những người biết cách lấy sẽ phân loại mật ong đậm chất hoa cà phê để bán với giá cao hơn so với thường lệ”, ông Cường cho hay.

Mùa cà phê năm nay, gia đình bà Trần Thị Bá thu hoạch lượng lớn mật ong, lãi cả trăm triệu đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Mùa cà phê năm nay, gia đình bà Trần Thị Bá thu hoạch lượng lớn mật ong, lãi cả trăm triệu đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo ông Cường, vào mùa này, hoa cà phê cho nhiều mật nên sản phẩm thu về dồi dào. Hiện nay, mật ong của gia đình ông được một công ty ở TP.HCM bao tiêu để đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu sang Đà Loan.

Mùa cà phê nở rộ, không chỉ người dân ở Lâm Hà mà những hộ chuyên sản xuất mật ở những nơi khác cũng đưa đàn đến địa phương để khai thác mật.

Anh Hoàng Thanh Tuấn, người dân ở Bình Phước cho biết, sau Tết Nguyên đán 2020, anh cùng những người trong gia đình lái xe tải, chuyển 300 thùng ong đến Lâm Hà để “đánh mật”. Khi đến nơi, anh ngỏ ý mượn vườn của một người dân để lập “bản doanh” và ngay lập tức được đồng ý.

Anh Tuấn chia sẻ: “Ong giúp cà phê thụ phấn nên chủ vườn vui vẻ đồng ý và còn phụ giúp tôi chuyển đặt các thùng ong”.

Ở mùa hoa này, anh Nguyễn Văn Bảy ngụ thôn Đan Phượng (xã Tân Hà) cũng duy trì 300 đàn ong. Theo nông dân này, vì vào mùa cà phê nở rộ, nguồn mật và phấn hoa dồi dào nên anh không phải bỏ thêm bất kỳ loại chi phí nào. Do vậy, việc khai thác và bán mật, phấn hoa vào vụ này giúp gia đình có khoản tiền lãi gần 150 triệu đồng.

Mật ong mùa cà phê đang được các hộ nuôi ong bán với giá 80.000-100.000 đồng/lít. Ảnh: Minh Hậu.

Mật ong mùa cà phê đang được các hộ nuôi ong bán với giá 80.000-100.000 đồng/lít. Ảnh: Minh Hậu.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Lâm Hà, nghề nuôi ong lấy mật ở địa phương đã hình thành từ nhiều năm trước và trở thành nguồn thu nhập lớn cho nhiều gia đình. Hiện nay, toàn địa phương có khoảng 31 nghìn đàn ong với năng suất sữa đạt khoảng 620 tấn.

Ông Trương Quốc Khánh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lâm Hà cho biết: “Nghề nuôi ong lấy mật phát triển khắp các xã của huyện nhưng nhiều nhất vẫn là xã Nam Hà với 30 hộ dân thực hiện và tổng là 12 nghìn đàn. Nghề phát triển mạnh nên thời gian qua, các cán bộ cấp ngành đã tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kỹ thuật cho người chăn nuôi”.

Cũng theo ông Khánh, ngành nông nghiệp huyện cũng triển khai các lớp phổ biến về ứng dụng công nghệ vào nuôi ong, khai thác và chế biến mật, phấn hoa xuất khẩu. Đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người nuôi ong nâng cao kỹ năng về phòng bệnh lẫn phát triển đàn và quản lý đàn ong giống.

Xem thêm
Dồn lực tiêm vacxin phòng bệnh dại trên chó, mèo

Trước diễn biến bệnh dại trên người có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ tiêm vacxin đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo.

Sapoche Mexico chịu được mặn 5 - 6‰, hiệu quả gấp 3 lần giống bản địa

TIỀN GIANG Ông Trần Văn Khả (ấp Đông Hòa, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là nông dân tiên phong ở địa phương trồng giống sapoche Mexico cho hiệu quả kinh tế cao.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất